Chủ nhật, 24/11/2024 09:38 (GMT+7)
Thứ hai, 27/06/2022 20:00 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 27/6

Theo dõi KTMT trên

Ðể nhà tái định cư hết hoang hóa: Nên đấu giá để chuyển đổi; "Lướt sóng" bất động sản chờ thời bùng lên; Có nên xuống tiền mua bất động sản giai đoạn này?… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Ðể nhà tái định cư hết hoang hóa: Nên đấu giá để chuyển đổi

Như Tiền Phong đã thông tin, nhiều tòa nhà tái định cư (TÐC) ở Hà Nội xây xong cả chục năm trời không có người ở, thậm chí để hoang hóa thành nơi nuôi gà, vịt. Hiện đã có ý kiến đề nghị sớm thu hồi lại nhà TÐC bỏ hoang để đấu giá, tạo lập thành nhà ở thương mại để bán, tránh lãng phí.

Đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết, hiện quận đang có một số dự án giải phóng mặt bằng cần nhà TĐC nhưng vẫn chưa có nhà để bố trí người dân vào ở. Trong khi quận đã có dự án nhà TĐC CT1, CT2 Khu tái định cư Xuân La (phường Xuân La, Tây Hồ). Dự án dù đã xong cơ bản nhưng đến nay những dự án này vẫn chưa hoàn thành đấu nối xử lý nước thải và chưa được nghiệm thu PCCC. Để khắc phục các hạng mục trên đưa vào sử dụng, mới đây Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng thành phố Hà Nội (chủ đầu tư) đã đề xuất thành phố bố trí hơn 60 tỷ đồng để hoàn thiện, nghiệm thu và đưa vào sử dụng.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 27/6 - Ảnh 1
Tòa nhà TÐC phố Tân Mai (Hoàng Mai) không có người đến ở, xung quanh trở thành nơi tập kết rác thải. (Ảnh: Doãn Thành)

Trong khi đó, đại diện quận Hoàng Mai - địa phương tập trung nhiều nhà TĐC chưa đưa vào sử dụng, chia sẻ: “Có 3 dự án TĐC do quận đầu tư đã hoàn thiện nghiệm thu chất lượng công trình và PCCC. Do dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, 3 tòa TĐC được trưng dụng làm nơi điều trị bệnh nhân Covid-19. Thời gian tới, sau khi các đơn vị trưng dụng bàn giao lại, quận sẽ tiến hành bố trí người dân vào ở”.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thêm, theo quy định, nhà TĐC sau 12 tháng chưa đưa vào sử dụng thành phố sẽ được điều tiết phục vụ TĐC cho dự án khác. Hiện, việc triển khai nhiều dự án phát triển hạ tầng đô thị cho nên nhu cầu GPMB, bố trí TĐC cho người dân rất lớn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhà TĐC đã xây dựng xong nhưng chưa bố trí người dân đến ở do chưa hoàn thành nghiệm thu theo quy định. Vị đại diện Sở Xây dựng lấy ví dụ về khu TĐC thuộc phường Trần Phú (quận Hoàng Mai) mà Tiền Phong đã thông tin, đến nay chưa được Sở TN&MT cấp phép xả thải ra môi trường.

Chỉ 9/31 sở ngành, địa phương tại TP.HCM có báo cáo phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2025

Mặc dù được yêu cầu báo cáo nội dung liên quan để phục vụ công tác giám sát việc thực hiện Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016-2025 của HĐND TP.HCM, nhưng chỉ có 9/31 đơn vị, địa phương trực thuộc thực hiện yêu cầu này.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 27/6 - Ảnh 2
Giai đoạn 2016-2020, diện tích sàn nhà ở thương mại toàn TP.HCM tăng thêm 13,98 triệu m2 sàn, vượt 112,9% so với chỉ tiêu đề ra.

Ngày 27/6, Sở Xây dựng TPH.CM cho biết, Sở này có văn bản gửi UBND TP.HCM báo cáo giám sát việc thực hiện Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016-2025.

Trước đó, Sở Xây dựng được Chủ tịch UBND TP.HCM giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo báo cáo giám sát “Chương trình phát triển nhà ở TPHC.M giai đoạn 2016-2025” để báo cáo theo yêu cầu của HĐND TP.HCM. Sở Xây dựng đã có công văn gửi các sở, ngành, UBND TP.Thủ Đức và 21 quận huyện căn cứ nội dung phụ trách báo cáo các nội dung liên quan theo đề cương giám sát.

Tuy nhiên, đến nay Sở Xây dựng chỉ nhận được văn bản báo cáo của 9/31 đơn vị, gồm Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý các Khu chế xuất-Khu công nghiệp, Ngân hàng Chính sách Xã hội TP.HCM, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP.HCM, Quỹ Phát triển nhà ở, UBND các quận 1, 4, Tân Phú, huyện Nhà Bè.

Trên cơ sở tổng hợp nội dung báo cáo của 9/31 đơn vị, Sở Xây dựng đã dự thảo Báo cáo giám sát việc thực hiện Chương trình phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016-2025.

Theo dự thảo, giai đoạn 2016-2020, diện tích sàn nhà ở toàn TP.HCM tăng thêm 53,7 triệu m2 sàn. Trong đó nhà ở dân tự xây đóng vai trò chủ đạo (tăng 38,5 triệu m2 sàn), nhà ở thương mại chiếm tỷ trọng lớn thứ hai) đạt 13,98 triệu m2 sàn), nhà ở xã hội tăng thêm 1,23 triệu m2 sàn.

Giai đoạn 2016-2020, diện tích sàn nhà ở thương mại toàn TP.HCM tăng thêm 13,98 triệu m2 sàn, vượt 112,9% so với chỉ tiêu đề ra (chi tiêu theo Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 là 6,568 triệu m2 sàn).

Với nhà ở thương mại, khu vực nội thành phát triển đóng vai trò chủ đạo, tăng 7 triệu m2 sàn, khu vực nội thành hiện hữu chiếm tỷ trọng lớn thứ hai (đạt 4,6 triệu m2 sàn), khu vực huyện ngoại thành có xu hướng tăng dần tốc độ phát triển và khu vực trung tâm hiện hữu có tốc độ tăng chậm lại.

"Lướt sóng" bất động sản chờ thời bùng lên

Trong những năm gần đây, nhiều tỉnh thành liên tục xuất hiện cơn sốt đất, phần lớn đi qua rất nhanh và chóng vánh. Đáng chú ý trong thời gian qua mặc dù bị tác động từ Covid-19 nhưng nhiều nơi vẫn liên tục xảy ra sốt đất, việc lướt sóng diễn ra càng mạnh mẽ. Chuyên gia cho rằng, nhóm đầu tư theo hình thức này sẽ tiếp tục hoạt động mạnh khi thị trường vào giai đoạn mới.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 27/6 - Ảnh 3
Đáng chú ý trong thời gian qua mặc dù bị tác động từ Covid-19 nhưng nhiều nơi vẫn liên tục xảy ra sốt đất, việc lướt sóng diễn ra càng mạnh mẽ. (Ảnh minh họa)

Trước đó, kết quả khảo sát từ tệp khách hàng của 10 công ty bất động sản lớn tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam giai đoạn 2020-2022 do Công ty Việt An Hòa công bố cho thấy, tỷ trọng nhà đầu tư lướt sóng trên thị trường bất động sản phía Nam giảm dần và điều chỉnh về 0%.

Nguyên nhân khiến kiểu đầu tư này tạm dừng do những động thái siết chặt thị trường bất động sản từ cơ quan chức năng, địa phương, đặc biệt là việc nhiều ngân hàng đồng loạt kiểm soát tín dụng rót vào địa ốc, thuế chuyển nhượng bị kiểm soát chặt, đang góp phần làm chùn tay thao túng của giới đầu cơ, giảm thiểu mua đứt bán đoạn.

Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng, đây chỉ là nhất thời, khi thời cơ đến thì nhóm này sẽ lại quay trở lại. Đặc biệt, nhóm nhà đầu tư dạng này thường tụ lại rất đông ở thị trường mới khai phá, mới có thông tin quy hoạch, hoặc tại một số khu vực chuẩn bị có dự án lớn đến.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng, đầu tư lướt sóng bất động sản lúc nào cũng có, dù ở miền Bắc hay miền Nam, có dịch hay không có dịch, thì vẫn luôn tồn tại.

Theo ông Đính, ở một góc độ nào đó, thị trường bất động sản vẫn rất cần dòng vốn từ các nhà đầu tư lướt sóng, họ mang tính hoạt náo viên kích thích thị trường sơ khởi. Nếu không có dòng vốn này, thị trường sẽ tương đối ảm đạm.

Có nên xuống tiền mua bất động sản giai đoạn này?

Theo TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, đối với những nhà đầu tư có ý định bán bất động sản vào lúc này, cần cân nhắc kỹ mục đích sử dụng của khoản tiền sau khi bán tài sản đó. Sẽ là hợp lý nếu khoản tiền này được đầu tư vào những kênh đầu tư hiệu quả hơn trong bối cảnh thị trường biến động.

Theo hầu hết các chuyên gia trong ngành, nhà đầu tư mới nên quan sát diễn biến thị trường, không nên nóng vội xuống tiền ở giai đoạn này.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 27/6 - Ảnh 4
Ảnh minh họa.

Chia sẻ trên báo chí, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia BĐS cho rằng giai đoạn này, nhiều nhà đầu tư đang rút khỏi thị trường bởi áp lực lãi vay và chấp nhận bán cắt lỗ. Theo đó, một số nhà đầu tư chuyên nghiệp có thể tìm thấy các sản phẩm giá tốt ở thời điểm này để mua nhưng các nhà đầu tư F0, ít kinh nghiệm thì  nên cân nhắc kỹ càng.

Theo vị chuyên gia này, các nhà đầu tư nên chờ đợi và tiếp tục quan sát các diễn biến tiếp theo của thị trường. Nếu vẫn chọn mua BĐS ở thời điểm này, người mua cần cân nhắc nhiều yếu tố. Thứ nhất, chỉ nên chọn mua các sản phẩm có hiệu quả khai thác, không mua theo số đông. Thứ hai, nhà đầu tư không nên vay ngân hàng để mua BĐS lúc này bởi khả năng được duyệt hồ sơ không cao và lãi suất có thể tăng trong thời gian tới.

"Hiện nay, thị trường đang quá tải với các sản phẩm cao cấp, hạng sang và khan hiếm dòng sản phẩm bình dân, vừa túi tiền, dẫn đến sức hấp thụ kém. Đây là khó khăn nhưng cũng là cơ hội, bởi nhiều khả năng, các chủ đầu tư sẽ phải cơ cấu lại danh mục sản phẩm để có thanh khoản. Ngoài ra, các tín hiệu gần đây cho thấy sắp tới, chính sách về tín dụng có thể cởi mở hơn, cơ hội cho BĐS sẽ cao hơn. Khi có cả 2 yếu tố này, các nhà đầu tư có thể tiếp tục tham gia vào thị trường", ông Quang nhấn mạnh.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 27/6. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới