Chủ nhật, 24/11/2024 08:27 (GMT+7)
Thứ ba, 02/08/2022 20:34 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 2/8

Theo dõi KTMT trên

Đa dạng kênh vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam; Loạt yếu tố đẩy giá bất động sản vào cuối năm nay; 'Văn phòng nhà đất' chuyển qua bán bia hơi, trà đá… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Đa dạng kênh vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam

Phát triển bất động sản được coi là có tác động rất mạnh lan tỏa nhanh trong nội ngành và sang rất nhiều ngành khác, qua đó thúc đẩy nhanh tăng trưởng việc làm và thu nhập.

Thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển, tuy nhiên các hạn chế, thách thức cũng hiện hữu.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 2/8 - Ảnh 1
Khu vực phía Tây Hà Nội được nhiều nhà đầu tư xây dựng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Việc thu hút nguồn vốn để phát triển phải đi liền với việc hoàn thiện thể chế, tổ chức thực hiện và chế tài nghiêm minh.

Cổ phiếu, trái phiếu... hay một số kênh huy động vốn khác cũng nằm chung trong bối cảnh và giải pháp đó.

Khi vận dụng và thu hút thành công, thị trường bất động sản sẽ phát triển vững chắc lên cấp độ tài chính hóa và được kỳ vọng trưởng thành cùng với nền kinh tế.

Tiến sỹ Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - nhận định bất động sản có tầm quan trọng trong nền kinh tế cũng như trong cuộc sống của con người.

Phát triển bất động sản được coi là có tác động rất mạnh lan tỏa nhanh trong nội ngành và sang rất nhiều ngành khác, qua đó thúc đẩy nhanh tăng trưởng việc làm và thu nhập.

Tuy nhiên, việc đầu tư không hiệu quả bất động sản nhà ở có thể gây nhiều rủi ro khác nhau cho chính doanh nghiệp, ngân hàng thương mại và cả hệ thống tài chính, nền kinh tế.

Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường, các kênh đầu tư bất động sản; trong đó có thị trường bất động sản nhà ở, ngày càng đa dạng, từ chỉ đơn thuần nguồn vốn tự có, người thân, vay ngân hàng, đến phát hành cổ phiếu bất động sản, trái phiếu bất động sản và gián tiếp qua các quỹ đầu tư bất động sản (Quỹ tín thác đầu tư bất động sản - REIT). Tại Việt Nam, các kênh đầu tư này đã có và phát triển với các mức độ khác nhau.

Theo Tiến sỹ Lê Xuân Sang, tại Việt Nam, kênh đầu tư trái phiếu bất động sản và chứng chỉ quỹ Quỹ Đầu tư bất động sản ra đời muộn hơn.

Nhưng những kênh đầu tư này nếu được quản lý tốt sẽ mang hiệu quả cho nền kinh tế, doanh nghiệp, nhà đầu tư; đồng thời, giúp thị trường phát triển lành mạnh, giảm nhẹ rủi ro cho các đối tượng liên quan.

Loạt yếu tố đẩy giá bất động sản vào cuối năm nay

Chuyên gia cho rằng, có nhiều nguyên nhân để giá bất động sản tiếp tục tăng trong thời gian tới, đặc biệt là nguồn cung hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Hiện nay, các kênh đầu tư phổ biến vẫn là vàng, chứng khoán và bất động sản. Trong đó, bất động sản được xem là kênh đầu tư an toàn, và đem lại hiệu quả lợi nhuận cao trong tương lai.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 2/8 - Ảnh 2
Ảnh minh họa

Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Đầu tư Savills Việt Nam, từ nay đến cuối năm, nguồn cung sẽ không nhiều với bối cảnh cuộc chiến tranh Nga - Ukraine vẫn diễn ra, xăng, dầu sẽ tăng cao và không có nhiều thay đổi.

Bên cạnh đó, nguồn cung trên thị trường khá hạn chế dẫn đến việc tăng giá bất động sản từ 20-30% so với các năm trước. Việc tăng giá đến từ nhiều yếu tố khác như giá xăng dầu, vật liệu xây dựng và nhân công đều tăng, cuộc chiến tranh địa chính trị giữa Nga và Ukraine, lạm phát.

“Nguồn cung mới trên thị trường khá hạn chế, chủ đầu tư tăng giá bán, người mua sơ cấp kỳ vọng giá trị gia tăng do lạm phát, giá cả nguyên vật liệu xây dựng gia tăng. Đây là những diễn biến trong thị trường vừa qua và 1 năm trở lại đây, đặc biệt là bất động sản nhà ở”, ông Sử Ngọc Khương nhận định.

Theo vị chuyên gia, giá bất động sản tăng trong thời gian vừa qua được coi là tăng theo tính tịnh tiến và tiệm cận. Điều đó có nghĩa giá bất động sản không tăng nóng như các năm trước (tăng một lúc từ 10-15%) mà giá sẽ tăng vài % hàng tháng.

'Văn phòng nhà đất' chuyển qua bán bia hơi, trà đá

Không còn cảnh tấp nập, nhộn nhịp mời chào mua nhà, đất nền như thời điểm dịch Covid-19 ở khu vực huyện Quốc Oai (Hà Nội), thay vào đó là hình ảnh đìu hiu, môi giới 'tay ngang', sàn giao dịch nhà đất tự phát 'rủ nhau' đóng cửa...

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 2/8 - Ảnh 3
Biển quảng cáo nhà đất bị xé bỏ ở xã Phú Cát (huyện Quốc Oai). (Ảnh: QUANG THẾ)

Ngày đầu tháng 8, cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 20 km, khu vực huyện Quốc Oai, Thạch Thất, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) đã không còn sốt đất dù từng là nơi từng nhiều lần xảy ra "sóng ảo" suốt 2 năm qua. Trên đại lộ Thăng Long đoạn từ huyện Quốc Oai đến huyện Thạch Thất chỉ khoảng 4 km thời điểm dịch Covid-19 nhan nhản biển quảng cáo giới thiệu đất nền, đất nhà vườn...

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều biển hiệu quảng cáo bất động sản này đã được dỡ bỏ, thay vào đó là cửa hàng ăn, nhà xưởng, có nơi thì sàn giao dịch tự phát còn "cửa đóng then cài".

Ngay một ngày cuối tuần - cuối tháng 7 - nhưng "sàn giao dịch" của vợ chồng chị Khương (xã Phú Cát, huyện Quốc Oai) không có khách ghé hỏi mua đất mà chỉ có mấy thanh niên trong làng ngồi uống trà đá.

"Ngoài đất nền thì khu này đất thổ cư mảnh lớn đến đất nhà vườn là những sản phẩm khách tìm mua nhiều nhất. Nhưng gần đây không có khách, nên chồng chuyển nghề, tôi thì kiêm bán trà đá", chị Khương nói.

Chị Khương cho biết vào thời điểm đất sốt nóng vợ chồng chị ngày nào cũng túc trực ở "sàn giao dịch" tư vấn cho khách. Cách "sàn giao dịch" của vợ chồng chị Khương không xa, từ đại lộ Thăng Long đi vào xã Phú Cát, ở thời điểm sốt ảo có tới gần 20 sàn giao dịch tự phát, biển quảng cáo khổ lớn giới thiệu nhà đất nhưng đến nay chỉ còn lại 1 điểm tư vấn bất động sản không có người ra vào.

Một số quận, huyện ngoại thành Hà Nội như: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, huyện Hoài Đức… từng nhan nhản sàn giao dịch tự phát nhưng đến nay đã đóng kín cửa. Chỉ riêng trong khu đô thị Vân Canh (huyện Hoài Đức) từ hàng chục điểm tư vấn nhà đất, giờ chỉ còn một sàn giao dịch hoạt động èo uột.

"Không có khách mua và cũng không có người bán, trong khi giá nhà đất thì vẫn cứ tăng nên anh em môi giới phải xoay sang nghề khác đợi khi nào thị trường nóng mới tiếp tục hoạt động trở lại. Nhiều nơi, từ văn phòng chốt đơn hàng ngày giờ chuyển qua bán bia hơi, trà đá là chính…", anh Đức Anh (hành nghề môi giới tại xã Vân Canh, huyện Hoài Đức) cho biết.

Ngân hàng đang bơm bao nhiều tiền vào các dự án bất động sản?

Dư nợ tín dụng bất động sản tính đến hết tháng 6 đạt hơn 2,36 triệu tỷ đồng. Trong đó, chiếm 33% (khoảng 784.575 tỷ đồng) là tín dụng cho các chủ đầu tư bất động sản.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tín dụng chảy vào bất động sản vẫn tăng cao trong thời gian gần đây.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 2/8 - Ảnh 4
Tính đến hết tháng 6, có khoảng 784.575 tỷ đồng của các ngân hàng nằm trong các dự án bất động sản. (Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

Cụ thể, tính đến 31/3/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản là 2,24 triệu tỷ đồng, tăng 7,87% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ trọng 20,23% tổng dư nợ tín dụng chung. Trong đó, dư nợ tín dụng tiêu dùng/tự sử dụng tăng 7,75%, chiếm tỷ trọng 65,01%; dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 8,1%, chiếm tỷ trọng 34,99%.

Tính đến cuối tháng 4/2022, tổng dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt hơn 2,28 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021 và chiếm tỷ trọng 20,44% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong đó, phân khúc kinh doanh, đầu tư chiếm khoảng 750 nghìn tỷ đồng, còn lại là đối tượng vay mua nhà ở.

Đến thời điểm 31/5/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực này là 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm ngoái. Trong đó, tín dụng tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng (1,55 triệu tỷ đồng, tăng 14,41%, chiếm tỷ trọng 66,3%), dư nợ tín dụng với mục đích kinh doanh bất động sản hơn 786 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm ngoái và chiếm tỷ trọng 33,7%.

Còn theo số liệu mới nhất, 6 tháng đầu năm nay, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt hơn 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021, vượt trội so với mức 9,35% tăng trưởng chung và chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Trong đó, tín dụng đối với bất động sản kinh doanh tăng 8,19%, chiếm 33%; tín dụng phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67%.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 2/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới