Thứ năm, 28/11/2024 02:08 (GMT+7)
Thứ hai, 01/08/2022 17:55 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 1/8

Theo dõi KTMT trên

Tránh rủi ro khi mua bán nhà đất, người dân cần lưu ý những gì?; Cần bổ sung thêm quy định để tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại; Nhà đầu tư bất động sản “ngán” tháng cô hồn… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Tránh rủi ro khi mua bán nhà đất, người dân cần lưu ý những gì?

Nhằm tránh rủi ro cùng những hệ lụy không mong muốn phát sinh sau khi mua bán nhà đất, người dân cần tìm hiểu và nắm rõ các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý.

Theo các chuyên gia pháp lý, để quá trình mua bán, chuyển nhượng nhà đất đảm bảo độ an toàn, trước hết, người dân cần nắm rõ những quy định về pháp luật, như Luật Xây dựng 2014, Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung, Luật Đất đai 2013, Luật Công chứng 2014 cùng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 1/8 - Ảnh 1
Ảnh minh họa. (nguồn: TTXVN).

Bên cạnh đó, cần kiểm tra đầy đủ các thông tin về quy hoạch. Nắm rõ nguyên tắc: không được chuyển nhượng, mua bán nếu nhà, đất nằm trong quy hoạch. Cụ thể, tìm hiểu ngôi nhà, thử đất định mua có nằm trong quy hoạch dự án nào hay không. Bên mua có thể mang bản photo “sổ đỏ” đến bộ phận một cửa của UBND quận, huyện nơi có nhà, đất để tìm hiểu, tra cứu và hỏi thông tin.

Ngoài thông tin về quy hoạch, cần thiết nắm được thông tin về thực trạng sổ đỏ và nhà đất, vị trí thửa đất, sự trùng khớp giữa sổ đỏ và thực trạng đo đạc thửa đất.

Thông tin về tranh chấp cũng cần được lưu ý đối với người mua. Người mua có thể tìm hiểu về các tranh chấp lớn bằng cách tìm kiếm tin tức trên mạng xã hội, báo điện tử, truyền hình hay trên cơ sở dữ liệu đã được lưu tại văn phòng công chứng. Đối với tranh chấp nhỏ, có thể tìm hiểu thông tin từ những người dân xung quanh hoặc UBND phường, xã.

Về thông tin vay nợ thế chấp cần tìm hiểu rõ để tránh những rắc rối phát sinh sau này. Đối với thông tin này, người mua có thể nhận biết bằng cách xem ở bìa 4 (hoặc bìa 3) của sổ đỏ, hoặc một tờ giấy riêng đính kèm ghi thông tin thế chấp được đóng dấu giáp lai của cơ quan đăng ký đất đai.

Cần bổ sung thêm quy định để tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, cần bổ sung một số quy định trong Luật Nhà ở 2014 nhằm tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại và khắc phục tình trạng lệch pha cung cầu.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề xuất sớm giải quyết một số vướng mắc của Luật Nhà ở 2014 và pháp luật có liên quan để phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 1/8 - Ảnh 2
Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Theo đó, một trong những hội dung được HoREA kiến nghị lần này đó là tiếp tục sửa đổi khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 bổ sung thêm trường hợp nhà đầu tư “có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đô thị, nhà ở” thì được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, để tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại, tăng nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền để khắc phục tình trạng lệch pha cung cầu, lệch pha phân khúc thị trường, đồng thời kéo giảm giá nhà, tiến tới bình ổn giá nhà.

HoREA cho rằng, điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Nhà ở 2014 và khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 quy định, trường hợp nhà đầu tư phải có 100% đất ở thì mới được công nhận chủ đầu tư, mà loại dự án có 100% đất ở chỉ chiếm khoảng 1% trên thị trường bất động sản.

Như vậy, có đến khoảng 99% dự án nhà ở là có quỹ đất hỗn hợp (gồm “đất ở và các loại đất khác”) hoặc có quyền sử dụng “đất khác không phải là đất ở” (như có 100% đất nông nghiệp hoặc có 100% đất phi nông nghiệp không phải là đất ở).

Trong khi đó, mặc dù phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, đô thị, nhà ở, nhưng vẫn không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, nên trong giai đoạn 2015-2020 đã “đóng băng” tất cả các dự án có quỹ đất hỗn hợp hoặc có “đất khác không phải là đất ở” không thể triển khai thực hiện.

Do đó, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung dự án, thiếu hụt nguồn cung nhà ở, nhất là nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội và gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp đã bỏ ra khoản tiền rất lớn để chuẩn bị quỹ đất dự án, phải chịu nhiều rủi ro do bị đọng vốn kéo dài.

Mặt khác, tại điểm c khoản 2 Điều 22 và khoản 4 Điều 23 Luật Nhà ở 2014 đã chưa thống nhất, chưa đồng bộ, chưa phù hợp với các quy định của Luật Đất đai 2013 (nêu trên) và khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư 2020 quy định về “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” trong trường hợp nhà đầu tư “có quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư”.

Nhà đầu tư bất động sản “ngán” tháng cô hồn…

Đầu tư 2 mảnh đất nông nghiệp, theo dự định của anh V (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) sẽ bán ra vào tháng 5/2022. Tuy nhiên đến nay, sau nhiều tháng rao bán, đất của anh V chưa có giao dịch.

Nếu giai đoạn đầu năm, đất nền các tỉnh lân cận TP.HCM nhộn nhịp giao dịch, hoạt động mua bán sang tay rục rịch ở cả loại hình đất thổ cư và đất nông nghiệp, thì hiện tại đã có dấu hiệu chững. Nhiều nhà đầu tư sau thời gian "hăng say" săn đất hiện đã "nghỉ ngơi" chờ đợi. Tháng cô hồn (tháng 7 âm lịch) cũng khiến việc bán buôn chậm, gần như là tháng nghỉ ngơi của cả môi giới BĐS và nhà đầu tư. Dĩ nhiên, tháng này đến đúng thời điểm thị trường đang chậm lại, tháng cô hồn trở thành "cú bồi" đối với thị trường BĐS.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 1/8 - Ảnh 3
Ảnh minh hoạ.

Đầu tư 2 mảnh đất nông nghiệp, theo dự định của anh V (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) sẽ bán ra vào tháng 5/2022. Tuy nhiên đến nay, sau nhiều tháng rao bán, đất của anh V chưa có giao dịch. Anh V cho biết, tháng cô hồn dù không ảnh hưởng nhiều đến thị trường BĐS nhưng nó lại trở thành "cú bồi" thời điểm này khi mà tâm lý người mua nhìn chung đang dao động. Vì thế, hiện tại, hoạt động mua bán chậm; việc ra hàng cũng khó khăn hơn so với thời điểm đầu năm.

Theo anh V, trong 3 mảnh đất đầu tư thì có một mảnh anh dùng đòn bẩy tài chính, nên cũng khá lo lắng nếu như thị trường mất thanh khoản, khó bán hoặc bán dưới giá vốn mua vào. Tuy nhiên, nhà đầu này vẫn lạc quan cho rằng, bản thân có thể trụ vững để chờ thêm tín hiệu tốt lên của thị trường.

Trong khi đó, là môi giới lâu năm của thị trường BĐS khu Đông TP.HCM, chị L cũng "trầy trật" tìm khách hàng mấy tháng nay. Theo chị L, thực ra tháng cô hồn là quan niệm nếu như thị trường BĐS tốt thì không mấy quan ngại. Nhưng do đây là lúc thị trường khó khăn, quan niệm này lại là cái "cớ" để người mua ngại xuống tiền. "Hơn 1 tháng nay, team không có giao dịch nào. Tháng cô hồn coi như ăn chơi tiếp", chị L cười bộc bạch.

Nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý II/2022 vẫn chưa được cải thiện

Đó là thông tin Bộ Xây dựng đưa ra tại báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2022.

Theo đó, số liệu cho thấy nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý II/2022 vẫn chưa được cải thiện. Số lượng dự án được cấp phép mới chỉ bằng khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2021.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 1/8 - Ảnh 4
Nguồn cung nhà ở thương mại vẫn còn hạn chế.

Cụ thể, số lượng nhà ở thương mại được cấp phép mới là 29 dự án với 6.753 căn, bằng khoảng 74,4% so với quý I/2022 và bằng khoảng 42% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, miền Bắc có 17 dự án với 3.763 căn, miền Trung có 9 dự án với 678 căn, miền Nam có 3 dự án với 2.312 căn.

Số lượng nhà ở thương mại đang triển khai xây dựng là 1.091 dự án với 327.125 căn, tương đương 89,7% so với quý I/2022 và 97,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, miền Bắc có 210 dự án với 157.654 căn, miền Trung có 211 dự án với 131.481 căn, miền Nam có 670 dự án với 37.990 căn.

Đối với nhà ở thương mại đã hoàn thành, có 24 dự án với quy mô 5.608 căn, bằng khoảng 109% so với quý I/2022, khoảng 70,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Bộ Xây dựng cho biết, giá căn hộ chung cư vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021, mức độ tăng giá các phân khúc tập trung trong quý I/2022 chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II/2022. Tuy nhiên, các dự án nhà ở thương mại phân khúc căn hộ bình dân (có mức giá từ 25 triệu đồng/m2 - 30 triệu đồng/m2) tại khu vực trung tâm của các đô thị hầu như không có căn hộ với mức giá dưới 25 triệu đồng/m2.

Bùi Hằng

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 1/8. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới