Chủ nhật, 24/11/2024 08:14 (GMT+7)
Thứ sáu, 09/12/2022 17:50 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 9/12

Theo dõi KTMT trên

Nhiều địa phương thận trọng với hiến đất làm đường để tách thửa, phân lô; Các doanh nghiệp địa ốc đang phải “chịu đau” để tồn tại; Hà Nội kiên quyết thu hồi dự án không đủ năng lực;... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Nhiều địa phương thận trọng với hiến đất làm đường để tách thửa, phân lô

 Sau những vi phạm về hiến đất làm đường, tách thửa xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa, không ít địa phương đã tạm dừng, "rà phanh" đối với tách thửa liên quan đến đầu tư hạ tầng giao thông cục bộ.

Trong khi vụ việc liên quan đến những vi phạm về hiến đất làm đường, tách thửa đất xảy ra tại Lâm Đồng còn chưa lắng xuống thì mới đây, hàng loạt cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo huyện Cam Lâm (tỉnh Khánh Hòa) đã bị xử lý kỷ luật vì tự ý đặt ra thủ tục hiến đất làm đường không đúng thẩm quyền.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 9/12 - Ảnh 1
Tình trạng "núp bóng" hiến đất làm đường để phân lô bán nền diễn ra ở nhiều địa phương. (Ảnh minh họa: Hà Phong).

Theo đó, có 2.385 thửa đất liên quan đến 114 vị trí hiến đất làm đường, tách thửa đất cũng đã bị tạm ngừng biến động, chờ ý chỉ đạo giải quyết từ cơ quan có thẩm quyền.

Mới đây, UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) cũng đã tạm dừng tiếp nhận hồ sơ tách thửa liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cục bộ.

Cũng theo UBND thị xã Điện Bàn, hiện nay tất cả các hồ sơ trên đang tạm dừng triển khai các bước tiếp theo đối với việc đầu tư hạ tầng giao thông cục bộ để tách thửa mở đường.

Việc tạm dừng này là do trong quá trình triển khai thực hiện, UBND thị xã Điện Bàn gặp phải vướng mắc liên quan đến thẩm quyền ban hành hướng dẫn trình tự, thủ tục tách thửa liên quan đến việc mở đường (đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cục bộ).

Giá trung bình của loạt dự án bất động sản sắp mở bán ở Hà Nội lên đến trên 50 triệu đồng/m2

Dự kiến cuối năm 2022, bước sang năm 2023, thị trường bất động sản Hà Nội sẽ đón thêm lượng cung mới căn hộ. Khảo sát thực tế ghi nhận, nguồn cung căn hộ cao cấp chiếm phần lớn. Một số dự án dự kiến có mức giá lên tới 75 triệu đồng/m2.

Báo cáo thị trường bất động sản quý III/2022 do JLL công bố mới đây ghi nhận, nguồn cung căn hộ mở bán chính thức trong quý giảm 19,3% với 3505. Sự co hẹp về nguồn cung căn hộ được nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường lý giải, theo đó, rào cản về pháp lý cũng như sự khan hiếm quỹ đất nội đô khiến cho cung dự án căn hộ nhỏ giọt. Báo cáo ghi nhận, phân khúc trung cấp chiếm 83,3% tổng nguồn cung mới, con số này ở phân khúc cao cấp chỉ chiếm 15,7%.

Bên cạnh đó, ở quý vừa qua, giá bán sơ cấp trung bình của căn hộ tại Hà Nội tăng 3,93% so với quý trước. Chuyên gia thông tin, trong tất cả các phân khúc, căn hộ bình dân có mức tăng giá cao nhất là 8,39% do thiếu hụt nguồn cung sẵn có, phân khúc trung cấp ghi nhận mức tăng nhẹ 3,6% theo quý, giá bán sơ cấp của phân khúc cao cấp giảm 2,9% so quý trước.

Với diễn biến như hiện tại, nhận định từ đơn vị JLL Việt Nam cho rằng, nguồn cung mới trong thời gian tới sẽ còn giảm. Trong khi nguồn cầu mới có thể suy yếu do người mua đang chờ mức lãi suất ổn định.

Khảo sát thực tế trên thị trường Hà Nội, một số dự án đang chuẩn bị mở bán ghi nhận mức giá dự kiến cao. Phần lớn các dự án đều được giới thiệu ra thị trường là dòng chung cư cao cấp.

Tại Hoài Đức, Hà Nội, dự án chung cư Moonlight 1 đang rục rịch cho kế hoạch ra hàng. Moonlight 1 nằm trong khu đô thị Anlac Green Symphony và được định vị là dòng căn hộ cao cấp. Chủ đầu tư dự kiến cung ứng ra thị trường khoảng hơn 400 căn hộ với mức giá khởi điểm từ 50 triệu đồng/m2. Giới môi giới cho biết, mức giá này sẽ còn tăng trong các đợt mở bán sau khi dự án này nằm kề cận đường Vành đai 3,5, và nằm trong khu đô thị tích hợp đa tiện ích. Mức giá này được đánh giá ở ngưỡng cao, khi dự án Splendora An Khánh (đã qua sử dụng) có vị trí tương đương hiện ghi nhận mức giá 32-36 triệu đồng/m2. Dự án Vinhomes Smart City có vị trí dịch vào trung tâm Hà Nội có mức giá chào bán một số toà tháp mới ở thời điểm hiện tại dao động từ 40-55 triệu đồng/m2.

Các doanh nghiệp địa ốc đang phải “chịu đau” để tồn tại

Chủ tịch HoREA - ông Lê Hoàng Châu cho biết: “Hiện nay, thị trường bất động sản đang rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp; giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở”.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 9/12 - Ảnh 2
Ảnh minh họa

Theo ông Châu, vướng mắc pháp lý của thị trường bất động sản hiện nay là vướng mắc lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án bất động sản, nhà ở mà nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng có thể kéo theo suy thoái, khủng hoảng kinh tế, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

Do thị trường bất động sản đang rất khó khăn nên một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO…), mà điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Một số Tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đã phải tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (thậm chí có Tập đoàn giảm đến trên dưới 50% lực lượng lao động) tác động đến vấn đề an sinh xã hội, tác động đến nhiều hộ gia đình, hoặc phải giảm lương tác động đến cuộc sống của nhiều người lao động, công nhân xây lắp, nhân viên môi giới, nhất là đang cận kề Tết Quý Mão 2023.

Hà Nội kiên quyết thu hồi dự án không đủ năng lực

Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng cho biết, một số dự án sau khi được Thành phố tháo gỡ khó khăn nhiều dự án đẩy nhanh tiến độ, chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số dự án không đảm bảo tiến độ, nhà đầu tư không đủ năng lực, UBND Thành phố đã kiên quyết chỉ đạo chấm dứt dự án.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 9/12 - Ảnh 3
Dự án Trạm bơm Yên Nghĩa

Sáng 9/12, HĐND TP.Hà Nội thực hiện quyền giám sát thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn UBND thành phố. Thông tin tới HĐND TP về các dự án chậm tiến độ, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, ngay sau khi HĐND TP ban hành kết luận của Chủ tọa tại phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Kỳ họp thứ 7 HĐND TP, Thành phố ban hành các Kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tập trung triển khai; tổ chức nhiều các cuộc họp, giao ban kiểm điểm tiến độ, kiểm tra thực địa các dự án; Rà soát các quy định của pháp luật, các cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền công tác quản lý nhà nước và cải cách thủ tục hành chính, điều chỉnh hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh các quy định pháp luật có liên quan phù hợp với thực tiễn… tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đặc biệt là các công trình trọng điểm của TP giai đoạn 2016-2020.

Kết quả đã có nhiều dự án đã được đẩy nhanh và dự kiến hoàn thành đảm bảo tiến độ như: Dự án Đường Vành đai 3,5 (đoạn từ Đại lộ Thăng Long đến Quốc lộ 32); Dự án Tiếp nước cải tạo khôi phục sông Tích từ Lương Phú xã Thuần Phú, huyện Ba Vì; Dự án Bảo tồn khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu; Dự án Nhà máy xử lý nước thải Sơn Đồng, huyện Hoài Đức; Các dự án cấp nước tập trung trên địa bàn TP; Dự án Nhà máy nước mặt sông Hồng, huyện Đan Phượng …

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 9/12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới