Chủ nhật, 24/11/2024 07:00 (GMT+7)
Thứ ba, 06/12/2022 17:50 (GMT+7)

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 6/12

Theo dõi KTMT trên

Ngân hàng "có thêm" 150.000 tỷ đồng: Bất động sản có được giải cứu?; Hà Nội: Nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng nhà tái định cư;... là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

Ngân hàng "có thêm" 150.000 tỷ đồng: Bất động sản có được giải cứu?

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Như vậy, sẽ có ít nhất hơn 150.000 tỷ đồng được phân bổ thêm cho các ngân hàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 6/12 - Ảnh 1
Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng là tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản?

Theo đánh giá của một số chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng trên là tín hiệu tích cực cho đà phục hồi của nền kinh tế nói chung cũng như thị trường bất động sản nói riêng.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) - cho rằng, nguồn vốn tín dụng bổ sung này sẽ còn tác động tích cực, lan tỏa đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp để vượt qua khó khăn hiện nay, để kênh trái phiếu dần trở thành kênh huy động vốn xã hội hóa quan trọng để chia sẻ, làm giảm bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng.

Nhận định về tác động nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước với thị trường bất động sản, ông Châu cho rằng, đây không phải là để "giải cứu" thị trường bất động sản hay doanh nghiệp bất động sản mà Nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường bất động sản tự điều chỉnh, tự điều tiết, đi đôi với một số giải pháp kích cầu trực tiếp hỗ trợ cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu với lãi suất hợp lý.

Hà Nội: Nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng nhà tái định cư

Theo UBND thành phố Hà Nội, mặc dù thành phố quan tâm chỉ đạo, song việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư tái định cư vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; mới có 113/199 tòa nhà lập Ban quản lý.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 199 tòa chung cư tái định cư đã hoàn thành đưa vào sử dụng; trong đó, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội được giao quản lý 149 tỏa (12 tỏa thuộc quỹ nhà 30%), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà Hà Nội quản lý 20 tỏa, Ban quản lý các công trình nhà ở và công sở quản lý 30 tòa.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 6/12 - Ảnh 2
Dự án nhà ở tái định cư tại khu X2 Đại Kim, quận Hoàng Mai. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, mặc dù thành phố đã quan tâm chỉ đạo, song việc quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư tái định cư vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế.

Đến nay, mới có 113/199 tòa chung cư thành lập Ban quản trị nhà chung cư; bàn giao kinh phí 2%, hồ sơ, diện tích chung riêng, nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống trang thiết bị của tòa nhà hay việc quản lý, vận hành... của các đơn vị được giao quản lý cho các Ban quản trị còn chậm và đạt tỷ lệ thấp.

Nhiều Ban quản trị đã được thành lập nhưng lại không tiếp nhận quản lý, vận hành, không ký hợp đồng với các đơn vị để quản lý vận hành tòa nhà. Đáng chú ý, việc bảo trì sửa chữa còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, gây bức xúc cho cư dân (nhất là việc sửa chữa, bảo trì thang máy và hệ thống phòng cháy chữa cháy, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong tòa nhà.

Một tồn tại nữa là nhiều căn hộ đã bố trí cho các dự án chưa đưa vào sử dụng nhưng không thể điều chuyển cho dự án khác do chủ đầu tư chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng để trả lại quỹ nhà cho thành phố. Nhiều diện tích kinh doanh dịch vụ còn bị sử dụng sai mục đích, một số đơn vị nợ tiền thuê nhà hoặc có đơn vị cho thuê lại không đúng quy định... nên Ủy ban Nhân dân thành phố đã phải ban hành nhiều quyết định thu hồi, quyết định cưỡng chế phần diện tích vi phạm.

Điều gì xảy ra với thị trường BĐS 5 huyện ven TP.HCM khi không được xin chủ trương lên quận, thành phố?

Mới đây, trong văn bản của Văn phòng TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đề nghị các huyện ủy, UBND các huyện không đề xuất hoặc kiến nghị UBND TP.HCM việc xin chủ trương chuyển huyện thành quận hay thành phố.

Theo đó, Phó Chủ tịch TP cho biết trong giai đoạn hiện nay, 5 huyện: Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ cần quy hoạch không gian, hình thành bộ khung về kết cấu hạ tầng, các trục giao thông quan trọng, các tuyến đường huyết mạch, các khu đô thị lớn cùng với các thiết chế văn hóa xã hội đi kèm. Sau khi các huyện đạt tiêu chuẩn theo quy định, TP.HCM sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định mô hình đơn vị hành chính đô thị phù hợp với từng huyện.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 6/12 - Ảnh 3
 Phân khúc đất nền vẫn được quan tâm tại các huyện ven TP.HCM.

Điều này cũng khẳng định cho việc, đây chưa phải là thời điểm để 5 huyện vùng ven TP.HCM xin chủ trương lên quận, Thành phố.

Trong báo cáo mới nhất từ Chợ Tốt Nhà, đơn vị này đã chỉ ra diễn biến thị trường BĐS của các huyện ven TP.HCM. Cụ thể, với phân khúc căn hộ chung cư, trong năm 2022 các dự án tại khu vực các huyện ở TP.HCM không quá thu hút người mua mặc dù đã có những thông tin liên quan đến việc cơ sở hạ tầng được nâng cấp. Minh chứng rõ ràng nhất là giá căn hộ chung cư sơ cấp chưa bàn giao không tăng trưởng như xu hướng chung tại các khu vực quận trung tâm.

Phát triển nhà ở xã hội: Giấc mơ an cư khó thành hiện thực

Nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh câu chuyện thiếu vốn thì việc quy hoạch nhà ở xã hội (NƠXH) trong dự án nhà ở thương mại có thể làm tăng tính bất bình đẳng, có dấu hiệu phân biệt đối xử với người thu nhập thấp.

Ở Việt Nam, NƠXH là một sản phẩm nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước, do được sử dụng ngân sách để đầu tư xây dựng, sau đó bán cho người lao động, người thu nhập thấp với mức giá ưu đãi. Nhưng nguồn vốn cho NƠXH là vấn đề vô cùng nan giải, chưa thể tháo gỡ.

Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 6/12 - Ảnh 4
Nhà ở xã hội tại Khu công nghiệp Thăng Long, huyện Đông Anh. (Ảnh: Phạm Hùng)

Mặc dù từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Xây dựng đã tích cực vào cuộc, xét duyệt hồ sơ cho 24 dự án với tổng nguồn vốn vay từ ngân sách Nhà nước trên 7.500 tỷ đồng, thì mục tiêu NƠXH giai đoạn 2010-2020 (12,5 triệu mét vuông sàn) cũng mới chỉ đạt khoảng 62% (bao gồm cả dự án đang triển khai và đã hoàn thành).

Đáng chú ý, sau khi gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng giai đoạn 2013-2016 được giải ngân hết, việc bố trí nguồn vốn cho phát triển NƠXH cả giai đoạn 2016-2021 chỉ được bổ sung thêm trên 3.100 tỷ đồng, trong tổng số 9.000 tỷ đồng nhu cầu trong giai đoạn này, đáp ứng khoảng 35% nhu cầu vốn. Giai đoạn 2016–2021, không có bất cứ tổ chức tín dụng nào được chỉ định bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay NƠXH nên không có chủ đầu tư nào được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Đến tháng 10/2022, cả nước giải ngân được 2.306 tỷ đồng cho 6.673 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua NƠXH, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo quy định của Nghị quyết số 11/NQ-CP. Nhưng đây chủ yếu là khách hàng của những dự án đã triển khai xây dựng từ trước đó, mà không phải là khách hàng của dự án mới được cấp phép.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin bất động sản nổi bật trong ngày 6/12. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới