Chủ nhật, 24/11/2024 07:26 (GMT+7)
Thứ tư, 13/09/2023 19:00 (GMT+7)

Điểm tin Môi trường ngày 13/9: Giải quyết dứt điểm ô nhiễm trên sông Sa Lung

Theo dõi KTMT trên

Tập trung cao độ cho tổng kết Nghị quyết về biến đổi khí hậu, tài nguyên và môi trường; Khởi động dự án phân loại rác tại nguồn; Giải quyết dứt điểm ô nhiễm trên sông Sa Lung; Thêm 7 mỏ khoáng sản được đấu giá khai thác tại Thừa Thiên Huế.

Tập trung cao độ cho tổng kết Nghị quyết về biến đổi khí hậu, tài nguyên và môi trường

Yêu cầu trên vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đặt ra tại phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường (Ban Chỉ đạo) sáng ngày 13/9. 

Điểm tin Môi trường ngày 13/9: Giải quyết dứt điểm ô nhiễm trên sông Sa Lung - Ảnh 1
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại phiên họp hôm nay. 

Phó Thủ tướng nêu rõ Nghị quyết 24-NQ/TW đã xác định nhiều quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng đối với công tác ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. "Việc tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW đặt trong mối quan hệ hữu cơ, mật thiết với các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch trong các lĩnh vực có liên quan như Nghị quyết 36-NQ/TW về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu…", Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (thường trực Ban Chỉ đạo) tập trung cao độ, kiện toàn nhân sự để hoàn thiện Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW bảo đảm chất lượng cao nhất. Trong đó chú ý đến kết quả thể chế hoá các nội dung của Nghị quyết bằng các văn bản pháp luật, có sự so sánh chỉ số, thứ hạng quốc tế, lượng hóa các mục tiêu, nhiệm vụ bằng chỉ tiêu cụ thể; làm rõ sự thay đổi nhanh chóng của bối cảnh trong nước, quốc tế so với thời điểm ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW với sự xuất hiện những vấn đề, xu thế mới là chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tri thức, Net Zero… 

Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng góp ý về nội dung, yêu cầu chất lượng báo cáo tổng kết; phương án đề xuất, kiến nghị sau khi hoàn thành tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW… 

Khởi động dự án phân loại rác tại nguồn

Theo Báo Thừa Thiên Huế, chiều 13/9, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ công tác xã hội Hàm Long (Trung tâm HLC) - Liên hiệp các hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội nghị khởi động dự án (DA) xây dựng thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn (PLRTN) tại hai phường Hương Long và Thuỷ Biều, TP. Huế.

Điểm tin Môi trường ngày 13/9: Giải quyết dứt điểm ô nhiễm trên sông Sa Lung - Ảnh 2
Khởi động dự án (DA) xây dựng thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn (PLRTN). Ảnh: Song Minh 

Cụ thể Trung tâm HCL sẽ xây dựng thí điểm mô hình quản lý chất thải rắn (QLCTR) áp dụng phương pháp PLRTN, tái sử dụng và tái chế nhằm phục vụ cho việc cải tạo đất (gọi là mô hình phân loại rác và tái chế) tại 4 tổ thuộc hai phường nói trên, với 10 hoạt động trọng tâm được triển khai qua 2 giai đoạn.

Giai đoạn I tập trung vào việc tìm hiểu tình hình QLCTR cũng như nhu cầu của người dân ở các hộ mục tiêu; nâng cao năng lực của hệ thống QLCTR và kinh tế tuần hoàn cho chính quyền địa phương và các bên liên quan. 

Giai đoạn II tập trung vào việc địa phương hóa và thực hiện thí điểm mô hình PLRTN và tái chế rác. 

Giải quyết dứt điểm ô nhiễm trên sông Sa Lung

Nguồn tin từ Báo Tin Tức cho hay, ngày 13/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đã ký ban hành công văn về việc tăng cường thực hiện giải pháp bảo vệ môi trường nước sông Sa Lung, huyện Vĩnh Linh. Cụ thể UBND yêu cầu Công an tỉnh lập tổ công tác và tổ chức thực hiện chuyên đề để trinh sát thường xuyên, đấu tranh phát hiện, xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm hành vi vi phạm. 

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và Công an tỉnh, tăng cường kiểm tra xác định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước sông Sa Lung, thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về môi trường, báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 20/9. 

Thêm 7 mỏ khoáng sản được đấu giá khai thác tại Thừa Thiên Huế

Điểm tin Môi trường ngày 13/9: Giải quyết dứt điểm ô nhiễm trên sông Sa Lung - Ảnh 3
Thừa Thiên Huế bổ sung 7 khu vực mỏ khoáng sản vào Kế hoạch đấu giá quyền khai thác

Thông tin từ VnEconomy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Phan Quý Phương vừa ký quyết định phê duyệt bổ sung 7 khu vực mỏ khoáng sản vào Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh năm 2023. Danh sách gồm: Mỏ đất sét khu vực đồi Kiền Kiền; Mỏ đất làm vật liệu san lấp, xã Phong Mỹ và xã Phong Thu; Mỏ đất làm vật liệu san lấp khu vực 1 tại xã Phú Sơn; Mỏ đất làm vật liệu san lấp khu vực 2 tại xã Phú Sơn và phường Thủy Phương; Mỏ đất làm vật liệu san lấp tại khu vực 1, xã Thủy Phù; Mỏ đất làm vật liệu san lấp tại khu vực 2, xã Thủy Phù; Mỏ đất làm vật liệu san lấp tại khu vực núi Gích Dương 2, xã Thủy Phù.

Cảnh báo xảy ra lũ tại khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa  

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát đi thông báo, từ ngày 13/9 đến ngày 14/9, trên các sông suối thuộc khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên ở thượng lưu các sông từ 2-4m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông suối nhỏ khu vực thượng lưu sông Chảy, sông Thao, sông Lô, sông Mã có khả năng đạt mức báo động (BĐ)1.

Cảnh báo nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại các tỉnh vùng núi, trung du phía Bắc và Thanh Hóa, đặc biệt là các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Quảng Ninh. 

Phạm Huyền

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin Môi trường ngày 13/9: Giải quyết dứt điểm ô nhiễm trên sông Sa Lung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới