Chủ nhật, 24/11/2024 08:11 (GMT+7)
Thứ sáu, 29/07/2022 19:00 (GMT+7)

Điểm tin môi trường nổi bật ngày 29/7

Theo dõi KTMT trên

Miền Bắc giảm nhiệt, nhiều nơi mưa to cục bộ đến đầu tháng tới; Đồng Tháp: Gần 6.000 hộ sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở; Suy giảm đa dạng sinh học tại Việt Nam đang tăng theo thời gian... là những tin tức môi trường nổi bật ngày hôm nay 29/7.

Đồng Tháp: Gần 6.000 hộ sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở

Tính đến hết quý II/2022, trên toàn tỉnh Đồng Tháp có tổng chiều dài vành đai có nguy cơ sạt lở hơn 131 km, gần 6.000 hộ đang sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở, cần phải di dời đến nơi ở mới an toàn...

Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, qua kết quả kiểm tra thực tế, tính đến hết quý II/2022, trên toàn tỉnh có tổng chiều dài vành đai có nguy cơ sạt lở hơn 131 km, gần 6.000 hộ đang sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở, cần phải di dời đến nơi ở mới an toàn; trong đó có 3.897 hộ đang sinh sống trong vành đai sạt lở, cự ly từ mé bờ sông trở vào 30 mét; 2.076 hộ dân đang sinh sống trong vành đai sạt lở, cự ly từ 31 - 60 mét.

Điểm tin môi trường nổi bật ngày 29/7 - Ảnh 1
Gần 6.000 hộ sinh sống trong vành đai có nguy cơ sạt lở tại Đồng Tháp. (Ảnh: TTXVN)

Ở Đồng Tháp tình hình sạt lở bờ sông, kênh, rạch nội đồng trong những năm gần đây cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân trên địa bàn. Theo thống kê, trong 7 tháng năm 2022, trên địa bàn tỉnh sạt lở nội đồng xảy ra tại 12 xã của 4 huyện: Thanh Bình, Châu Thành, Cao Lãnh và Lai Vung với tổng chiều dài là 1.235 m, diện tích hơn 4.000 m2, ảnh hưởng trực tiếp tới 5 hộ dân, ước thiệt hại hơn 1,6 tỷ đồng.

Trước diễn biến tình hình sạt lở bờ sông Tiền, với nguồn lực của địa phương và Trung ương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân huyện, thành phố đầu tư xây dựng nhiều công trình kè phòng, chống sạt lở bờ sông.

Nhiều công trình đã phát huy hiệu quả như: Kè chống sạt lở Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự; kè chống xói lở bảo vệ thị xã Hồng Ngự; kè chợ Bình Thành, huyện Thanh Bình; kè chống xói lở khu vực Phường 11, thành phố Cao Lãnh; Kè chống xói lở bờ sông Tiền khu vực thị xã Sa Đéc; dự án Khắc phục sạt lở bờ sông Tiền tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành…

Miền Bắc giảm nhiệt, nhiều nơi mưa to cục bộ đến đầu tháng tới

Hôm nay, nắng nóng đã thu hẹp về vùng núi Bắc Trung Bộ. Còn miền Bắc mây nhiều hơn khiến độ ẩm tăng từ 61-70% trong khi nền nhiệt vẫn cao nên chiều nay vẫn oi nóng nhưng đến tối sẽ mưa giông nhiều nơi.

Đầu giờ chiều nay, một số tỉnh giáp biên giới sẽ có mưa đến chiều tối vùng mưa lan xuống đồng bằng trong đó có Hà Nội, chỉ riêng các tỉnh ven biển (Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh) khó có mưa trong hôm nay.

Bắc Bộ chịu ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây hoạt động yếu dần, trong khi đó rãnh áp thấp có trục qua Bắc Bộ mới được hình thành, còn ở trên cao vùng hội tụ gió lên đến 5000m được thiết lập. Những yếu tố này sẽ là nguyên nhân chính gây ra mưa cho miền Bắc trong những ngày tới.

Khu vực này đêm nay và ngày mai có mưa rào và dông vài nơi, ngày có nắng nóng cục bộ; riêng khu vực vùng núi và trung du có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to. Tổng lượng mưa cả đợt có thể lên tới 100-200mm, có nơi trên 200mm.

Dự báo hôm nay khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-70mm, có nơi trên 90mm.      

Từ chiều tối ngày 30/7 đến 31/7, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến từ 30-50mm, có nơi trên 70mm.  

Từ chiều tối nay đến ngày 31/7, khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 20-40mm/24h, có nơi trên 60mm/24h. Khu vực Hà Nội từ chiều tối nay đến ngày 31/7 có lúc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.

Kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 29/7/2022 phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 – 2030.

Mục tiêu chung nhằm kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường; bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Điểm tin môi trường nổi bật ngày 29/7 - Ảnh 2
Phê duyệt Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 – 2030.

Đề án phấn đấu đến năm 2030 nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học.

Mạng lưới, hoạt động quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản (quan trắc đất, nước, trầm tích) được triển khai hiệu quả; hoạt động bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống các loài thủy sinh, phục hồi hệ sinh thái quan trọng đối với nguồn lợi thủy sản (rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô...) được triển khai hiệu quả, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; xây dựng và ban hành được ít nhất 02 kế hoạch hành động bảo tồn, bảo vệ và tái tạo một số loài thủy sản ưu tiên bảo vệ; góp phần nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; duy trì mức tăng hàng năm 8% diện tích nuôi trồng thủy sản áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản tốt và bền vững.

Suy giảm đa dạng sinh học tại Việt Nam đang tăng theo thời gian

Theo Sách đỏ năm 2007, số lượng các loài bị đe dọa tuyệt chủng có khoảng 900 loài nhưng hiện nay ước tính tăng lên hơn 1200 loài. Các hệ sinh thái và đa dạng sinh học tại Việt Nam nói chung, khu vực miền Trung – Tây Nguyên đang phải đối diện với nhiều thách thức trước áp lực phát triển kinh tế, việc săn bắt, sử dụng trái phép ĐVHD và BĐKH…

Sáng 29/7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.Đà Nẵng, Trung tâm Bảo tồn Đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) tổ chức Hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ III” với chủ đề “Tương lai cho phục hồi các hệ sinh thái trọng điểm và bảo tồn các loài nguy cấp”.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 150 đại biểu trong và ngoài nước, gồm các nhà khoa học, nhà bảo tồn, nhà quản lý đến từ các tổ chức xã hội, chính quyền, trường Đại học, Cao đẳng, Viện, Trung tâm, cộng đồng và doanh nghiệp.

Việt Nam có tính đa dạng sinh học cao, gần 12.000 loài thực vật có mạch, 330 loài thứ, 918 loài và phân loài chim, 517 loài bò sát, gần 3.000 loài cá. Chỉ riêng vùng Tây Nguyên - Nam Trung bộ có tới 36 khu vực DDSH trọng yếu (KBAs), hơn 3,76 triệu ha rừng tự nhiên, nhiều trung tâm đặc hữu thực vật, chim, bò sát, ếch nhái với nhiều loài đặc hữu. Ước tính sơ bộ hơn 5.000 loài thực vật. Có ít nhất 142 loài thú, 448 loài chim, hơn 120 loài bò sát và 84 loài lưỡng cư

Tuy nhiên với các áp lực đe dọa chính như mất rừng và suy thoái sinh cảnh sống, suy giảm quần thể, ô nhiễm môi trường, bệnh dịch, BĐKH, loài ngoại lai, săn bắn, bẫy bắt... trong đó, việc sử dụng tài nguyên không hợp lý đã đe dọa đến 58,5% loài thực vật và 86,1% loài động vật; hoạt động nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản đe dọa đến 52% số loài thực vật và 39,3% loài động vật; phát triển khu dân cư và cơ sở hạ tầng đã đe dọa đến 49,3% loài động vật. Số loài bị đe dọa cấp độ toàn cầu phân bố ở Việt Nam theo Danh lục Đỏ IUCN (2021) là 891 loài động vật và 367 loài thực vật.

Năm 2050, toàn bộ 90% lớp đất mặt của Trái đất có nguy cơ bị đe dọa

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) thuộc Liên Hợp Quốc, toàn bộ 90% lớp đất mặt quý giá của Trái đất có thể bị đe dọa vào năm 2050.

FAO vừa cảnh báo, 90% lớp đất mặt quý giá của Trái đất có thể bị đe dọa vào năm 2050, trong khi đó, phải mất khoảng một nghìn năm để tạo ra lớp đất mặt chỉ vài cm và giúp phục hồi đất. Cơ quan này đang kêu gọi các quốc gia và đối tác đã ký Đối tác Toàn cầu về Đất đai (GSP) hành động nhiều hơn nữa.

Theo đó, FAO đã kêu gọi các tổ chức dân sự, chính phủ và các tổ chức quốc tế tăng cường hành động để giám sát và chăm sóc đất. Cho đến nay, một thành tựu của GSP là sự hợp tác với nông dân và chính quyền địa phương để tăng cường bảo vệ đất.

Điểm tin môi trường nổi bật ngày 29/7 - Ảnh 3
90% lớp đất mặt quý giá của Trái đất có thể bị đe dọa vào năm 2050, trong khi đó, phải mất khoảng 1.000 năm để tạo ra và phục hồi đất.

FAO cho biết, các chương trình đã được bắt đầu để cải thiện lượng chất hữu cơ trong đất, bằng cách áp dụng các biện pháp như sử dụng cây che phủ, luân canh cây trồng và nông lâm kết hợp. Costa Rica và Mexico đã ký các chương trình thí điểm này và tập huấn cho nông dân cách sử dụng “cây che phủ” để ngăn chặn xói mòn, luân canh cây trồng và trồng cây.

Hơn nữa, GSP đã mở rộng việc thu thập dữ liệu dưới dạng lập bản đồ đất kỹ thuật số. Công nghệ này thông báo cho các nhà hoạch định chính sách về các điều kiện đất liên quan và trao quyền cho họ để đưa ra các quyết định sáng suốt về quản lý sự suy thoái đất.

FAO cũng đã kêu gọi phối hợp và lồng ghép các hoạt động bền vững thông qua đầu tư vào phát triển và giáo dục.

Các chương trình được lập kế hoạch chi tiết trên tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao thông tin và công nghệ liên quan đến tình trạng “sức khỏe của đất”; đồng thời, kết hợp hài hòa các phương pháp, đơn vị và thông tin liên quan đến phân tích đất.

Bên cạnh đó, các chiến dịch, chẳng hạn như Năm Quốc tế Đất đai và Ngày Đất Thế giới được tổ chức đã góp phần nâng cao nhận thức của giới trẻ về đất và tăng cường sự tham gia của họ vào việc ngăn chặn suy thoái đất.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Điểm tin môi trường nổi bật ngày 29/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới