Chủ nhật, 24/11/2024 06:44 (GMT+7)
Thứ tư, 06/09/2023 18:41 (GMT+7)

Diễn biến mới nhất vụ hơn 600ha rừng làm hồ thuỷ lợi ở Bình Thuận

Theo dõi KTMT trên

Thông tin mới nhất từ Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Bình Thuận, UBND tỉnh sẽ tổ chức họp báo thông tin về việc sử dụng hơn 600 ha rừng để xây dựng hồ thuỷ lợi Ka Pét vào ngày mai (7/9).

Tỉnh Bình Thuận sẽ thông tin những gì về dự án sử dụng hơn 600ha rừng đang gây "nóng" dự luận trong nước?

Thông tin mới nhất từ Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Bình Thuận, UBND tỉnh sẽ tổ chức họp báo thông tin về việc sử dụng 600 ha rừng để xây dựng hồ thuỷ lợi Ka Pét vào ngày mai (7/9). 

Diễn biến mới nhất vụ hơn 600ha rừng làm hồ thuỷ lợi ở Bình Thuận - Ảnh 1
Lòng hồ Ka Pét vào mùa mưa. Ảnh UBND tỉnh Bình Thuận. 

Tại buổi họp báo, Bình Thuận sẽ thông tin đầy đủ về dự án hồ thuỷ lợi Ka Pét, ý nghĩa và tiến độ thực hiện. Các bên tham gia gồm đại diện UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Kiểm lâm…

Cũng trong sáng 6/9, Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận cùng Chi cục Kiểm lâm đã lập đoàn khảo sát thực địa hiện trạng khu rừng phê duyệt dự án xây dựng hồ thuỷ lợi Ka Pét tại xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam. Đoàn cũng tới thực địa tại vòng lõi của dự án (160ha) trong rừng đặc dụng. Kết quả của buổi khảo sát dự án xây dựng hồ thuỷ lợi sẽ được công bố trong buổi họp báo ngày mai. 

Trước đó tại kỳ họp thứ 5 Quốc Hội khóa XV vào ngày 30/5/2023, Quốc Hội đã họp bàn quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư dự án. Trong đó  vốn ngân sách Trung ương là 519,927 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 354,162 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2019 đến hết năm 2025.

Để lấy mặt bằng xây dựng, dự án xây dựng hồ thuỷ lợi Ka Pét sẽ phải lấy 619 ha rừng ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Trong đó rừng đặc dụng là 162,55 ha; rừng phòng hộ là 0,91 ha; rừng sản xuất là 471,09 ha, rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 45,85 ha và diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 12,9 ha. 

Đối với số cây bị chặt bỏ sẽ được đem đi đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ. Ngoài ra theo quy định hiện hành, tỉnh Bình Thuận phải trồng mới lại 1.844 ha rừng thay thế cho 600 ha rừng bị mất. Kinh phí trồng rừng thay thế khoảng 177 tỷ đồng. 

Khi hoàn thiện xây dựng, hồ thuỷ lợi Ka Pét có vai trò cung cấp nước tưới cho khoảng 7.762ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cung cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II: 2,63 triệu m3/năm; tạo nguồn nước thô để cung cấp nước cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết. 

Cần lắm một quyết định nhân văn nhất để giáo dục về lòng yêu thiên nhiên, bảo vệ môi sinh

Trong những mục tiêu của dự án hồ Ka Pét có “cải tạo môi trường”, “góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du”… Nhưng cải tạo môi trường bằng cách phá 619ha rừng thì có khác gì bỏ gốc lấy ngọn, khi mà lá phổi xanh giúp giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu bị cắt bỏ đi?  

Và đành rằng, Bình Thuận cần có hồ thủy lợi để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng nếu tỉnh có thể dừng sử dụng đất rừng và tìm phương án thay thế để giải quyết được phần nào các nhu cầu của địa phương thì đó chắc chắn đó sẽ là một trong những quyết định nhân văn nhất, hợp lòng người nhất.

Hơn nữa đây cũng sẽ là quyết định có hậu nhất, mang lại những tiền lệ tốt nhất, có hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục về lòng yêu thiên nhiên, bảo vệ môi sinh, xây dựng lại môi trường sống cho con người tốt đẹp hơn.

Thu gần 2.000 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, 8 tháng năm 2023, cả nước thu gần 2.000 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 59,8% kế hoạch năm và giảm 18% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho biết, số tiền thu dịch vụ môi trường rừng đến thời điểm này giảm mạnh, bởi quý III hàng năm mới là thời gian cao điểm thu tiền dịch môi trường rừng.

Bên cạnh đó, hai quý đầu năm nay lượng mưa sụt giảm đáng kể, nước về các hồ thủy điện ít đi. Nhiều hồ thủy điện ở miền Bắc đầu năm do hạn hán, mưa ít còn thiếu nước phát điện nên nguồn thu giảm. Sản lượng điện tiêu thụ của các địa phương cũng giảm nên tác động đến nguồn thu tiền dịch vụ môi trường rừng.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Thanh cho biết, với kế hoạch thu đặt ra năm 2023 là 3.200 tỷ đồng sẽ cơ bản đảm bảo. Bởi năm nay, Việt Nam sẽ có thêm nguồn thu dịch vụ môi trường rừng mới từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).

Đến nay, cả nước có 718 chủ rừng đang quản lý 7,65 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp; có 417 phương án quản lý rừng bền vững được phê duyệt, đạt 58% tổng số phương án cần phê duyệt; có 445.500 ha được cấp chứng chỉ rừng (rừng phòng hộ 38.565 ha, rừng trồng sản xuất 407.000 ha).

Phạm Huyền

Bạn đang đọc bài viết Diễn biến mới nhất vụ hơn 600ha rừng làm hồ thuỷ lợi ở Bình Thuận. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hải Dương: Xảy ra 2 vụ cháy rừng tại thị xã Kinh Môn chiều 1/11
Khoảng 15h chiều ngày 1/11, người dân phát hiện cháy rừng ở xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Khoảng nửa giờ sau đó, tại địa bàn xã Bạch Đằng (cùng thị xã Kinh Môn) cũng phát hiện cháy rừng. Đây là vụ cháy rừng thứ 3 và thứ 4 tại thị xã này.

Tin mới