Chủ nhật, 24/11/2024 07:44 (GMT+7)
Thứ năm, 29/10/2020 06:40 (GMT+7)

Điện mặt trời áp mái tiềm năng nhưng cần thận trọng

Theo dõi KTMT trên

Ngày nay, việc sử dụng nguồn điện mặt trời trong sinh hoạt và các hoạt động sản xuất là giải pháp tiết kiệm và sinh lời hiệu quả nhất. Tuy nhiên, việc lắp đặt điện mặt trời áp mái cũng tồn tại không ít những rủi ro.

Ồ ạt lắp đặt điện mặt trời áp mái

Báo cáo đoàn công tác Bộ Công Thương tại buổi làm việc ngày 28/10/2020, đại diện Công ty Điện lực Đắk Lắk (PC Đắk Lắk) cho biết, từ đầu năm đến 26/10/2020, trên địa bàn tỉnh có 2.764 dự án điện mặt trời áp mái đi vào hoạt động, với công suất lắp đặt là 186,465 MWp.

Lũy kế đến nay, Đắk Lắk đã có 3.261 dự án điện mặt trời áp mái đi vào hoạt động với công suất lắp đặt là 213,136 MWp, trong đó 86 dự án điện mặt trời áp mái có công suất lắp đặt gần 1 MWp đấu nối vào lưới trung áp; sản lượng điện mặt trời áp mái đã phát lên lưới điện là 92,393 triệu kWh.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 2.313 dự án điện mặt trời áp mái với tổng công suất lắp đặt 285,914 MWp đã được thỏa thuận đấu nối (chưa vận hành) và 23 dự án đang thực hiện thỏa thuận đấu nối với tổng công suất lắp đặt là 19,75MWp.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã phát triển 5.574 dự án điện mặt trời áp mái với tổng công suất lắp đặt là 518,8 MWp, bao gồm dự án đã đi vào hoạt động, đã thỏa thuận đấu nối đang triển khai xây dựng và đang tiến hành thỏa thuận đấu nối.

Điện mặt trời áp mái tiềm năng nhưng cần thận trọng - Ảnh 1
Thời gian gần đây nhiều tỉnh thành đã ồ ạt điện mặt trời áp mái. (Ảnh minh họa)

Không riêng tại Đắk Lắk, theo ghi nhận của Công ty Điện lực Gia Lai cho biết, ngoài 755 dự án điện mặt trời áp mái đã đưa vào vận hành, hiện còn 118 dự án đã thoả thuận đấu nối nhưng chưa đưa vào vận hành. Phần lớn đã có thoả thuận đấu lưới có công suất lắp đặt 1MW. Hiện một số trạm biến áp, đường dây tại khu vực thành phố Pleiku, huyện KrongPa hay Chư Sê... đã không còn khả năng giải toả công suất do quá tải đường dây, lưới.

Một số địa phương khác khu vực miền Trung, miền Nam cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Trên phạm vi cả nước, theo số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến hết tháng 7 đã có 19.810 dự án điện mặt trời áp mái được lắp đặt với tổng công suất gần 542 MW. Riêng trong 7 tháng đầu năm, số dự án lắp đặt đã chiếm hơn một nửa công suất của các dự án điện mặt trời áp mái từ trước đến nay.

Ngoài ra, còn 4.850 dự án điện mặt trời áp mái (công suất 2.860 MW) đăng ký thực hiện trong năm 2020. Trong số này, EVN cho biết không thoả thuận đấu nối với gần 760 hệ thống (công suất 640 MW) do vượt khả năng giải toả lưới điện.

Ông Trần Viết Nguyên - Phó trưởng ban kinh doanh (EVN) cho biết, việc điện mặt trời áp mái tập trung phát triển ở một số khu vực, nhất là miền Trung và Nam đang khiến tập đoàn này gặp khó khăn về giải toả lưới.

Do có sự đổ bộ lớn vào lĩnh vực này, không dưới hai lần EVN đã phải cảnh báo về nguy cơ vượt khả năng giải tỏa công suất lưới điện ở các khu vực có nhiều dự án điện mặt trời nhỏ đầu tư ồ ạt.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Nhà Đầu tư, TS Lê Hải Hưng, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc nhiều địa phương ồ ạt đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái đang gây quá tải lên mạng lưới điện sinh hoạt.

Điện mặt trời áp mái đang được xem là giải pháp cho Việt Nam vì những ưu điểm như: không tốn quỹ đất; huy động được nguồn vốn của xã hội; không phải trả lương cho hệ thống nhân sự vận hành nhà máy; tự cung tự cấp điện tại chỗ...

Những lợi thế này khiến nhiều người không ngần ngại cho rằng điện mặt trời áp mái là một cuộc “Khoán 10” trong việc phát triển năng lượng tái tạo.

Chính phủ cũng đánh giá cao vai trò của điện mặt trời áp mái nên sau gần một năm tính toán, ngày 6/4/2020, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về phát triển điện mặt trời áp mái đã ra đời. Trong đó, giá bán điện mặt trời áp mái được quy định là 1.943 đ/kWh, cao hơn giá bán điện mặt trời tập trung.

Quyết định này được đánh giá là kịp thời và đã tạo động lực cho điện mặt trời áp mái phát triển, song đáng tiếc chỉ có hiệu lực đến 31/12/2020. Thời hạn ngắn ngủi trên cũng đã tạo ra cuộc chạy đua của nhà đầu tư để về đích trước 31/12/2020 để hưởng giá ưu đãi. Và TS Hưng cho rằng đây có thể là nguồn cơn cho một cuộc khủng hoảng mới.

Nếu giả sử nhà nhà đua nhau làm điện mặt trời áp mái, lưới điện sinh hoạt, vốn đã ít được chăm chút, lại sẽ rơi vào tình trạng quá tải, nghĩa là sẽ xuất hiện cuộc “khủng hoảng” điện mặt trời lần thứ hai.

Sự cố quá tải lưới điện sinh hoạt có thể khó kiểm soát và tiềm tàng nhiều nguy cơ hơn trường hợp khủng hoảng ở lưới điện quốc gia 2019.

Khó khăn ở chỗ, lúc đó ai sẽ chỉ huy, điều phối hàng triệu nhà máy điện mặt trời mini này?

Khung cảnh cuộc khủng hoảng mới này có thể hình dung là từng hộ gia đình sẽ phải “xếp hàng chờ đợi” được bán điện cho EVN trong khi đã bỏ hàng trăm triệu để xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái.

Khi đó, nhiều khổ chủ vì “tiếc của giời” mà mua bình ắc quy để trữ điện. Và nếu như vậy, môi trường sẽ có thể bị đầu độc do rác thải ắc quy của hàng triệu gia đình.

Theo Cục Năng lượng Mỹ, một tấm pin mặt trời có thời gian sử dụng khoảng 20 - 30 năm tùy vào điều kiện môi trường. Nhiệt độ cao có thể khiến thời gian sử dụng ngắn hơn và yếu tố tiêu cực như tuyết, bụi sẽ gây tổn hại vật liệu bề mặt và mạch điện bên trong, làm giảm dần năng suất.

Pin mặt trời chứa các kim loại như chì, đồng, nhôm với các tế bào năng lượng mặt trời làm từ tinh thể silicon và được bọc trong lớp nhựa dày để bảo vệ.

Hoạt động sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời làm tăng đáng kể lượng khí thải nitrogen trifluoride (NF3), có tác hại tới môi trường như một loại khí thải gây hiệu ứng nhà kính gấp 17.200 lần so với khí carbon dioxide (CO2) trong giai đoạn 100 năm.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Điện mặt trời áp mái tiềm năng nhưng cần thận trọng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới