Chủ nhật, 24/11/2024 05:41 (GMT+7)
Thứ hai, 06/11/2023 08:00 (GMT+7)

Đổ đất lấn vùng đệm Vịnh Hạ Long: Chúng ta cần tôn trọng tự nhiên, không nên phá vỡ di sản

Theo dõi KTMT trên

Theo PGS.TS Lê Đức Luận thì chúng ta cần cần bằng lợi ích giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế. Chúng ta cần tôn trọng tự nhiên, không nên phá vỡ di sản.

Liên quan đến dự án khu đô thị “quây” đảo đá Vịnh Hạ Long làm non bộ, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã có văn bản đề nghị kiểm tra, yêu cầu các đơn vị thi công tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trước đó, những ngày qua, trên đoạn đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả xuất hiện đoàn xe “hổ vồ” chở đất đá phục vụ san lấp dự án Khu đô thị 10B.

Theo các hình ảnh do phóng viên các cơ quan báo chí ghi nhận, dự án này lấn ra vịnh Hạ Long cả cây số tính từ đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhiều núi đá của vịnh Hạ Long bị doanh nghiệp đổ đất quây kín thành ‘hòn non bộ’ giữa dự án.

Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý vịnh Hạ Long khẳng định vị trí thực hiện dự án Khu đô thị 10B nằm trong vùng đệm của vịnh Hạ Long.

Đổ đất lấn vùng đệm Vịnh Hạ Long: Chúng ta cần tôn trọng tự nhiên, không nên phá vỡ di sản - Ảnh 1
Một ngọn núi trở thành "hòn non bộ" trong KĐT Phương Đông, Vân Đồn. 

Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, PGS.TS Lê Đức Luận – Giảng viên Trường Đại học Đà Nẵng khẳng định các cơ quan chức năng cần xem xét lại quy trình phê duyệt dự án.

“Nếu cần thiết chúng ta có thể tạm dừng thi công dự án để xem xét quy trình phê duyệt dự án có đúng hay không? Nếu cần thiết chúng ta cần phải trình sự việc lên cho Thủ tướng Chính phủ xem xét, tránh việc di sản bị xâm phạm”, PGS.TS Lê Đức Luận khẳng định.

Theo PGS.TS Lê Đức Luận thì Vịnh Hạ Long (Việt Nam) cùng với rừng rậm Amazon (Nam Mỹ), thác Iguazu (Argentina và Brazil), đảo Jeju (Hàn Quốc), đảo Komodo (Indonesia), vườn quốc gia sông ngầm Puerto Princesca (Philippines), núi Bàn (Nam Phi) là 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

“Chúng ta cần cân bằng lợi ích giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế. Nếu cần thiết xây dựng khu đô thị, khu du lịch tại các vị trí nêu trên, chúng ta không nhất thiết phải xây dựng quá rộng như Quảng Ninh đang làm, biến những ngọn núi trong vùng đệm của di sản thành hòn non bộ trong khu đô thị như báo chí đưa tin”, PGS.TS Lê Đức Luận khẳng định.

Đổ đất lấn vùng đệm Vịnh Hạ Long: Chúng ta cần tôn trọng tự nhiên, không nên phá vỡ di sản - Ảnh 2
PGS.TS Lê Đức Luận - Giảng viên Trường Đại học Đà Nẵng, chuyên gia văn hóa khẳng định cần cân bằng lợi ích giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế.

Cũng theo PGS.TS Lê Đức Luận thì từ khi được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, Vịnh Hạ Long là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế.

Tuy nhiên, hiện nay Vịnh Hạ Long đang dần kém hấp dẫn du khách quốc tế khi nhiều khu vực đang bị bàn tay con người can thiệp, làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên thuần khiết của cả quần thể.

“Để có thể thu hút khách du lịch đặc biệt là khách du lịch quốc tế quay trở lại với Vịnh Hạ Long chúng ta cần hạn chế tuyệt đối việc can thiệp vào vùng lõi di sản và các vùng đệm. Làm tốt công tác bảo tồn di sản cũng góp phần gia tăng lợi ích kinh tế từ di sản cho ngành công nghiệp du lịch nói riêng, nền kinh tế tỉnh Quảng Ninh nói chung thay vì phát triển nóng bằng việc lấn biển xây dựng khu đô thị như nhiều địa phương đang làm hiện nay", PGS.TS Lê Đức Luận chia sẻ.

Trước đó, vào ngày 30/12/2021, UBND tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định 4720/QĐ-UBND công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án Khu đô thị tại khu 10B, phường Quang Hanh, TP.Cẩm Phả.

Khu đất có tổng diện tích được phê duyệt theo quy hoạch là 318.210,9 m2, nằm ở vị trí đắc địa, phía đông giáp biển; phía tây giáp núi đá vôi, đầm cây Giang; phía bắc giáp núi đá vôi; phía nam giáp suối Lộ Phong và vịnh Bái Tử Long.

Đổ đất lấn vùng đệm Vịnh Hạ Long: Chúng ta cần tôn trọng tự nhiên, không nên phá vỡ di sản - Ảnh 3
Một ngọn núi khác nằm trong KĐT Thống Nhất (Vân Đồn, Quảng Ninh.

Quy mô các hạng mục công trình gồm: 451 căn biệt thự và nhà ở liền kề; xây thô và hoàn thiện mặt ngoài 52 căn biệt thự. Ngoài ra còn có các công trình thương mại dịch vụ, trong đó có các khách sạn 7 tầng. Quy mô dân số khoảng 2.524 người.

Được biết, quyền sử dụng đất để thực hiện dự án Dự án có giá khởi điểm là 1.145,3 tỷ đồng. Công ty này đã bỏ ra 1.192 tỷ đồng, tăng 2 bước giá (46 tỷ đồng) và loại được 8 nhà đầu tư khác để giành 31,8 ha đất tại Khu 10B phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Đỗ Gia Capital có địa chỉ số 948 phường Cẩm Thạch, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, được thành lập vào ngày 18/11/2021, vốn điều lệ 200 tỷ đồng. Hai thành viên cá nhân là Trần Hoài Thanh góp 110 tỷ đồng (chiếm 55%) và Lê Minh Chiến góp 90 tỷ (chiếm 45%).

Người đại diện theo pháp luật là ông Trần Hoài Thanh (SN 1984), chức danh Giám đốc và có địa chỉ thường trú tại Tổ 5, Khu 1, phường Cẩm Thành, TP. Cẩm Phả (Quảng Ninh).

Đến năm 2022, Đỗ Gia Capital nâng vốn điều lệ lên 600 tỷ đồng. Lúc này, tỷ lệ sở hữu của ông Lê Minh Chiến và ông Trần Hoài Thanh cũng đảo chiều. Trong đó, ông Chiến nắm giữ 99,99% vốn điều lệ, số ít còn lại thuộc về ông Thanh.

Những diễn biến tiếp theo về sự việc đang làm "nóng" dư luận chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc. Chúng ta không thể đánh đổi môi trường lấy kinh tế, thực chất đây là kim chỉ nam xuyên suốt mà Đảng và Chính phủ đã quán triệt, yêu cầu nghiêm túc thực hiện. 

Nhóm PV

Bạn đang đọc bài viết Đổ đất lấn vùng đệm Vịnh Hạ Long: Chúng ta cần tôn trọng tự nhiên, không nên phá vỡ di sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới