Chủ nhật, 24/11/2024 06:20 (GMT+7)
Thứ sáu, 06/10/2023 15:01 (GMT+7)

Dùng đất đá thải mỏ san lấp ở Quảng Ninh: Cần giám sát chặt chẽ (Bài 11)

Theo dõi KTMT trên

"Có thể coi đất đá thải mỏ là một dạng tài nguyên, do đó cần được theo dõi, giám sát, quản lý một cách chặt chẽ" - TS. Hoàng Dương Tùng nói.

Thời gian qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã cho phép dùng đất đá thải mỏ san lấp mặt bằng tại một số dự án, công trình trên địa bàn huyện Vân Đồn, TP.Cẩm Phả, TP.Hạ Long. Điều này khiến không ít cử tri, người dân bày tỏ lo lắng về những hệ lụy tiêu cực về môi trường sẽ tác động đến hệ sinh thái biển, đến sinh kế và du lịch địa phương...

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường về vấn đề này, TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho phép một số trường hợp dùng đất đá thải mỏ để làm vật liệu san lấp. Tuy nhiên, Bộ quy định rất cụ thể, xem xét kỹ từng trường hợp.

Dùng đất đá thải mỏ san lấp ở Quảng Ninh: Cần giám sát chặt chẽ (Bài 11) - Ảnh 1
TS. Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT.

"Không thể phủ nhận giá trị của đất đá thải mỏ, đặc biệt là trong công tác san lấp mặt bằng, Nếu bỏ đất đá thải mỏ đi hoặc để không thì rất lãng phí. Tuy nhiên, việc Quảng Ninh dùng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp, lấn biển phải được xem xét một cách kỹ lưỡng, không phải ai đổ cũng được và đổ chỗ nào cũng được. Có thể coi đất đá thải mỏ là một dạng tài nguyên, do đó cần được theo dõi, giám sát, quản lý một cách chặt chẽ.

Trước khi sử dụng đất đá thải mỏ cần phân tích xem có những thành phần nào ở trong đó? Nó có chứa những thành phần gây ô nhiễm môi trường hay không? Nguồn gốc đất đá thải mỏ ở đâu? Nó được sản sinh ra trong giai đoạn nào của quá trình khai thác? Có thể sử dụng ở địa điểm nào, không được sử dụng ở địa điểm nào? Phương thức vận chuyển ra sao, phải tuân thủ những điều kiện gì? Tất cả phải rất cụ thể", ông Tùng đặt vấn đề.

Từ những vấn đề trên, TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng, trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương là thực hiện khảo sát, đánh giá cụ thể đối với từng trường hợp, thậm chí là lập hội đồng khoa học nếu cần, để chứng minh việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp là an toàn và hiệu quả. Tất cả số liệu, cơ sở khoa học phải được công khai để người dân nắm bắt được.

Trong quá trình thực hiện tuyến bài này, Tạp chí Kinh tế Môi trường sẽ tập hợp ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà khoa học để gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hi vọng rằng, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học sẽ gợi mở nhiều vấn đề trong quá trình soạn thảo Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản sửa đổi để trình Quốc hội trong thời gian tới.

Nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khác, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam lưu ý, trước khi cho phép sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp cần phải tính hết sức kỹ lưỡng việc giám sát/chế tài thế nào để tránh thất thoát, lợi dụng, gây ô nhiễm (giám sát tại mỏ, giám sát quãng đường vận chuyển, giám sát nơi đổ). Hiện nay có nhiều biện pháp kỹ thuật hỗ trợ thực hiện công tác giám sát, quản lý. Nếu công khai các kết quả giám sát thì sẽ rất khó để làm bậy.

Theo TS. Hoàng Dương Tùng, việc người dân và cử tri tỉnh Quảng Ninh bày tỏ sự lo lắng là đúng. Điều này thể hiện quyền giám sát của người dân đối với những trường hợp có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Dùng đất đá thải mỏ san lấp ở Quảng Ninh: Cần giám sát chặt chẽ (Bài 11) - Ảnh 2
Những cục than kip - lê vương vãi tại mặt bằng dự án KĐT Ao Tiên.

Trao đổi với báo chí, một đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc sử dụng đất, đá từ bãi thải của mỏ than nào, vị trí ở đâu, bãi thải đang hoạt động hay bãi thải thuộc các mỏ đã được đóng cửa mỏ; bãi thải đã dừng đổ thải hay sử dụng trực tiếp đất đá trong quá trình khai thác than cần phải được xem xét, đánh giá cụ thể về công nghệ, phương pháp khai thác, tác động đến môi trường trong quá trình khai thác, vận chuyển đất, đá thải mỏ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng khuyến cáo phải có giải pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng việc vận chuyển đất, đá thải để “tuồn” than đạt chất lượng từ mỏ để tiêu thụ trái phép, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, ngân sách Nhà nước. Theo quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đá thải của mỏ than là khoáng sản đi kèm, nếu muốn khai thác, tổ chức, cá nhân khai thác phải báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường và được cho phép; phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học hiện tượng sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp một số dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cuối tháng 8/2023 các nhà khoa học thuộc Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có chuyến khảo sát độc lập, lấy mẫu đất đá, cũng như mẫu nước tại một số vị trí sử dụng đất đá thải mỏ.

Theo kết quả phân tích mẫu đất đá thải được lấy tại các vị trí như KĐT Ao Tiên (Vân Đồn), Cụm Công nghiệp Cẩm Thịnh (Cẩm Phả), KĐT Dragon City (Cẩm Phả), KĐT Cao Xanh - Hà Khánh (Hạ Long), Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, một số mẫu tại các bãi thải mỏ: Hà Lầm; Cao Sơn; Đông Dương; Vàng Danh; Hòn Gai; Uông Bí cho thấy có Hàm lượng % than trong mẫu đã lấy. Có những mẫu Hàm lượng % than lên đến 17.3%.

Theo đánh giá của các nhà khoa học: Tất cả các mẫu phân tích lấy từ bãi thải đã đưa san lấp và đất đá thải mỏ khác đều chứa than. Có 2 mẫu đất đá thải san lấp chứa hàm lượng than rất cao (15,2 và 17,3 %).

Các mẫu đất đá thải Hà Lầm và Vàng Danh cần tuyển để thu hồi than chứa trong đất đá thải > 5%. Các mẫu đất đá thải của các mỏ Cao Sơn và Uông Bí chứa lượng than có thể gây ra ô nhiễm biển vùng đổ đất đá thải lấn biển.

Tiếp đó, các nhà khoa học của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đưa ra lưu ý: Cần có quy trình phân loại đất đá thải (tách ra khỏi bước nghiền sàng) trước khi nghiền sàng (tránh tạo ra lỗ hổng chứa nước ô nhiễm trong nền đất) và tạo ra nguy cơ gây thương tích cho người ở các bãi tắm.

Ô nhiễm than và kim loại nặng trong trầm tích có nguồn gốc từ nước thải chứa than từ các mỏ và dây truyền tuyển than chưa xử lý, đất đá thải đổ san lấp mặt bằng, cũng như hoạt động vận chuyển than.

Theo các nhà khoa học kiến nghị, đây cũng chỉ là nghiên cứu độc lập và cần thêm các tổ chức khác cùng vào nghiên cứu đánh giá và đưa ra các kết quả tiếp đó. Nếu vẫn đúng với kết quả này thì cần phải có những định hướng chỉ đạo từ tỉnh Quảng Ninh để tuyên truyền, phổ biến và có biện pháp ngăn ngừa rủi ro.

Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

Hoàng Hải

Bạn đang đọc bài viết Dùng đất đá thải mỏ san lấp ở Quảng Ninh: Cần giám sát chặt chẽ (Bài 11). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới