Chủ nhật, 24/11/2024 05:28 (GMT+7)
Thứ hai, 25/09/2023 14:46 (GMT+7)

Dùng đất đá thải mỏ san lấp ở Quảng Ninh: Cần công khai ĐTM

Theo dõi KTMT trên

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, để cử tri và nhân dân "yên lòng", tỉnh Quảng Ninh có thể công khai những con số, tài liệu nghiên cứu cụ thể, đánh giá tác động môi trường liên quan đến việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp.

LỜI TÒA SOẠN

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tiến hành lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản.

Trong phần Sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản có nêu: Sau 13 năm thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện gồm một số vấn đề như: Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhất là cát, sỏi lòng sông, đất đá bóc tầng phủ, đất đá thải làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ cho các dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án đầu tư công.

Cùng với đó, trong thời gian qua, Tòa soạn tiếp nhận nhiều ý kiến của cử tri và nhân dân tỉnh Quảng Ninh lo lắng về vấn đề tác động đến môi trường xoay quanh hiện tượng sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp một số dự án, công trình ven biển.

Tạp chí Kinh tế Môi trường là cơ quan ngôn luận của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội thì các vấn đề liên quan tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, kinh tế môi trường luôn được các chuyên gia đầu ngành trong Hội đặc biệt quan tâm thông qua cơ quan ngôn luận của Hội.

Trước đó, thông qua các hoạt động về tuyên truyền, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã lên tiếng phản ánh nhiều sự việc lớn như: Vấn đề khai thác tại mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh; Vấn đề khai thác, chế biến về bô xít tại khu vực Tây Nguyên và tham gia góp ý phản biện vào nhiều dự thảo luật của các bộ ban ngành... Các vấn đề sau đó được Đảng và Chính phủ ghi nhận, đánh giá rất tích cực và thiết thực, thông qua các kiến nghị của Hội, nhiều vấn đề quan trọng được tháo gỡ và phổ biến một cách rộng rãi...

Tiếp nối những hoạt động đó, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam sẽ có nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản trong thời gian tới. Và tiền đề cho các hoạt động tiếp theo, trong khuôn khổ tuyến bài viết về vấn đề này, Tạp chí Kinh tế Môi trường xin gửi tới Quý bạn đọc một số thông tin ghi nhận tại những địa điểm ven biển có xuất hiện đất đá thải mỏ tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Đồng thời, tuyến bài cũng sẽ đưa những chia sẻ, kiến nghị, đề xuất và một số giải pháp của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế môi trường để sử dụng hiệu quả đất đá thải mỏ nhằm phát triển Quảng Ninh một cách bền vững như mong muốn của Đảng và Chính phủ đang thực hiện trên khắp đất nước.

Mặt khác, tuyến bài cũng giúp cho các nhà hoạch định chính sách tại tỉnh Quảng Ninh có cái nhìn tổng thể về hiện tượng này, nếu có ảnh hưởng thì kịp thời cảnh báo, khắc phục, tuyên truyền để giữ vững là một trong những địa phương phát triển vững mạnh trên mọi mặt trận.

Và đặc biệt hơn, tuyến bài này cũng nhằm mục đích góp ý một phần nào về Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang được Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến rộng rãi.

Từ giữa năm 2017, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất với Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) về phương án sử dụng đất đá tại các bãi thải mỏ than để san lấp mặt bằng các dự án.

Theo đó, phương án này được cho là phù hợp với bối cảnh các bãi đang chất lên thành những ngọn núi khổng lồ.

Đồng thời, cũng để đảm bảo môi trường, tránh việc phải khai thác đất, đá san lấp dự án mới. Bởi những năm qua, để phục vụ xây dựng dự án, tỉnh này đã phải sử dụng hàng trăm triệu tấn đất, đá từ núi, đồi tự nhiên để san lấp mặt bằng.

Dùng đất đá thải mỏ san lấp ở Quảng Ninh: Cần công khai ĐTM - Ảnh 1
Một góc Khu đô thị Ao Tiên (Quảng Ninh) được ghi nhận có đất đá thải mỏ.

Tuy nhiên, việc UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép dùng đất đá thải mỏ san lấp mặt bằng tại một số dự án, công trình trên địa bàn huyện Vân Đồn, TP.Cẩm Phả, TP.Hạ Long khiến một số cử tri, người dân lo lắng về những hệ lụy tiêu cực về môi trường sẽ tác động đến biển, đến sinh kế, sức khỏe của du khách và người dân.

Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào làm cơ sở khoa học đánh giá về sự nguy hại, tác động của việc dùng đất đá thải mỏ làm vật liệu xây dựng vào san lấp công trình, dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lấn biển ven vịnh Bái Tử Long.

Ngoài ra, việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp mặt bằng có thể gây lãng phí tài nguyên, thất thoát ngân sách Nhà nước vì thực tế trong đất đá, xít than mỏ còn có nhiệt lượng có thể sử dụng vào các lĩnh vực sản xuất khác.

Dùng đất đá thải mỏ san lấp ở Quảng Ninh: Cần công khai ĐTM - Ảnh 2
TS. Nguyễn Thành Sơn.

Trao đổi với PV Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, TS. Nguyễn Thành Sơn (nguyên Giám đốc Ban Quản lý Dự án Than đồng bằng Sông Hồng của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) nhận định, xét về mặt kinh tế, việc Quảng Ninh sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp một số dự án, công trình ven biển là một hướng đi đúng.

"Nhiều công trình, nhiều dự án lớn tại Quảng Ninh được xây dựng nhờ vào sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp. Chúng ta vừa có thể tận dụng được khối lượng lớn đất đá thải mỏ, vừa có thêm được quỹ đất đáng kể cho phát triển kinh tế", ông Sơn phân tích.

Liên quan đến việc cử tri và nhân dân tỉnh Quảng Ninh bày tỏ sự lo lắng về việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp một số dự án, công trình ven biển có thể dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực liên quan đến môi trường, TS. Nguyễn Thành Sơn cho rằng, sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp không ảnh hưởng xấu đến môi trường.

"Điều duy nhất có thể ảnh hưởng đến môi trường là quá trình vận chuyển đất đá thải mỏ từ nguồn đến những công trình, dự án cần san lấp.

Nếu đơn vị vận tải không đảm bảo đúng quy định, có thể sẽ gây ra khói, bụi, ảnh hưởng đến cảnh quan và cuộc sống của người dân. Còn nếu các đơn vị vận tải đảm bảo đúng quy định thì sẽ không có vấn đề gì", ông Sơn lưu ý.

Dùng đất đá thải mỏ san lấp ở Quảng Ninh: Cần công khai ĐTM - Ảnh 3
PGS.TS Trần Hồng Côn.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Hồng Côn (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Công nghệ hóa học, khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá, xét về mặt hóa học thì than không có tính chất gây độc (tính trơ).

Mặt khác, hàm lượng than trong lớp đất đá bóc ra trong quá trình khai khoáng không nhiều.

"Việc Quảng Ninh sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp một số dự án, công trình ven biển, dưới góc độ khoa học thì than không có tính chất gây độc, còn nếu xét về những khía cạnh khác (về cảnh quan, kiến trúc, quy hoạch...) không thuộc chuyên môn của tôi thì tôi không thể đánh giá tùy tiện được.

Việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp đã được tỉnh Quảng Ninh đề cập và nghiên cứu từ 10 năm trước.

Do đó, tôi tin rằng, Quảng Ninh cũng đã có những đánh giá cụ thể, đặc biệt là đánh giá tác động môi trường", ông Côn cho biết thêm.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, để cử tri và nhân dân "yên lòng", tỉnh Quảng Ninh có thể công khai những con số, tài liệu nghiên cứu cụ thể, đánh giá tác động môi trường liên quan đến việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp.

Đất đá thải mỏ dùng để san lấp có chất lượng ra sao?

Trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học hiện tượng sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp một số dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cuối tháng 8/2023 các nhà khoa học thuộc Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có chuyến khảo sát độc lập, lấy mẫu đất đá, cũng như mẫu nước tại một số vị trí sử dụng đất đá thải mỏ.

Theo kết quả phân tích mẫu đất đá thải được lấy tại các vị trí như KĐT Ao Tiên (Vân Đồn), Cụm Công nghiệp Cẩm Thịnh (Cẩm Phả), KĐT Dragon City (Cẩm Phả), KĐT Cao Xanh - Hà Khánh (Hạ Long), Dự án đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, một số mẫu tại các bãi thải mỏ: Hà Lầm; Cao Sơn; Đông Dương; Vàng Danh; Hòn Gai; Uông Bí cho thấy có Hàm lượng % than trong mẫu đã lấy. Có những mẫu Hàm lượng % than lên đến 17.3%.

Theo đánh giá của các nhà khoa học: Tất cả các mẫu phân tích lấy từ bãi thải đã đưa san lấp và đất đá thải mỏ khác đều chứa than. Có 2 mẫu đất đá thải san lấp chứa hàm lượng than rất cao (15,2 và 17,3 %).

Các mẫu đất đá thải Hà Lầm và Vàng Danh cần tuyển để thu hồi than chứa trong đất đá thải > 5%. Các mẫu đất đá thải của các mỏ Cao Sơn và Uông Bí chứa lượng than có thể gây ra ô nhiễm biển vùng đổ đất đá thải lấn biển.

Tiếp đó, các nhà khoa học của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đưa ra lưu ý: Cần có quy trình phân loại đất đá thải (tách ra khỏi bước nghiền sàng) trước khi nghiền sàng (tránh tạo ra lỗ hổng chứa nước ô nhiễm trong nền đất) và tạo ra nguy cơ gây thương tích cho người ở các bãi tắm.

Ô nhiễm than và kim loại nặng trong trầm tích có nguồn gốc từ nước thải chứa than từ các mỏ và dây truyền tuyển than chưa xử lý, đất đá thải đổ san lấp mặt bằng, cũng như hoạt động vận chuyển than.

Theo các nhà khoa học kiến nghị, đây cũng chỉ là nghiên cứu độc lập và cần thêm các tổ chức khác cùng vào nghiên cứu đánh giá và đưa ra các kết quả tiếp đó. Nếu vẫn đúng với kết quả này thì cần phải có những định hướng chỉ đạo từ tỉnh Quảng Ninh để tuyên truyền, phổ biến và có biện pháp ngăn ngừa rủi ro.

Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin!

Nhóm Phóng viên

Bạn đang đọc bài viết Dùng đất đá thải mỏ san lấp ở Quảng Ninh: Cần công khai ĐTM. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới