Chủ nhật, 24/11/2024 07:03 (GMT+7)
Thứ năm, 28/09/2023 11:44 (GMT+7)

Dùng đất đá thải mỏ san lấp ở Quảng Ninh: Người dân có quyền bày tỏ sự lo lắng (Bài 6)

Theo dõi KTMT trên

"Người dân có quyền bày tỏ sự lo lắng, còn trách nhiệm của cơ quan quản lý và chủ đầu tư là chứng minh cho người dân thấy việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp là an toàn với môi trường và hệ sinh thái" - TS. Đỗ Thanh Bái nói.

LỜI TÒA SOẠN

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tiến hành lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo luật Địa chất và Khoáng sản.

Trong phần Sự cần thiết ban hành Luật Địa chất và Khoáng sản có nêu: Sau 13 năm thực hiện, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, khó khăn khi thực hiện gồm một số vấn đề như: Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng nhất là cát, sỏi lòng sông, đất đá bóc tầng phủ, đất đá thải làm vật liệu xây dựng thông thường để phục vụ cho các dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án đầu tư công.

Cùng với đó, trong thời gian qua, Tòa soạn tiếp nhận nhiều ý kiến của cử tri và nhân dân tỉnh Quảng Ninh lo lắng về vấn đề tác động đến môi trường xoay quanh hiện tượng sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp một số dự án, công trình ven biển.

Tạp chí Kinh tế Môi trường là cơ quan ngôn luận của Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội thì các vấn đề liên quan tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, kinh tế môi trường luôn được các chuyên gia đầu ngành trong Hội đặc biệt quan tâm thông qua cơ quan ngôn luận của Hội.

Trước đó, thông qua các hoạt động về tuyên truyền, hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã lên tiếng phản ánh nhiều sự việc lớn như: Vấn đề khai thác tại mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh; Vấn đề khai thác, chế biến về bô xít tại khu vực Tây Nguyên và tham gia góp ý phản biện vào nhiều dự thảo luật của các bộ ban ngành... Các vấn đề sau đó được Đảng và Chính phủ ghi nhận, đánh giá rất tích cực và thiết thực, thông qua các kiến nghị của Hội, nhiều vấn đề quan trọng được tháo gỡ và phổ biến một cách rộng rãi...

Tiếp nối những hoạt động đó, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam sẽ có nhiều ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản trong thời gian tới. Và tiền đề cho các hoạt động tiếp theo, trong khuôn khổ tuyến bài viết về vấn đề này, Tạp chí Kinh tế Môi trường xin gửi tới Quý bạn đọc một số thông tin ghi nhận tại những địa điểm ven biển có xuất hiện đất đá thải mỏ tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Đồng thời, tuyến bài cũng sẽ đưa những chia sẻ, kiến nghị, đề xuất và một số giải pháp của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế môi trường để sử dụng hiệu quả đất đá thải mỏ nhằm phát triển Quảng Ninh một cách bền vững như mong muốn của Đảng và Chính phủ đang thực hiện trên khắp đất nước.

Mặt khác, tuyến bài cũng giúp cho các nhà hoạch định chính sách tại tỉnh Quảng Ninh có cái nhìn tổng thể về hiện tượng này, nếu có ảnh hưởng thì kịp thời cảnh báo, khắc phục, tuyên truyền để giữ vững là một trong những địa phương phát triển vững mạnh trên mọi mặt trận.

Và đặc biệt hơn, tuyến bài này cũng nhằm mục đích góp ý một phần nào về Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đang được Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến rộng rãi.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép dùng đất đá thải mỏ san lấp mặt bằng tại một số dự án, công trình trên địa bàn huyện Vân Đồn, TP.Cẩm Phả, TP.Hạ Long đã khiến một số cử tri, người dân lo lắng về những hệ lụy tiêu cực về môi trường sẽ tác động đến biển, đến sinh kế và du lịch địa phương...

Bàn về vấn đề trên, trao đổi với Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường, TS. Đỗ Thanh Bái - Chủ tịch Hội đồng trách nhiệm xã hội tự nguyện của các doanh nghiệp Hóa chất Việt Nam (VRCC) cho rằng, việc cử tri và người dân Quảng Ninh lo lắng đến vấn đề môi trường là điều dễ hiểu. Bởi lẽ, khi khai thác than (bao gồm khai thác lộ thiên và khai thác hầm lò) sẽ tạo ra một khối lượng chất thải rắn nhất định.

Dùng đất đá thải mỏ san lấp ở Quảng Ninh: Người dân có quyền bày tỏ sự lo lắng (Bài 6) - Ảnh 1
TS. Đỗ Thanh Bái - Chủ tịch Hội đồng trách nhiệm xã hội tự nguyện của các doanh nghiệp Hóa chất Việt Nam cho rằng, việc cử tri và người dân Quảng Ninh lo lắng đến vấn đề môi trường là điều dễ hiểu.

Theo TS. Đỗ Thanh Bái, chất thải mỏ than cũng chia làm nhiều loại, thứ nhất là bùn thải trong các hồ lắng.

Thứ hai là chất thải bóc ra từ lớp đất đá phủ trên bề mặt các vỉa than.

Thứ ba là chất thải tại các nhà máy điện than, trong quá trình tuyển than sẽ phát sinh sỉ tuyển.

Trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc đã nghiên cứu và sử dụng đất đá thải mỏ vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, Trung Quốc đánh giá việc đất đá thải mỏ có thể tận dụng tốt trong công tác san lấp mặt bằng. Việt Nam cũng có một số đề tài nghiên cứu khoa học nhằm tận dụng đất đá thải mỏ. Thời gian gần đây, Quảng Ninh cũng sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp một số công trình, dự án, hoặc lấn biển tại một số khu vực.

"Trước khi sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp cần xác định mỏ than đó nằm ở đâu, trong mỏ than ngoài than thì còn có gì khác. Bởi lẽ thông thường, ngoài than thì mỏ than còn có kim loại nặng.

Tại Việt Nam, các mỏ than thường chứa 6 - 8 kim loại nặng (chì, kẽm, đồng...), những kim loại nặng này có thể ảnh hưởng đến môi trường đất, nước. Hàm lượng kim loại nặng phụ thuộc rất nhiều vào khu vực khai thác, song không thể quy chụp tất cả các chất thải rắn từ khai thác than đều chứa kim loại nặng.

Trong quá trình khai thác than nhất là khai thác than hầm lò sẽ phát sinh nước mỏ than. Trong than bao giờ cũng chứa lưu huỳnh, khi gặp nước sẽ chuyển thành acid. Và acid có khả năng hòa tan một số kim loại nặng hoặc một số chất hữu cơ đặc biệt. Nếu chất thải mỏ có chứa nước mỏ thì rất nguy hiểm, tuyệt đối không được sử dụng khi chưa qua xử lý và chứng minh là an toàn.

Trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương là phải lấy mẫu đất đá thải mỏ đi phân tích, chứng minh xem trong đó có những chất gì? Những chất đó có chất nào gây ô nhiễm môi trường hay không? Hàm lượng bao nhiêu? Có ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân hay không? Người dân có quyền bày tỏ sự lo lắng còn trách nhiệm của cơ quan quản lý và chủ đầu tư là công khai thông tin, số liệu phân tích, để chứng minh cho người dân thấy việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp là an toàn với môi trường và hệ sinh thái", ông Bái lưu ý.

Bên cạnh đó, theo Chủ tịch VRCC, ngoài việc phân tích mẫu đất đá thải mỏ, tỉnh Quảng Ninh cần phải kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ lại quá trình sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp trên địa bàn trong thời gian qua để có một cái nhìn tổng quan, tránh những hệ lụy tiêu cực trong tương lai.

Dùng đất đá thải mỏ san lấp ở Quảng Ninh: Người dân có quyền bày tỏ sự lo lắng (Bài 6) - Ảnh 2
Khu Đô thị Dragon City với diện tích lớn đang tiến hành san lấp mặt bằng giai đoạn 2.

Nhìn nhận sự việc một cách thận trọng, PGS.TS Nguyễn Tác An - nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển. Do đó, cần phải cân nhắc giữa cái lợi và cái hại của việc sử dụng đất đá thải mỏ để san lấp lấn biển. Có thể nó sẽ tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, cũng có thể nó sẽ mang đến những hệ lụy tiêu cực về lâu dài.

"Việt Nam có đường bờ biển dài, giàu tiềm năng phát triển tổng hợp kinh tế biển. San lấp, lấn biển là cả một bài toán lớn, để nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc, thỏa đáng thì cần phải có những nghiên cứu, tính toán, đánh giá cụ thể trong nhiều năm. Không thể làm việc một cách hời hợt, đánh giá chung chung, mơ hồ một vấn đề quan trọng", PGS.TS Nguyễn Tác An nhấn mạnh.

Nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang khẳng định, chỉ đạo của Nhà nước về vấn đề biển là cực kỳ quan trọng. Và khi có được chiến lược thì sẽ có chính sách đi kèm phù hợp và giải quyết được các vấn đề phức tạp.

PGS.TS Nguyễn Tác An là một nhà khoa học, một nhà hải dương học xuất sắc của Việt Nam. Năm 2014 ông được Ủy ban Hải dương học liên chính phủ (IOC/WESTPAC) vinh danh là một trong năm nhà khoa học hải dương xuất sắc nhất thế giới trong 20 năm qua. Ông cũng có tên trong từ điển danh nhân thế giới.

PGS.TS Nguyễn Tác An từng nói: “Đừng bao giờ xem biển là cái kho vô tận, muốn khai thác bao nhiêu cũng được. Và cũng đừng bao giờ xem biển như thùng rác không đáy, muốn đổ gì xuống cũng được. Không thể dùng tư duy, chính sách trên đất liền để áp ra đại dương mà khai thác, sử dụng biển thế nào cũng được!”.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin ở nhiều góc nhìn đa chiều và mang tính khoa học sâu rộng hơn!

Hoàng Hải

Bạn đang đọc bài viết Dùng đất đá thải mỏ san lấp ở Quảng Ninh: Người dân có quyền bày tỏ sự lo lắng (Bài 6). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới