Doanh nghiệp cần thay đổi và thích ứng, hướng tới xuất khẩu xanh
Doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi và thích ứng với các tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững để hướng đến xuất khẩu xanh.
Phát triển xanh, bền vững là xu thế tất yếu
Phát triển bền vững đã trở thành một xu thế của thời đại, định hướng chiến lược phát triển của mỗi quốc gia. Trong đó, phát triển bền vững về kinh tế được là coi là trụ cột nền tảng, là tiền đề để thực hiện phát triển về xã hội và bảo vệ môi trường. Tăng trưởng xanh và bền vững không chỉ là một xu hướng tất yếu mà đã trở thành điều kiện tiên quyết để duy trì năng lực cạnh tranh và bảo đảm sự phát triển lâu dài của các nền kinh tế. Những chính sách quan trọng như Thỏa thuận xanh châu Âu (European Green Deal), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030 đang có ảnh hưởng lớn đến phương thức tăng trưởng, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trên thế giới. Các chính sách này không chỉ tập trung vào mục tiêu giảm phát thải mà còn đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe hơn về trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, yêu cầu các nước xuất khẩu phải thay đổi phương thức sản xuất và cách tiếp cận để đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao.
Chính phủ Việt Nam đã lồng ghép các chỉ tiêu phát triển bền vững vào tất cả chiến lược phát triển kinh tế-xã hội. Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững được tổng kết hàng năm để đánh giá những tiêu chí, công việc đã làm được, cũng như các thách thức đặt ra.
Doanh nghiệp chính là chủ thể khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và xả thải chủ yếu, lớn nhất ra môi trường, nên có vai trò quan trọng trong nền kinh tế xanh. Chiến lược xanh hóa sản xuất để cung cấp ra môi trường các sản phẩm, dịch vụ xanh là yêu cầu để phát triển bền vững không chỉ cho chính doanh nghiệp mà còn cho xã hội, cho tương lai không chỉ trong một quốc gia mà còn cho toàn nhân loại. Chỉ khi nào doanh nghiệp áp dụng quá trình sản xuất xanh tạo ra sản phẩm, dịch vụ xanh và được người tiêu dùng “xanh” thì nền kinh tế sẽ trở nên xanh. Khi đó, tài nguyên sẽ được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, môi trường được giữ gìn, bảo vệ; chất lượng cuộc sống con người được nâng cao. Như vậy, có thể thấy, doanh nghiệp xanh đóng vai trò nòng cốt và là tế bào của nền kinh tế xanh.
Thay đổi để thích ứng, hướng tới xuất khẩu xanh
Xuất khẩu hàng hoá xanh và bền vững đang trở thành một trong những mô hình được nhiều doanh nghiệp Việt hướng tới, nhằm đáp ứng các yêu cầu mới, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới, đồng thời góp phần nâng cao vị thế quốc gia, hiện thực hóa cam kết đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Đối với tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đối với việc thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam, ông Quách Quang Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, các FTA mà Việt Nam hiện đang tham gia như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) không chỉ mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam mà còn yêu cầu các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường khắt khe hơn.
Điều này đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong việc duy trì lợi thế cạnh tranh về giá trong khi vẫn phải tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường quốc tế. Chính vì vậy, việc chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh không chỉ là một xu thế mà còn là một yêu cầu tất yếu để doanh nghiệp Việt có thể hội nhập và phát triển bền vững trong môi trường kinh tế toàn cầu.
Về CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), TS. Nguyễn Phương Nam, chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên hợp quốc (UNFCCC) cho rằng, mục tiêu của CBAM là nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến vấn đề “rò rỉ carbon” của EU; giải quyết thách thức liên quan đến bất lợi trong khả năng cạnh tranh của một số ngành công nghiệp trong EU và đảm bảo mục tiêu phát thải ròng của EU không bị suy yếu.
Ở giai đoạn chuyển tiếp (từ tháng 10/2023-12/2025), 6 ngành hàng của Việt Nam sẽ chịu tác động từ CBAM, trong đó lớn nhất là sắt thép, xi măng, phân bón và nhôm, theo thiết kế chính sách, giai đoạn triển khai (2026-2030) sẽ loại bỏ dần phân bổ miễn phí và từ năm 2034 sẽ vận hành đầy đủ.
Về cơ bản một số ngành hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi CBAM cả trong ngắn và dài hạn. Đáng nói, không chỉ EU mà các quốc gia khác như Mỹ, Canada… đã và sẽ áp dụng các quy định xanh trong xuất nhập khẩu.
Do vậy, để ứng phó thích hợp với các tiêu chuẩn xanh trong xuất nhập khẩu, TS. Nguyễn Phương Nam khuyến nghị: Doanh nghiệp cần đa dạng hoá đối tác thương mại; đánh giá rủi ro và lập kế hoạch các kịch bản, xây dựng chiến lược giảm lượng carbon; tham gia vào các dự án Bù đắp carbon; đánh giá mức độ thâm dụng carbon; đầu tư vào đổi mới sáng tạo và công nghệ và tham gia vào các sáng kiến hợp tác công nghiệp.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, về phía Bộ Công Thương đã đẩy mạnh tuyên truyền các quy định mới về tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững... nhằm giúp doanh nghiệp có bước chuẩn bị hiệu quả và tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu trong tương lai.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các tổ chức quốc tế, cơ quan liên quan để thiết kế các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hiệp hội, nhằm tuân thủ các quy định cạnh tranh để phát triển bền vững của các thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần ưu tiên huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh. Đặc biệt, tăng cường năng lực, nâng cao khả năng về hấp thụ tài chính xanh, sử dụng các công nghệ xanh để đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi năng lượng sang nền kinh tế tuần hoàn.
Duy Khánh