Chủ nhật, 24/11/2024 04:32 (GMT+7)
Thứ sáu, 20/03/2020 11:47 (GMT+7)

Doanh nghiệp dệt may điêu đứng khi EU kiểm soát nhập khẩu vì Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Các doanh nghiệp lo ngại các biện pháp kiểm soát dịch của EU sẽ ảnh hưởng đến đơn hàng xuất khẩu, tốc độ luân chuyển hàng hóa...

Doanh nghiệp không kịp xoay sở

Trước diễn biến dịch Covid-19 ngày càng nghiêm trọng, ngày 17/3, lần đầu tiên Lãnh đạo của tất cả các quốc gia thành viên EU đã thống nhất với đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) thông qua một kế hoạch chung đóng cửa biên giới khu vực lãnh thổ EU nhằm ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.

Quy định kiểm soát dịch bệnh này của EU trước mắt có thể chưa tác động trực diện đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU. Tuy nhiên, xét trên một số khía cạnh kinh tế, các biện pháp kiểm soát dịch trên thực tế sẽ ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu xuất khẩu, vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ đến tiêu thụ hàng hóa; gây gián đoạn hoặc làm chậm trễ dòng chảy kinh tế - thương mại - dịch vụ.

Doanh nghiệp dệt may điêu đứng khi EU kiểm soát nhập khẩu vì Covid-19 - Ảnh 1
Chủ động nguồn nguyên phụ liệu là nỗ lực lớn của các DN dệt may trong bối cảnh dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, lượng cung - cầu của thị trường; nhu cầu trao đổi hàng hóa; các hoạt động giao thương giữa EU với các đối tác trong đó có Việt Nam cũng sẽ phần nào bị hạn chế đối với nhu cầu mua sắm hàng hóa không quá thiết yếu như hàng dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại,…

Động thái mới từ phía EU đã khiến cho các doanh nghiệp (DN) dệt may lo ngại khi ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các DN và đời sống của người lao động. Đặc biệt, trong bối cảnh bùng phát của dịch Covid-19 đang lan rộng toàn cầu, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất của ngành này còn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Đình Lập, Phó TGĐ Công ty TNHH Trường Phúc (Ân Thi, Hưng Yên) cho rằng, động thái này của EU sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các DN may của Việt Nam. Hiện tại, đã có nhiều khách hàng huỷ đơn hàng đã đặt hàng từ trước, thậm chí nhiều đơn hàng đang trong quá trình sản xuất cũng buộc phải dừng lại. Động thái này từ phía các đối tác là vô cùng đột ngột khiến DN không xoay sở kịp, rất có thể sẽ dẫn tới việc thiếu hụt việc làm và nhiều công nhân tạm thời sẽ phải nghỉ việc.

“Diễn biến của dịch Covid-19 phức tạp đã khiến DN trong thời gian qua gặp khó khăn về đơn hàng và nguồn nguyên phụ liệu, DN đã phải cầm cự chờ hết dịch và thực sự chưa có giải pháp hữu hiệu trong thời gian tới. Nếu các thị trường khác cũng tiếp tục không nhập khẩu sẽ khiến khó khăn chồng chất và DN sẽ phải dừng hoạt động, thậm chí phá sản. Trong bối cảnh này, DN dù thiếu việc làm, nhiều công nhân phải tạm nghỉ việc song DN vẫn hỗ trợ công nhân tới 70% lương để đảm bảo đời sống. Qua đây, DN cũng mong muốn và kiến nghị Chính phủ có biện pháp hỗ trợ ngừng thu lãi vay của ngân hàng và dừng tất cả các loại thuế, phí trong năm 2020”, ông Lập mong muốn.

Làm sao đảm bảo đời sống người lao động?

Thời gian qua, để trụ vững trong điều kiện dịch đã là một sự cố gắng rất lớn của nhiều DN hiện nay. Nhất là khi hoạt động của ngành này còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên phụ liệu cũng như thị trường nhập khẩu. Vậy nên, khi có bất cứ biến động nào từ các thị trường cũng đều có ảnh hưởng lớn. Điều này dễ hiểu bởi khi sản xuất của hàng chục nghìn DN bị ngưng trệ sẽ ảnh hưởng tới hàng triệu lao động trong nước.

Doanh nghiệp dệt may điêu đứng khi EU kiểm soát nhập khẩu vì Covid-19 - Ảnh 2
Gặp khó về thị trường xuất khẩu khiến hàng triệu người lao động ngành dệt may có nguy cơ thiếu việc làm. (Ảnh minh họa)

Ông Thân Đức Việt, TGĐ Tổng công ty CP May 10 nhìn nhận, động thái mới từ phía EU thực sự sẽ tạo ra khó khăn kép cho DN bởi thị trường này chiếm đến 30 – 40% lượng hàng xuất khẩu của DN. Ngay trong tháng 2 vừa qua, các DN vừa phải lo nhập khẩu nguyên phụ liệu để đảm bảo sản xuất được liên tục, đến nay khi có đủ nguyên phụ liệu lại bị hạn chế bởi việc xuất khẩu sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất khẩu của May 10 vào 2 thị trường này.

“Nếu việc tạm ngừng nhâp khẩu mặt hàng dệt may xảy ra ở tất cả các thị trường thì tổn thất cho các DN sẽ rất lớn. Lúc này, nhà nước ngoài chính sách giảm lãi, giảm thuế, giãn nợ có lẽ nên hỗ trợ tiền lương cho người lao động ở các DN sử dụng nhiều lao động như ngành may mặc, da giầy giống như việc chính phủ Mỹ, chính phủ Đức hỗ trợ và phát tiền trợ cấp cho người dân và người lao động bị thất nghiệp”, ông Việt đề xuất.

Đánh giá về việc này, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) khẳng định, hiện nay, một số DN chưa thống kê cụ thể về số lượng dây chuyền sản xuất nhưng đã có nhiều đối tác cắt đơn hàng lên tới hàng triệu sản phẩm.

Theo ông Cẩm, thời gian qua, các DN dệt may đã gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nguyên phụ liệu, nay nguồn này đã được cải thiện lại gặp vấn đề về thị trường nhập khẩu. Dù tình trạng này có thể chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng cũng sẽ gây rất khó khăn rất lớn đối với các DN dệt may.

“Hiệp hội Dệt may kiến nghị với Nhà nước, Chính phủ và các Bộ, ngành cần có động thái hỗ trợ cho các DN sử dụng nhiều lao động trong ngành dệt may. Theo như Bộ Lao động - Thương binh và Xã đã đề xuất với Chính phủ vừa qua, cho phép DN có thể ngừng đóng bảo hiểm xã hội, hoặc sử dụng một phần quỹ bảo hiểm DN đã đóng, bảo hiểm xã hội đang quản lý để trả lượng cho người lao động. Bên cạnh đó, để giúp DN dệt may trụ vững, Chính phủ cần có gói hỗ trợ để DN phòng ngừa tình huống bất lợi kéo dài, khi các DN không thể sản xuất để tạo ra doanh thu nhưng lại không thể cho người lao động nghỉ việc”, ông Cẩm nói.

Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, từ nhiều năm qua, thị trường Mỹ có sự áp đảo về thị phần với nhóm hàng dệt may xuất khẩu. Đơn cử như năm 2019, xuất khẩu dệt may vào Mỹ đạt 14,85 tỉ USD, tăng 8,4% so với năm 2018 và chiếm đến 45,2% kim ngạch xuất khẩu dệt may cả nước.

Trong 2 tháng đầu năm, dệt may đạt gần 2,25 tỉ USD là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Mỹ, đồng thời đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng dệt may.

Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thành viên EU chiếm gần 11% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Hàng loạt các nhóm hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam đều đang duy trì được kim ngạch hàng tỉ USD trong năm 2019 tại EU như dệt may; giày dép; nông sản; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng…

Nguyễn Quỳnh

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp dệt may điêu đứng khi EU kiểm soát nhập khẩu vì Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới