Chủ nhật, 24/11/2024 10:41 (GMT+7)
Thứ hai, 14/12/2020 16:02 (GMT+7)

Doanh nghiệp tư nhân ‘rộng cửa’ đầu tư vào năng lượng

Theo dõi KTMT trên

Nghị quyết 55 đã khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng.

Ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55).

Các chuyên gia cho rằng, Nghị quyết 55 có nhiều chính sách đột phá phát triển năng lượng quốc gia như ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững; rà soát, bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đặc thù cho một số dự án năng lượng quan trọng, đặc biệt các dự án đầu tư nguồn điện cấp bách.

Nghị quyết 55 khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực phát triển năng lượng. Nghị quyết đã đưa ra các định hướng quan trọng, nguyên tắc mục tiêu để xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi minh bạch, thông thoáng cho tư nhân tham gia đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng.

Doanh nghiệp tư nhân ‘rộng cửa’ đầu tư vào năng lượng - Ảnh 1
Nghị quyết 55 khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào năng lượng.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phó trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực cho biết, dự báo từ nay đến năm 2030, nhu cầu điện tại Việt Nam sẽ tăng bình quân khoảng 7,5-8%/năm.

Do đó, từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam cần trung bình khoảng 7.500 MW công suất nguồn điện mới, với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 7-8 tỉ USD/năm, chứng tỏ thị trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong ngành điện là thực sự tiềm năng.

Đặc biệt mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 55 về định hướng, chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Nghị quyết khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng.

Thực tế, suốt thời gian qua, khu vực tư nhân đã bước đầu tham gia vào phát triển năng lượng, song kết quả còn tương đối khiêm tốn.

Trong số ít doanh nghiệp đặt chân vào lĩnh vực tuy đầy tiềm năng nhưng có không ít thách thức này, Tập đoàn Geleximco được nhận định là đơn vị đi đầu với Nhà máy điện Thăng Long.

Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long do Công ty cổ phần Nhiệt điện Thăng Long thuộc Tập đoàn Geleximco làm chủ đầu tư được xây dựng trong thời gian kỷ lục 3 năm. Đây là dự án nhà máy nhiệt điện công suất 600 MW đầu tiên ở Việt Nam do tư nhân thực hiện và đã chính thức hòa lưới điện cả 2 tố máy trong năm 2018.

Nhà máy được áp dụng công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn, được xem là một trong những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới với lò hơi theo thiết kế và công nghệ chế tạo của hãng Alstom (Pháp); hệ thống đo lường và điều khiển của nhà máy được chế tạo và cung cấp từ Yokogawa (Nhật Bản) và một số nước G7.

Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường và xử lý tro thải nhiệt điện, sử dụng hệ thống lọc bụi tĩnh điện, thu giữ bụi để đảm bảo hiệu quả thu bụi từ 90 - 99%. Nhà máy cũng được trang bị hệ thống xử lý các loại nước thải khác nhau, sử dụng công nghệ xử lý nước nhiễm than, nhiễm dầu…

Doanh nghiệp tư nhân ‘rộng cửa’ đầu tư vào năng lượng - Ảnh 2
Xóa bỏ rào cản, độc quyền để tư nhân.

Sau khi hoàn thành Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long, Tập đoàn Geleximco đã tính tới việc phát triển đường dài trong lĩnh vực năng lượng với những dự án mới. Đại diện Geleximco cho biết trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ đầu tư 2 nhà máy điện rác để vừa giải quyết vấn đề rác thải tại các đô thị lớn, vừa đảm bảo có thêm nguồn điện phục vụ sản xuất và tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam, Nghị quyết 55 được xem là "đòn bẩy" để phát triển năng lượng Việt Nam, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển nguồn năng lượng. Đồng thời, xóa bỏ rào cản, độc quyền để tư nhân tham gia vào lĩnh vực truyền tải.

Tuy nhiên, ông Tiến cũng đặt ra vấn đề "đòn bẩy" có rồi nhưng cần phải có "điểm bẩy". Điểm bẩy ở đây chính là hành lang pháp lý và việc các Bộ, ngành tham gia đồng hành cùng doanh nghiệp tư nhân.

"Có đòn bẩy đồng nghĩa với việc cánh cửa cho tư nhân đã mở toang nhưng tư nhân đi vào mà không biết đi bằng lối nào thì cũng rất sợ. Chính vì thế, doanh nghiệp mong Chính phủ, các Bộ, ngành có hành lang pháp lý, các điều kiện cần và đủ để cho tư nhân tham gia vào truyền tải năng lượng".

Trong khi đó, ông Nguyễn Hải Vinh, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo BIM thuộc Tập đoàn BIM Group chia sẻ, Nghị quyết 55 có 2 điểm khiến nhà đầu tư tâm đắc là đã tạo điều kiện cho tư nhân tham gia sâu hơn vào phát điện và nghiên cứu cho tư nhân đầu tư vào truyền tải điện. Để hiện thực hóa chủ trương này, ông Vinh cho rằng, cần có hướng dẫn cụ thể, trong đó có vấn đề đảm bảo sự công bằng giữa các nhà đầu tư tư nhân với nhau và với các thành phần kinh tế khác.

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp tư nhân ‘rộng cửa’ đầu tư vào năng lượng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới