Chủ nhật, 24/11/2024 10:44 (GMT+7)
Thứ hai, 23/05/2022 06:56 (GMT+7)

Doanh nghiệp vận tải "khó trụ" giữa cơn bão giá xăng dầu

Theo dõi KTMT trên

Doanh nghiệp vận tải hành khách hiện nay đang liên tiếp hứng chịu những "đòn nặng" khi xăng dầu liên tục lập đỉnh kỷ lục. Nhiều doanh nghiệp vận tải chấp nhận bán xe, chuyển công việc khác vì không chịu nổi.

Đợt bùng phát mạnh nhất của dịch bệnh Covid-19 bắt đầu vào cuối năm 2021 và kéo dài sang tận đầu năm 2022. Dịch bệnh bùng phát đã khiến nhiều doanh nghiệp vận tải nói chung và vận tải hành khách đường bộ nói riêng phải tạm dừng hoạt động.

Sau “cơn bão” Covid-19 thật sự lắng xuống, hoạt động vận tải hành khách đường bộ mới từng bước lấy lại được đà phát triển. Trong khoảng 1 - 2 tháng trở lại đây, các nhà xe đã bắt đầu hoạt động rôm rả hơn, lượng khách trên xe được lấp đầy hơn.

Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, đến nay, lượng khách di chuyển từ các khu vực Đồng bằng đến Trung du miền núi đạt 80 - 90% so với trước dịch, khách đi từ các tỉnh đến những trung tâm lớn như Hà Nội, TP.HCM tăng nhưng ít hơn.

Riêng các chuyến xe liên tỉnh xuất phát từ Hà Nội, TP.HCM đạt 30% trong các ngày thường và tăng lên 80 - 90% trong dịp Lễ 30/4 - 1/5 vừa qua. Trong khi đó, số lượng xe của các công ty ký hợp đồng vận tải tuyến cố định vào các bến vẫn còn từ 10 - 20% chưa quay lại hoạt động.

Chưa kịp mừng vì sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 được bao lâu, các doanh nghiệp vận tải lập tức phải đối mặt với một “cơn bão” mới. Đó chính là “bão giá” nhiên liệu, mà cụ thể là giá xăng, dầu. Trong khoảng 2 - 3 tháng trở lại đây, giá xăng, dầu liên tục tăng phi mã và liên tiếp tự phá “kỷ lục”.

Doanh nghiệp vận tải "khó trụ" giữa cơn bão giá xăng dầu - Ảnh 1
Giá xăng dầu liên tiếp tăng cao kỷ lục khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. 

Chi phí bị đội cả tỷ đồng

Là doanh nghiệp có quy mô sử dụng đội xe và các trang thiết bị nâng hạ ở cảng biển khá lớn, ông Trương Nguyên Linh - Phó Tổng Giám đốc Công ty liên doanh Phát triển tiếp vận số 1 cho biết, mỗi tháng sử dụng hơn 200.000 - 300.000 lít dầu.

"Tình hình giá xăng dầu đang căng quá, chi phí nhiên liệu của chúng tôi bị đội lên hàng tỷ đồng mỗi tháng. Doanh nghiệp phải tăng giá dịch vụ ở một mức vừa phải để bù đắp chi phí tăng thêm của nhiên liệu" - ông Linh nói.

Còn ông Đỗ Văn Thắng - Tổng Giám đốc Công ty CP Bưu chính Việt Nam (Vintrans) cho biết, với quy mô hơn 200 đầu xe chuyển phát bưu chính, giá nhiên liệu tăng lên gần 30.000 đồng/lít là áp lực rất lớn với doanh nghiệp trong ngành logistics. Do đó, ban lãnh đạo công ty đã họp bàn phương án thích ứng với giá xăng dầu mới. "Dự tính đợt này công ty sẽ tăng thêm 5-7% giá cước vận chuyển" - ông Thắng nói.

Theo phương án kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics, giá nhiên liệu dầu trong năm 2022 ước tính khoảng 12.000 - 16.000 đồng/lít. Thế nhưng sau đợt điều chỉnh chiều 11-5 vừa qua, giá dầu đã lên mức 26.740 đồng/lít, tăng hơn 10.000 - 12.000 đồng/lít so với tính toán ban đầu của doanh nghiệp.

Trong khi đó, đối với hoạt động logistics đường bộ, chi phí nhiên liệu chiếm lớn nhất, vào khoảng 35 - 40% chi phí vận hành các loại xe container, xe tải nặng, chưa kể phí BOT và nhiều loại thuế phí khác. Trong khi hợp đồng vận tải thường kỳ theo tháng, quý, thậm chí theo năm căn cứ vào giá nhiên liệu ước đoán đầu năm.

Vì vậy, khi kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày càng ngắn, các doanh nghiệp vận tải bị động trong việc cân đối chi phí kinh doanh. Doanh nghiệp có lượng tiêu thụ xăng dầu càng lớn sẽ càng lỗ nặng.

Khó có thể "vực dậy"

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, vận tải hành khách đang trong giai đoạn khó khăn, khi gá xăng, dầu lại tăng nên để cân đối thu chi, doanh nghiệp vận tải sẽ phải điều chỉnh, tính toán mặt bằng giá cước mới. Giá cước tăng cao sẽ tác động đến giá cả hàng hóa, dịch vụ vì doanh nghiệp sản xuất sẽ phải tính vào cơ cấu giá thành.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp sức hỗ trợ, nhà xe đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tăng cường kết nối giữa nhà xe và hành khách qua hình thức bán vé qua mạng, thanh toán điện tử, vé điện tử, cấp lệnh xe chạy điện tử. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh kiểm tra, xử lý xe hợp đồng trá hình, xe chạy dù đón khách ngoài bến để đảm bảo ATGT và tạo môi trường vận tải công bằng.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, tác động tiêu cực của giá xăng, dầu tăng cao không chỉnh hướng đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của các doanh nghiệp vận tải hành khách mà còn tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Đây sẽ là rào cản rất lớn cho nền kinh tế quốc gia trong bối cảnh kinh tế Việt Nam mới đang bước vào giai đoạn dần phục hồi.

Bão giá xăng, dầu chính là trở ngại làm giảm tốc độ tăng trưởng, cạnh tranh của các mặt hàng, nhất là khi nước ta mới bắt đầu mở cửa, khởi động lại hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thông vận tải, du lịch.

“Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng, dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước. Do vậy khả năng phục hồi sản xuất của các doanh nghiệp và tốc độ tăng trưởng kinh tế bị tác động nghiêm trọng” - PGS.TS Ngô Trí Long nói, và cho rằng, hoạt động vận tải mới bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc trở lại mà phải đối mặt ngay với việc xăng, dầu tăng giá nên khó khăn sẽ rất lớn. Do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải để họ có thể đứng vững trong giai đoạn khó khăn này.

Giá xăng có thể tiếp tục tăng, lập kỷ lục mới

Theo dữ liệu của Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 19/5 cho thấy, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore tiếp tục có xu hướng tăng cao.

Cụ thể, xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) có giá bình quân ở chu kỳ mới khoảng 141,85 USD/thùng. Còn xăng RON 95 là khoảng 146,25 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu lại có xu hướng ngược chiều.

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu dự báo, giá xăng trong kỳ điều chỉnh ngày mai có thể sẽ được cơ quan điều hành tăng khoảng 400-600 đồng mỗi lít, còn giá dầu giảm khoảng 600-800 đồng/lít/kg tùy loại.

Theo tính toán của người này, mức giá cơ sở của xăng các loại hiện đang âm so với giá thế giới khoảng 950-1.080 đồng/lít. Giá xăng dầu trong nước thời gian tới sẽ tiếp tục tác động từ những biến động khó đoán trên thị trường thế giới.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp vận tải "khó trụ" giữa cơn bão giá xăng dầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới