Chủ nhật, 24/11/2024 10:13 (GMT+7)
Thứ sáu, 09/10/2020 17:14 (GMT+7)

Đổi tên xe buýt thành 'xe khách thành phố': Có thực sự cần thiết?

Theo dõi KTMT trên

"Đổi tên là không cần thiết và hơn nữa xe buýt nó là một thuật ngữ riêng của ngành vận tải hành khách rồi nên đổi tên nó không có ý nghĩa gì và chính ra đổi tên sẽ làm cho người ta khó hiểu hơn", chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy nêu quan điểm.

Trao đổi với báo chí xung quanh những ồn ào về đề xuất đổi tên xe buýt thành “xe khách thành phố”, đại diện Bộ GTVT cho biết, dự thảo luật Giao thông đường bộ quy định 3 loại hình kinh doanh vận tải hành khách gồm: xe hợp đồng, xe taxi và xe buýt. Trong đó, xe buýt chia làm 2 loại là xe buýt nội đô và xe buýt liên tỉnh.

Tên gọi xe buýt vẫn giữ nguyên, song xét về loại hình phương tiện kinh doanh thì xe buýt nội đô sẽ là loại xe ô tô khách thành phố theo QCVN 2015, chứ không phải thay đổi tên xe buýt sang xe khách thành phố. Luật Giao thông đường bộ trước đây không quy định cụ thể loại hình phương tiện với xe buýt, song với dự thảo luật Giao thông đường bộ sửa đổi chỉ nói rõ hơn về quy định phương tiện loại hình vận tải là xe buýt”, đại diện Bộ GTVT khẳng định.

Đổi tên xe buýt thành 'xe khách thành phố': Có thực sự cần thiết? - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Cụ thể, trong Quy chuẩn 6211:2003 về phương tiện giao thông đường bộ do Bộ Khoa học - Công nghệ ban hành năm 2003, ô tô khách thành phố (urban bus) được định nghĩa là loại hình “được thiết kế và trang bị để dùng trong thành phố và ngoại ô; loại ô tô này có các ghế ngồi và chỗ đứng cho hành khách; cho phép hành khách di chuyển phù hợp với việc đỗ xe thường xuyên”.

Tại QCVN 10:2015/BGTVT về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô khách thành phố, cũng quy định “xe ô tô khách thành phố (urban bus) là xe ô tô khách được thiết kế và trang bị để dùng trong thành phố và ngoại ô, loại xe ô tô này có bố trí các ghế ngồi và chỗ đứng cho khách, cho phép khách di chuyển phù hợp với việc dừng, đỗ xe thường xuyên”.

Dù Bộ GTVT lý giải như trên, tuy nhiên, nhiều ý kiến dư luận băn khoăn: Có cần thiết phải chú trọng vào việc đổi tên này khi nó tạo nên những lùm xùm không cần thiết. Bởi để tên “xe buýt” hay “xe khách thành phố” thì vẫn là loại hình vận tải hành khách công cộng như vậy. Tên gọi không giúp loại hình này được cải thiện tốt hơn.

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Pháp luật Plus, ông Nguyễn Xuân Thủy, Chuyên gia giao thông cho hay: "Theo ý kiến của tôi thì đổi tên hay đổi gì cũng được nhưng phải xem việc đổi tên nó có tác dụng gì? Cái tên nó không tạo ra bước ngoặc và không có ý nghĩa lớn - đó là cái thứ  nhất.

Thứ hai, trên thế giới người ta đã gọi là xe buýt cả rồi, xe buýt có 2 loại : xe buýt liên tỉnh (đường dài) và xe buýt thành phố thì những cái đó nó đi theo tuyến rồi nên không cần phải đổi tên thành xe khách đường phố nữa.

Tôi nghĩ, việc đổi tên là không cần thiết và hơn nữa xe buýt nó là một thuật ngữ riêng của ngành vận tải hành khách rồi nên đổi tên nó không có ý nghĩa gì và chính ra đổi tên sẽ làm cho người ta khó hiểu hơn và cũng không cần "trung ương" hoá cái tên đó lên, vì xe buýt là một thuật ngữ chung để chở khách và cái tên nó quá chuyên dụng rồi".

"Cái người dân cần là xe thật tốt, đi lại đúng giờ, mạng lưới xe hợp lý và tạo thuận lợi trong việc đi lại chứ cái tên không cần thiết phải đổi đi đổi lại tên gọi không mang lại tác dụng gì" - ông Thủy cho biết.

Theo thống kê, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng hành khách của xe buýt ở Hà Nội không cao, chưa đến 1% so với năm 2018, do tỷ lệ chậm chuyến của xe buýt từ 10-20 phút/lượt vẫn còn chiếm tới 50-60%/tổng số chuyến, tốc độ trung bình xe buýt Hà Nội chỉ còn dưới 20 km/giờ. Trong khi đó tại TP.HCM, xe buýt cũng đứng trước nguy cơ “vỡ trận” khi số lượng hành khách ngày càng ít, dẫn tới thua lỗ nên các đơn vị chạy xe buýt phải giảm chuyến, bỏ tuyến.

Nguyên nhân đã được chỉ ra do hạ tầng vận tải công cộng cho xe buýt cũng chưa được đáp ứng đầy đủ, đồng bộ khi thiếu quỹ đất, điểm đầu cuối, trung chuyển, làn đường dành riêng cho xe buýt; tỷ lệ nhà chờ thấp… hạn chế khả năng tiếp cận điểm dừng của hành khách, thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt chưa chuyên nghiệp... Bên cạnh đó, sự phát triển của nhiều loại hình vận tải khác dẫn đến một thực trạng, xe buýt mới chỉ chiếm khoảng 12% nhu cầu vận tải hành khách của Thủ đô.

Dẫn ví dụ trên để thấy rằng, thay vì chú trọng tên gọi xe buýt thế nào, ngành GTVT cần đưa ra những giải pháp hiệu quả để phát triển loại hình dịch vụ công cộng lẽ ra phổ biến mà lại đang “lâm nguy” này.

Đây cũng không phải lần đầu tiên Bộ GTVT sa đà vào những vấn đề “thay tên đổi họ” cho những loại hình dịch vụ trong lĩnh vực của mình. Cách đây không lâu, chính cơ quan này trở thành tâm điểm của những chỉ trích khi hết lần này đến lần khác tìm cách đổi tên “trạm thu phí” thành “trạm thu giá” rồi sau đó là “trạm thu tiền”. Trong khi vào thời điểm đó (thậm chí là đến tận bây giờ), những vấn đề bất cập, sai phạm của các trạm thu phí BOT vẫn còn vô cùng nhức nhối. 

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Đổi tên xe buýt thành 'xe khách thành phố': Có thực sự cần thiết?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới