Đồng Nai: Cơ sở kinh doanh than bủa vây, người dân kêu trời vì bụi (Bài 1)
Không khí bị ô nhiễm bởi bụi than, đường xá bị băm nát, tai nạn giao thông trực chờ là hiện thực mà người dân tại tổ 13, khu phố Tân Lập, phường Phước Tân đang phải đối mặt hàng chục năm qua bởi các kho kinh doanh than trên địa bàn gây ra.
Bụi than bủa vây, dân biết kêu ai?
Những ngày cuối tháng 4/2023, Phóng viên (PV) Tạp chí Kinh tế Môi trường nhận được nhiều thông tin phản ánh từ người dân tại tổ 13, khu phố Tân Lập về tình trạng ô nhiễm bụi than từ các cơ sở kinh doanh than trên địa bàn. Sau khi nhận được các phản ánh của người dân, PV đã tìm đến khu vực trên và ghi nhận trực tiếp hoạt động kinh doanh và những tác động của các cơ sở này đến môi trường và cuộc sống người dân ở đây.
Khi PV đang tác nghiệp tại khu vực đường Bắc Sơn – Long Thành, anh T (một người dân sống tại khu vực) đã tiếp cận và chia sẻ nhiều bức xúc về tình trạng ô nhiễm khói bụi, ô nhiễm bụi than, hạ tầng giao thông bị băm nát và tình trạng tai nạn giao thông trực chờ mà người dân tại khu vực này đã và đang phải trải qua nhiều năm qua.
Sau đó, anh T đã dẫn PV mục sở thị cuộc sống nhuốm màu bụi than của gia đình anh đang phải đối mặt. Thực tế tại nhà anh T, bụi than bám đen lấy đồ dùng và các mặt hàng tạp hóa đang trưng bày và theo người dân, đó là sản phẩm của bụi than từ các kho than đóng trên địa bàn.
Anh T cũng cho biết, các kho than ở khu vực này đã tồn tại hàng chục năm nay. Kể từ khi các kho than có mặt tại đây, người dân rất bức xúc với tình trạng kinh doanh than gây ô nhiễm môi trường của các kho than này và đã nhiều lần kiến nghị đến chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Theo anh T, việc kinh doanh than đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và cuộc sống sinh hoạt của người dân. Không chỉ vậy, việc các phương tiện vận chuyển than liên tục ra vào cũng khiến hạ tầng giao thông xuống cấp và đoạn đường này cũng thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.
“Bụi than đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của gia đình tôi, đến 70%, bụi bặm bám vào hàng hóa, vào các vật dụng trong nhà khiến gia đình tôi phải lau chùi liên tục. Từ khi Công ty Phú Cường Thịnh về đây sản xuất, tôi cũng nhiều lần điện cho giám đốc, quản lý để nêu ra vấn đề nhưng cũng chỉ nghe cho xong việc, không có động thái gì khắc phục cho người dân. Nói chung người ta chỉ được phía của họ chứ không có quan tâm gì đến người dân và cũng không có hợp tác gì với người dân, nhiều khi mình nói ra thì người ta lại có động thái mang tính chất o ép, “mặt trái” và “mặt phải”.
Mong các cơ quan, ban, ngành sớm có những biện pháp quyết liệt để giải quyết tình trạng này. Mang tiếng một thành phố mà còn để tình trạng khói bụi như thế này, về nguyên tắc thì kho than hay vật liệu thì phải có khu để làm kho bãi, chứ không để kho bãi giữa khu dân cư trong thành phố làm ảnh hưởng đến người dân là không được. Nói chung là những kho bãi ở đây là làm trái pháp luật hết, bây giờ mà kiểm tra các kho bãi về giấy phép xây dựng thì chắc chắn không có, đất thì không có đóng thuế, tất cả là trái phép hết”, anh T bức xúc.
Tương tự, khi được hỏi về những tác động từ việc kinh doanh than của Công ty than Đông Bắc đến cuộc sống gia đình, một người phụ nữ sống gần than này chia sẻ, bụi than từ Công ty Đông Bắc phát tán ra môi trường ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống. Công tác đảm bảo môi trường trong kinh doanh như tưới nước rửa đường, hạn chế bụi than, che chắn,… của Công ty này cũng không thường xuyên. Nhà có trẻ nhỏ nên rất lo ngại cho sức khỏe. Gia đình cũng nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương, tuy nhiên sau khi ghi nhận xong thì không thấy có thay đổi. Đồng thời, người này cũng cho biết đã có thông tin liên quan đến việc di dời kho than của Công ty Đông Bắc nhiều năm nhưng đến nay việc di dời vẫn chưa được thực hiện.
“Kinh doanh như thế này ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người dân xung quanh, ở nhà em bụi đâu có nấu ăn hay làm gì được đâu. Bụi qua cái là đen thui cả cái bếp, bụi đen của than chứ không phải là bụi bình thường, tạt qua cái là mịt mù như sương vậy đó. Lúc trước Công ty than Đông Bắc có cho xe ra tưới đường mỗi ngày một lần, có khi quên tưới thì nhà em nhắc rồi cũng ra tưới, nhưng cả năm nay là không thấy tưới gì nữa, không nói là không tưới luôn.
Như nhà em có trẻ nhỏ chưa đến tuổi đi học em cũng cho nó đi học luôn, để nó ở nhà bệnh thì tội nghiệp nó, đi học thì đỡ hít bụi đường, bụi than. Ở trong này có 6-7 công ty về hóa chất, gỗ nhưng duy nhất có công ty than này gây ảnh hưởng bụi bặm nhiều. Em cũng phản ánh về tình trạng ô nhiễm tại khu vực này nhiều lần rồi mà cũng không có thay đổi được gì, xe than thì chạy ầm ầm cả ngày lẫn đêm, bụi bám hết vào nhà, một ngày phải lau nhiều lần. Giờ mới mưa xong, thêm nữa đống than ít nên cũng đỡ hơn, chứ đống than cao mà có gió thì bay khắp nơi.
Tổ trưởng khu phố có vào đây lấy thông tin làm giấy, lập biên bản hỏi bên kho than bụi như thế nào, nhưng rồi cũng không có thấy gì, em chưa có thấy cơ quan nào xuống đây làm việc với kho than hết. Cứ nghe nói dời đi mà không thấy có động tĩnh gì cả, ý kiến nhiều không được cũng chán, không muốn nói nữa. Giờ chỉ mong kho này di dời sớm” – người dân chia sẻ.
Chấp nhận bán nhà vì không chịu được ô nhiễm?
Qua khảo sát thực tế của PV, hiện trên địa bàn khu phố Tân Lập tồn tại 3 kho bãi kinh doanh than các loại gồm: Kho than của Công ty CP Đầu tư Khoáng sản – Than Đông Bắc (Công ty Đông Bắc), Kho than chi nhánh Công ty khoáng sản than Bình Dung (Công ty Bình Dung) và Kho than chi nhánh Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Phú Cường Thịnh (Công ty Phú Cường Thịnh).
Mỗi kho bãi kinh doanh than của những công ty này đều có diện tích rộng hàng ngàn m2, bên trong chứa hàng trăm tấn than các loại và các phương tiện, thiết bị phục vụ việc phân loại, vận chuyển than.
Tiếp cận khu vực kho than của Công ty Phú Cường Thịnh rộng hàng ngàn m2 và nằm lọt thỏm giữa khu dân cư, PV ghi nhận được phía trong bãi có hàng chục công nhân và máy móc đang miệt mài phân loại, sàng và vận chuyển than. Thời điểm PV có mặt và ghi nhận, kho than của công ty này luôn trong tình trạng bụi than bám đen sì, những “núi than” được chất cao hàng chục mét tập kết trong nhà xưởng xập xệ, không được che chắn, bụi than thì phát tán liên tục ra môi trường.
Chỉ ít giờ có mặt, PV ngỡ ngàng trước hoạt động kinh doanh rầm rộ, xe ben, xe container di chuyển ra vào liên tục để vận chuyển than. Đáng nói, khi ra vào kho than, những phương tiện này không được xịt rửa thường xuyên, bụi than theo đó phát tán ra môi trường xung quanh. Do phải gánh lượng lớn phương tiện có tải trọng lớn ra vào liên tục nên đoạn đường qua khu vực cổng Công ty Phú Cường Thịnh đã xuống cấp nghiêm trọng, ổ voi, ô gà lởm chởm, bụi mù mịt.
Cũng trong tình trạng tương tự, hàng chục tấn than thuộc kho than Công ty Đông Bắc cũng không được che chắn, để lộ thiên. Phương tiện vận tải di chuyển nhiều khiến đường xá xuống cấp nghiêm và công tác đảm bảo môi trường cũng chưa được đơn vị này thực hiện nghiêm túc.
Theo ghi nhận của PV, Công ty Bình Dung ở địa chỉ tổ 13 khu phố Tân Lập trước đó từng bị người dân phàn nàn về việc kinh doanh than gây ô nhiễm môi trường thì hiện nay không còn tập kết, chế biến than. Mà thay vào là một pháp nhân thương mại khác có tên là Công ty TNHH TMDV Long Hương Phát và chuyển địa điểm tập kết, chế biến than đến một vị trí mới cách địa điểm cũ chừng vài trăm mét (vẫn thuộc địa bàn khu phố Tân Lập). Đáng nói, địa chỉ đăng ký làm trụ sở kinh doanh của Công ty TMDV Long Hương Phát này lại trùng với địa chỉ đăng ký kinh doanh với Công ty Bình Dung. Đồng thời, ở địa điểm kinh doanh mới, hoạt động kinh doanh than của Công ty TMDV Long Hương Phát cũng xuất hiện hàng loạt những dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật và tương tự với hiện trạng của kho than Công ty Đông Bắc và Công ty Phú Cường Thịnh đang tồn tại.
Thông tin đến PV, ông Nguyễn Thành Dân, nguyên tổ trưởng tổ 13, khu phố Tân Lập cho biết, hiện tại trên địa bàn có 3 đơn vị kinh doanh than hoạt động, nhưng có tới 5 bãi than. Trong đó, Công ty Phú Cường Thịnh 2 bãi; Công ty Bình Dung 2 bãi, nhưng 1 bãi tạm thời ngưng làm than và chuyển qua làm đá, hết sàng than giờ chuyển qua sàng đá, bụi đá màu trắng nên nhiều người dân cũng không có để ý; và còn lại 1 bãi than Công ty Đông Bắc.
“Thời gian đầu, mọi người họp với nhau để làm đơn, nhưng nộp đơn kéo dài mấy năm nay không có kết quả gì. Có nhiều hộ người ta nản đến mức độ bán nhà, bán đất đi nơi khác. Thậm chí, nhiều nhà kho than là bên trực tiếp mua lại, ai bán kho than mua, nói chung là ép giá thấp. Mình ở đây sống bụi bám, buôn bán bụi kiểu đó, ly cà phê pha xong bụi bám thì sao dám uống. Có quán cà phê bán gần 30 năm trời, kho than về cũng phải di dời, bán đất đi luôn và bên đó cũng do bên kho than mua lại. Rồi mấy hộ gần sát bên kho than Phú Cường Thịnh, mấy khu trọ là bên kho than mua lại hết luôn, nói chung ai bán là bên đó mua hết, mua để mở rộng ra và càng lúc càng mở rộng, lúc đầu thì nhỏ nhưng càng ngày càng lớn. Nghe nói mua rất là nhiều đất ở đây rồi, với tình trạng như thế này thì người dân phải bỏ đi hết, cho nên đó cũng là bức xúc của bà con.
Về nguyện vọng thì các kho than nên di dời đi, chứ lên thành phố rồi mà cứ để mấy kho than như thế này sao mà sống được, đó cũng là nguyện vọng của tất cả mọi người. Sẽ di dời các kho than tới một nơi phù hợp hơn, xa khu dân cư hơn để tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân” – ông Dân thông tin.
Để làm rõ những vấn đề mà người dân phản ánh, cuối tháng 4/2023 Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường đã liên hệ làm việc với các Công ty có kho than trên địa bàn Tân Lập và chính quyền địa phương các cấp từ UBND tỉnh Đồng Nai, TP.Biên Hoà. Riêng tại buổi tiếp nhận Giấy giới thiệu Tạp chí Kinh tế Môi trường vào ngày 20/4, ông Lê Kim Hường – Chủ tịch UBND phường Phước Tân, TP Biên Hòa cho biết sẽ sắp xếp thời gian để tiếp, làm việc và cung cấp cho PV những thông tin về vấn đề nêu trên trong thời gian sớm.
Tuy nhiên, đến nay đã hơn 2 tuần trôi qua nhưng chưa có đơn vị nào phản hồi về các thông tin mà người dân bức xúc.
Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong những bài viết tiếp theo.
Thanh Tùng - Vũ Thanh