Chủ nhật, 24/11/2024 05:37 (GMT+7)
Thứ bảy, 14/05/2022 13:30 (GMT+7)

Đồng Nai: Nan giải bài toán xử lý nước thải sinh hoạt do thiếu vốn

Theo dõi KTMT trên

Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, hiện toàn tỉnh mới chỉ có 1 trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại TP. Biên Hòa. Còn các đô thị khách hiện đang trong giai đoạn lập dự án khả thi, chờ nguồn vốn.

Khó khăn về nguồn vốn

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện có nhiều địa phương của tỉnh Đồng Nai đã có kế hoạch triển khai dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt nhưng lại gặp khó khăn về nguồn vốn. Việc chậm xây dựng các dự án này đã và đang làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước tại các sông, suối trên địa bàn.

Cũng theo Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, hiện tỉnh Đồng Nai chỉ TP. Biên Hòa có 1 trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Vậy nhưng, vì công suất nhỏ, chưa đầu tư được đường ống thu gom nước thải từ hộ gia đình nên trạm này chỉ bơm nước suối lên xử lý, xong lại xả ngược trở lại.

Đồng Nai: Nan giải bài toán xử lý nước thải sinh hoạt do thiếu vốn - Ảnh 1
Đồng Nai đặt mục tiêu sớm triển khai các dự án xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư để giam nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Thông tin về vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn, ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa cho biết, hiện Biên Hòa được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt 2 dự án xử lý nước thải sinh hoạt là Trạm xử lý nước thải số 1, công suất 9,5 ngàn m3/ngày đêm tại phường Hố Nai và Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP. Biên Hòa công suất 52 ngàn m3/ngày đêm tại  phường Tam Hiệp.

Theo Phó Chủ tịch TP. Biên Hòa thông tin thêm, hiện trạm xử lý nước thải số 1 đã đi vào hoạt động ổn định giai đoạn 1A, công suất 3 ngàn m3/ngày đêm. Tuy nhiên, do chưa đầu tư mạng lưới đường ống thu gom nước thải từ hộ gia đình nên trạm thu gom nước thải gián tiếp từ suối Săn Máu.

“Đối với hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tại phường Tam Hiệp, địa phương đã ký hiệp định vay vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản nhưng chưa triển khai được. Để giảm ngập nước đô thị, từ năm 2018 đến nay TP. Biên Hòa đã hoàn thành đầu tư 19 dự án thoát nước”, ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó Chủ tịch UBND TP. Biên Hòa cho biết.

Là địa phương đã có quy hoạch xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt từ nhiều năm nhưng đến nay, TP. Long Khánh vẫn chưa có bất cứ trạm xử lý nước thải nào. Nguyên nhân chính của việc chưa triển khai được dự án cũng xuất phát từ nguồn vốn. Theo ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Long Khánh cho biết, hiện địa phương đã được quy hoạch dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt. Thành phố đã lập báo cáo nghiên cứu khả thi, quy hoạch đất làm dự án nhưng vẫn chờ vốn vay ODA.

“Vì chờ vay vốn ODA khá lâu, trong khi dân số, nước thải ngày càng tăng nên địa phương kiến nghị tỉnh bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện dự án xử lý nước thải đô thị. Hiện các tuyến đường và khu dân cư mới, thành phố yêu cầu hạ ngầm hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, thoát nước mưa”, ông Nguyễn Văn Tân, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Long Khánh thông tin.

Cũng theo thông tin từ Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, ngoài TP. Biên Hòa và TP. Long Khánh, các địa phương còn lại cũng đang trong giai đoạn lập dự án khả thi xử lý nước thải đô thị. Trong khi chờ đợi phê duyệt dự án, nguồn vốn, địa phương kết hợp sửa chữa, cải tạo tuyến giao thông đô thị với đầu tư hệ thống thoát nước nhằm hạn chế ngập cục bộ. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời vì nước mưa và nước thải sinh hoạt là 2 hệ thống riêng, nước thải phải xử lý trước khi thải ra sông, suối.

Cấp thiết giải bài toán xử lý nước thải sinh hoạt

Theo ghi nhận thực tế, hiện tỉnh Đồng Nai chỉ có các các khu, cụm công nghiệp; cơ sở y tế đáp ứng được yêu cầu có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt. Trong khi đó, tại các đô thị, vùng nông thôn và khu vực sản xuất nông nghiệp nơi có nhiều dân cư sinh sống hiện vẫn chưa được đầu tư bài bản hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt. Điều này đã và đang làm ảnh hưởng lớn tới môi trường sống của người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Theo người dân tại tỉnh Đồng Nai chia sẻ, hầu hết các các hộ gia đình ở thành thị và nông thôn đều tự đầu tư xây dựng hố ga hoặc bể tự hoại để nước thải sinh hoạt tự ngấm xuống đất. “Việc để nước thải sinh hoạt lâu ngày ngấm xuống đất tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm về sau này, nhưng hiện địa phương không có đường ống thu gom, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt nên người dân chúng tôi buộc phải làm như vậy”, ông Đặng Văn Mến, người dân tại huyện Xuân Lộc chia sẻ.

Đồng Nai: Nan giải bài toán xử lý nước thải sinh hoạt do thiếu vốn - Ảnh 2
Nước thải sinh hoạt thải trực tiếp ra môi trường đa là vấn đề cấp bách của tỉnh Đồng Nai.

Năm 2021, khi họp bàn về vấn đề thoát nước và xử lý nước thải đô thị, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương nghiên cứu thêm phương án đầu tư trạm xử lý nước thải ở hạ nguồn các suối nhưng đến nay chưa thống nhất được công nghệ, vị trí đặt trạm xử lý nước thải.

Mới đây, khi làm việc với TP. Biên Hòa về xử lý một số vướng mắc trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã giao Sở Kế hoạch – Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan cân đối nguồn ngân sách, tham mưu UBND tỉnh xử lý việc bố trí nguồn vốn đầu tư công để triển khai Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP. Biên Hòa.

Để giải bài toán xử lý nước thải sinh hoạt, tại kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Đồng Nai năm 2022, ông Võ Văn Phi - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ dự án thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải đô thị; dự án cải tạo, nạo vét sông suối, kênh mương chảy qua đô thị để giảm mức độ ô nhiễm, giảm ngập.

Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai cũng giao UBND cấp huyện rà soát các dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị đã, đang và chưa triển khai đề xuất giải pháp thực hiện.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2022 quy định, khu dân cư, khu đô thị phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đồng bộ, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ cũng đặt mục tiêu, đến năm 2030, tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt theo quy chuẩn phải đạt 50% đối với đô thị loại II trở lên và 20% đối với các loại đô thị còn lại. Đến năm 2050, 100% nước thải được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

Thư Anh

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai: Nan giải bài toán xử lý nước thải sinh hoạt do thiếu vốn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới