Chủ nhật, 24/11/2024 06:25 (GMT+7)
Thứ ba, 30/08/2022 07:30 (GMT+7)

Đồng Nai: Nhiều nhà máy xử lý rác không phát huy hiệu quả

Theo dõi KTMT trên

Nhiều dự án nhà máy xử lý rác tại tỉnh Đồng Nai khi đi vào hoạt động không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng. Điều này dẫn tới công tác quản lý rác thải trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, gây lãng phí và kim hãm sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 11 dự án nhà máy xử lý chất thải, trong đó 7 dự án có chức năng xử lý rác sinh hoạt (RSH). Đáng nói, 3 trong số 7 dự án có chức năng xử lý RSH lại đang tạm dừng hoạt động hạng mục này vì nhiều lí do khác nhau, từ đó dẫn đến những khó khăn trong bài toán xử lý rác.

Điển hình, Dự án Xây dựng nhà máy xử lý chất thải nguy hại và chất thải rắn sinh hoạt tại huyện Trảng Bom do Công ty TNHH Tài Tiến làm chủ đầu tư có công suất xử lý RSH được duyệt 200 tấn/ngày. Năm 2019, nhà máy này đã hoàn thành việc xây dựng hạng mục lò đốt RSH có thu hồi nhiệt để sấy rác đầu vào với công suất 2 tấn/giờ.

Thế nhưng, sau khi hoàn thành hạng mục lò đốt thì nhà máy này không tham gia xử lý RSH. Theo đại diện Công ty TNHH Tài Tiến, trước đây Công ty xử lý RSH cho huyện Trảng Bom và một số công ty bằng phương pháp chế biến mùn hữu cơ với đơn giá trần 496.000/tấn.

Đồng Nai: Nhiều nhà máy xử lý rác không phát huy hiệu quả - Ảnh 1
Nhiều nhà máy xử lý rác thải tại Đồng Nai không phát huy được hiệu quả tối đa, từ đó gây nhiều áp lực cho môi trường và phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa

Năm 2018, đơn vị đầu tư lò đốt RSH với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng. Sau khi xây dựng xong, Công ty xây dựng mức đơn giá xử lý RSH cao hơn theo công nghệ đã đầu tư thì không trúng thầu nên không hoạt động được. “Chi phí đầu tư lò đốt cao hơn nhiều so với chế biến mùn hữu cơ, thế nhưng đơn giá trần bằng nhau là 496 ngàn đồng/tấn là chưa hợp lý. Doanh nghiệp phải chuyển đổi một phần công năng lò đốt, còn lại vẫn “trùm mền”, đại diện Công ty TNHH Tài Tiến chia sẻ.

Trong khi đó, sau khi gặp sự cố hỏa hoạn vào năm 2020, toàn bộ hoạt động của dự án Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại tại huyện Cẩm Mỹ đã ngưng hoạt động, trong đó bao gồm cả hạng mục xử lý RSH bằng công nghệ đốt có công suất được duyệt là 400 tấn/ngày. Từ đó đến nay, chủ đầu tư nhà máy không khắc phục được các tồn tại về yêu cầu kỹ thuật, thủ tục xây dựng, môi trường theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Đồng Nai nên vấn trong tình trạng “đắp chiếu”.

Hay tại huyện Long Thành, dù đã có Khu liên hiệp xử lý chất thải rắn sinh hoạt - công nghiệp - nguy hại tại xã Bàu Cạn với quy mô công suất xử lý RSH được duyệt là 200 tấn/ngày. Thế nhưng hiện nay, đơn vị này chỉ còn tiếp nhận, xử lý chất thải công nghiệp thông thường khoảng 500 tấn/ngày, chất thải nguy hại khoảng 9,9 tấn/ngày (chủ yếu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Riêng chất thải sinh hoạt của 2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch đã ngưng tiếp nhận và phải đưa về huyện Thống Nhất để xử lý. Lí do mà hơn 2 năm qua, đơn vị này không xử lý RSH là do không đảm bảo được tỷ lệ chôn lấp chất thải dưới 15% theo yêu cầu của tỉnh Đồng Nai.

Ngoài ra, một số dự án có chức năng xử lý RSH vẫn đang ngừng hoạt động như Khu liên hợp xử lý chất thải sinh hoạt, công nghiệp không nguy hại và nguy hại tại huyện Xuân Lộc; TP. Biên Hòa trước đây có 2 dự án xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn nhưng hiện đều ngưng hoạt động vì không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, hiện các dự án xử lý chất thải công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại hoạt động khá ổn, đảm bảo xử lý hết chất thải phát sinh. Riêng chất thải sinh hoạt, dự án đảm bảo được các điều kiện về môi trường thì đã đủ công suất hoặc không trúng thầu, dự án còn năng lực tiếp nhận chưa đáp ứng được tiêu chí của tỉnh về chôn lấp chất thải. Hiện chỉ có 4 dự án đủ điều kiện tiếp nhận, xử lý chất thải sinh hoạt.

Đồng Nai: Nhiều nhà máy xử lý rác không phát huy hiệu quả - Ảnh 2
Hoạt động xử lý RSH tại Khu xử lý chất thải xã Quang Trung, huyện Thống Nhất.

Những năm qua, tỉnh Đồng Nai đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư dự án xử lý chất thải về: đất đai, thuế, vốn và xã hội hóa đầu tư nhằm hướng tới mục tiêu phát triển xanh. Nhiều đơn vị đã làm rất tốt. Tuy nhiên, còn đơn vị do năng lực tài chính hạn chế chưa tích cực đầu tư hạ tầng, công nghệ hoặc chỉ tập trung cho xử lý chất thải nguy hại và công nghiệp thông thường mà chưa quan tâm đầu tư xử lý chất thải sinh hoạt. Một số đơn vị phải tạm ngưng vì không đảm bảo điều kiện về môi trường và các tiêu chí tỉnh đặt ra; hết hạn giấy phép xử lý chất thải nhưng chưa có phương án tiếp tục hoạt động. Cũng có dự án vướng mắc mặt bằng, nguồn vốn chưa triển khai.

Đồng thời, tỉnh Đồng Nai cũng đã ban hành quyết định quy hoạch các khu xử lý chất thải sinh hoạt năm 2000, điều chỉnh năm 2006 và tiếp tục bổ sung ở giai đoạn 2011-2020, giai đoạn 2021-2025 nhưng không đề xuất thêm các dự án, khu xử lý mà chỉ định hướng quản lý và cập nhật các vị trí, diện tích đã được UBND tỉnh giới thiệu cho các nhà đầu tư trước đó. Thế nhưng, đến nay, một số dự án vẫn chưa hoàn thành thủ tục giao đất. Các địa phương có khối lượng chất thải sinh hoạt lớn như: TP. Biên Hòa, H. Nhơn Trạch không có quy hoạch dự án xử lý chất thải.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý chất thải theo quy hoạch, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ rà soát nhu cầu sử dụng đất, cơ sở hạ tầng của từng dự án. Cùng với đó, Sở tổ chức kiểm tra tiến độ triển khai theo giấy chứng nhận đầu tư, trên cơ sở đó đánh giá năng lực của chủ dự án, không đáp ứng các điều kiện về đầu tư, tài chính và xây dựng sẽ xem xét điều chỉnh hạng mục đầu tư hoặc thu hồi dự án theo quy định.

Đồng thời, Sở sẽ đẩy nhanh tiến độ dự án đốt RSH thu hồi năng lượng phát điện; hoàn thành nội dung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch quản lý chất thải RSH trên địa bản tỉnh, trong đó quy hoạch số lượng dự án phù hợp để tập trung lượng rác. Yêu cầu các dự án hiện hữu phải đổi mới công nghệ để tiết kiệm và sử dụng hiệu quả quỹ đất.

Trao đổi với Phóng viên về vấn đề một địa phương có nhiều dự án xử lý chất thải nhưng vẫn không đạt hiệu quả như kỳ vọng, TS Nguyễn Trung Việt, chuyên gia môi trường tại TP. HCM cho rằng mỗi địa phương chỉ cần quy hoạch 2-3 dự án xử lý RSH, nhưng phải phù hợp về quy mô và công suất, tránh tình trạng rác dồn ứ về một nơi. Bên cạnh đó, phải phù hợp vị trí để không phải chở rác đi 40-50km tốn kém chi phí vận chuyển, gây ô nhiễm môi trường.

Thanh Tùng

Bạn đang đọc bài viết Đồng Nai: Nhiều nhà máy xử lý rác không phát huy hiệu quả. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới