Chủ nhật, 24/11/2024 06:50 (GMT+7)
    Thứ ba, 18/05/2021 16:30 (GMT+7)

    Dự án 8.200 tỉ đồng có hồi sinh kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên?

    Theo dõi KTMT trên

    Làm sạch kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên ngoài việc chi 8.200 tỉ đồng nạo vét, làm bờ kè còn cần sự quyết tâm, kiên nhẫn và tinh thần hợp tác của các bên liên quan.

    Dòng kênh đang bị "bức tử"

    Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM vừa báo cáo dự án Xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường tuyến kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (dài 32,7 km, đi qua 7 quận, huyện). Theo đó, toàn tuyến kênh sẽ được xây dựng bờ kè bằng bê tông 2 bên, nạo vét lòng sông, sửa chữa các cống kết nối, xây 12 bến thuyền… với tổng kinh phí 8.200 tỉ đồng. Trong đó, 4.000 tỉ đồng là vốn Trung ương, phần còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách của thành phố.

    Báo cáo này đã được Hội đồng Thẩm định TP.HCM thông qua, khẳng định đủ điều kiện để trình UBND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư và triển khai các bước tiếp theo.

    Sau khi thông tin trên được đưa ra, ngày 16/5/2021, nhiều người dân sống hai bên bờ tuyến kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên bày tỏ sự vui mừng, việc hồi sinh tuyến kênh này là điều mà họ đã mong chờ suốt 10 năm qua.

    Dự án 8.200 tỉ đồng có hồi sinh kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên? - Ảnh 1

    Hàng ngày kênh Tham Lương vẫn phải hứng chịu những nguồn nước thải sinh hoạt đặt biệt là nước thải từ các nhà máy tại các khu công nghiệp dọc theo tuyến kênh này.

    Trong buổi tiếp xúc cử tri của quận Tân Phú, TP.HCM mới đây, các cử tri cũng đề nghị các ứng cử viên cần có ý kiến về việc đẩy nhanh tiến độ dự án chỉnh trang, cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

    Ông Nguyễn Minh Thanh, 47 tuổi, người dân sống ven kênh Tham Lương, đoạn qua quận Tân Bình, TP.HCM suốt 10 năm qua chia sẻ: “Dòng nước bị ô nhiễm, quanh năm bao phủ màu đen kịt, bốc mùi hôi thối. Vào mùa mưa, nhiều khi nước kênh dâng cao, ngập vào trong nhà. Tình trạng ruồi, muỗi sinh nở bất chấp mọi biện pháp phòng tránh của người đã ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe người dân trong vùng".

    Nguyên nhân khiến tuyến kênh này bị ô nhiễm được ông Thanh nhận định, do tốc độ phát triển đô thị hóa quá nhanh, dọc hai bên bờ kênh nhà ở người dân sát nhau, cùng với các khu công nghiệp mọc lên. Bệnh cạnh đó, hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt và nước thải tại các khu nhà máy xả ra tuyến kênh thường xuyên dẫn tới tình trạng khả năng tự làm sạch của tuyến kênh bị quá tải.

    Dự án 8.200 tỉ đồng có hồi sinh kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên? - Ảnh 2
    Dọc theo tuyến kênh Tham Lương nước chỉ một màu đen kịt.

    Được biết, từ năm 2004, TP.HCM đã khởi động triển khai dự án cải tạo tuyến kênh này. Tuy nhiên, đến năm 2017 phải ngưng do nguồn vốn hạn hẹp chủ yếu là sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Nhưng sau đó Ngân hàng này lại dừng tài trợ khiến dư án bị ngừng trệ. Điều đó đã khiến cho người dân sống 2 bên bờ kênh cảm thấy “hụt hẫng”.

    “Đang thi công bờ kè hai bên tuyến kênh thì bị dừng, để lại vật liệu xây dựng ngổn ngang, đường đi càng lầy lội. Cuộc sống người dân vốn đã ảnh hưởng bởi môi trường thì nay lại càng trở nên ô nhiễm hơn”, ông Thanh bày tỏ.

    Theo ghi nhận của Tạp chí Kinh tế Môi trường thời điểm giữa tháng 5/2021, toàn tuyến kênh Tham Lượng – Bến Cát – rạch Nước Lên nhuộm màu nước đen kịt, bốc mùi hôi nồng nặc. Hai bên bờ kênh rác thải sinh hoạt của người dân vứt ngổn ngang, tình trạng xả thải có thể không đảm bảo các quy chuẩn an toàn môi trường vẫn diễn ra đều đặn ở các ống cống dọc bờ kênh.

    Tại một số khu vực trên kênh Tham Lương, đoạn qua địa phận quận Bình Tân, TP.HCM lòng sông bị ùn ứ, dòng chảy gần như bị ngưng đọng.

    Dự án 8.200 tỉ đồng có hồi sinh kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên? - Ảnh 3
    Một đoạn bờ kè tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên đang xây phải dừng lại vì thiếu vốn.

    Giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ô nhiễm

    Nhiều chuyên gia cho rằng, việc làm sạch các tuyến kênh trong nội đô cần phải có sự triển khai đồng bộ, nếu chỉ tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy, xây dựng bờ kè dọc hai bên bờ kênh chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Nguyên nhân chính khiến các tuyến kênh bị ô nhiễm là do nguồn thải không được phân loại xả thẳng ra kênh, khiến dòng kênh như bị bức tử, không thể tự làm sạch được.

    KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia quy hoạch có nhiều năm nghiên cứu về đô thị TP.HCM từng nêu quan điểm với báo chí, để cải tạo hay làm sống lại những dòng kênh “chết” là một việc làm đòi hỏi sự quyết tâm, kiên nhẫn và tinh thần hợp tác của các bên có liên quan.

    "Một trong những yếu tố quan trọng trong việc cải tạo kênh rạch là nó phải liên thông, phải khơi thông lại, nạo vét và dọn rác. Với những con kênh đã lỡ làm cống hộp thì cần xem xét trả lại hiện trạng hay không vì kênh hở vẫn tốt hơn kênh ngầm. Ngoài ra cũng cần kết nối lại những hạ tầng thoát nước, đặc biệt là thoát nước mưa. Khi các dòng kênh tự lưu thông được thì nó sẽ tự làm sạch và chất lượng môi trường sẽ được gia tăng", ông Sơn nói.

    Dự án 8.200 tỉ đồng có hồi sinh kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên? - Ảnh 4
    Một đoạn kênh Tham Lương bị cỏ dại vùi lấp hoàn toàn.

    GS.TS Lê Thanh Hải – Viện trưởng viện Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cũng cho rằng, vẫn còn nhiều bất cập chưa được xử lý triệt để như tình trạng lấn chiếm, xả rác vô tội vạ xuống kênh rạch. Chính công tác xử lý nước thải chưa triệt để cũng trực tiếp khiến tình trạng ô nhiễm kênh rạch ở TP.HCM trở nên phức tạp như hiện nay.

    "Theo tôi nghĩ là thời gian qua chúng ta làm chưa thực sự kiên quyết. Vấn đề này chủ yếu nằm ở ý thức của người dân và gia tăng xử phạt chứ cũng không có cách nào khác. Tôi cho rằng chúng ta cần kiên quyết hơn nếu không thì hệ thống kênh rạch, thoát nước của TP.HCM sẽ còn bị ảnh hưởng" – ông Hải kiến nghị.

    Nguyễn Thật

    Bạn đang đọc bài viết Dự án 8.200 tỉ đồng có hồi sinh kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới