Dự kiến hiệu lực thi hành của Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 1/1/2025
Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về các phương pháp xác định; trường hợp, điều kiện áp dụng định giá đất. Ngoài ra dự kiến hiệu lực thi hành của Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 1/1/2025
Quy định rõ các phương pháp xác định giá đất
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án khó, phức tạp, có nhiều chính sách quan trọng, nhạy cảm, có nhiều ý kiến khác nhau trong quá trình góp ý, hoàn thiện. Chính phủ đánh giá cao Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các bộ, cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện các phương án chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo Chính phủ đầy đủ quá trình phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữa 2 Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XV (tháng 11/2023) và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), thể chế hóa đầy đủ các đường lối, chủ trương của Đảng về các chính sách có liên quan đến nội dung dự thảo Luật.
Nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, thực hiện nghiêm túc chủ trương phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm tính thống nhất giữa Luật Đất đai với các luật có quy định liên quan, nhất là thống nhất các quy định, thủ tục về cùng một vấn đề.
Dự kiến thi hành Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 1/1/2025
Về hiệu lực thi hành luật, thống nhất về dự kiến hiệu lực thi hành của Luật Đất đai (sửa đổi) từ ngày 1/1/2025 để đồng bộ với hiệu lực của Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6; đề xuất về hiệu lực sớm hơn đối với quy định về hoạt động lấn biển và quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp.
Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tiếp thu ý kiến Thành viên Chính phủ nhất là ý kiến của các bộ, ngành; phối hợp với Bộ Tư pháp về tính thống nhất của hệ thống pháp luật đề xuất sửa đổi, bổ sung của các luật khác tại dự thảo Luật.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tiếp thu ý kiến của các Thành viên Chính phủ về các đề xuất tiếp thu, chỉnh lý, thể hiện đầy đủ nội dung tiếp thu trong dự thảo Luật nhằm tháo gỡ các vướng mắc trên thực tế, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai thông thoáng, tạo điều kiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội.
Đồng thời có cơ chế quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, tránh thất thoát tài sản nhà nước, phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, tạo sự đồng thuận khi trình Quốc hội dự án Luật này vào tháng 01 năm 2024.
Nhật Hạ