Chủ nhật, 24/11/2024 07:28 (GMT+7)
Chủ nhật, 19/09/2021 07:15 (GMT+7)

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ xem xét những vấn đề nào?

Theo dõi KTMT trên

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Kế hoạch chi tiết xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều nội dung mới để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp diễn ra vào tháng 5/2022.

Các nội dung xem xét sửa đổi

Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) yêu cầu các đơn vị trực thuộc hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013.  

Trong đó, tập trung vào các nội dung sửa đổi của Luật gồm: Đề xuất sửa đổi các quy định về quyền, trách nhiệm của Nhà nước; Cơ cấu tổ chức, bộ máy làm công tác quản lý nhà nước; Phân cấp quản lý nhà nước về đất đai; Tổng hợp, nghiên cứu, đánh giá những chồng chéo, mâu thuẫn và sự không đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai với các luật khác có liên quan và đề xuất định hướng sửa đổi.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ xem xét những vấn đề nào? - Ảnh 1
Dự thảo Luật Đất đai sẽ được lấy ý kiến rộng rãi. (Ảnh minh họa)

Đề xuất định hướng sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai và các luật khác có liên quan để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về điều tra, đánh giá, bảo vệ, cải tạo nâng cao chất lượng đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về tài chính đất đai, giá đất; Thu hồi đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Thống kê, kiểm kê đất đai; Quản lý, sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; Theo dõi, đánh giá, giám sát việc quản lý và sử dụng đất.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về đo đạc, lập hồ sơ địa chính; Đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai.

Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về phân loại đất; Chế độ sử dụng các loại đất; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Thủ tục hành chính về đất đai.

Ngoài ra, sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai; Giám sát quản lý và sử dụng đất.

Lấy ý kiến rộng rãi người dân

Bộ TN&MT dự kiến sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ TN&MT vào cuối tháng 10/2021. Tổng hợp tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý và hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thực hiện xong trước ngày 22/12.

Sau đó sẽ tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; Hoàn thiện hồ sơ và trình ra Chính phủ trong tháng 1/2022. Phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội để tiếp thu, giải trình hoàn thiện hồ sơ dự án luật để trình ra Quốc hội cho ý kiến trước ngày 15/4/2022.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân được giao giúp Bộ trưởng chỉ đạo việc xây dựng đề cương chi tiết dự thảo Luật Đất đai; Báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); Xây dựng tờ trình dự án luật…

Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa được giao chỉ đạo việc rà soát các luật có liên quan đến Luật Đất đai; Đánh giá tác động các chính sách sửa đổi, bổ sung; Đánh giá thủ tục hành chính, báo cáo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự thảo; Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; Thủ tục hành chính về đất đai; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai…

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang khẳng định, Luật Đất đai là một Luật có tác động rất lớn đến quyền sử dụng tài sản, đất đai của nhân dân và khó khăn là phức tạp trong quản lý nhà nước khi có nhiều quy định của luật chưa được rõ ràng. Đặc biệt, đây là vấn đề “nóng bỏng” khi có đến gần 70% khiếu nại của nhân dân liên quan đến đất đai.

“Tôi cho rằng nguyên nhân khiếu kiện một phần là do pháp luật. Cử tri đã phản ánh rất nhiều nhưng đến nay dự án luật này vẫn chưa được sửa đổi do tình trạng xin lùi, xin rút. Tôi kiến nghị Quốc hội, Chính phủ khóa tới cần quan tâm có những biện pháp cụ thể, hiệu quả để thực hiện các giải pháp mà được nêu trong báo cáo, để khắc phục được hạn chế này, nhất là đối với Luật Đất đai, tôi hy vọng rằng sẽ không có tên trong danh sách xin lùi thời gian trình sửa luật”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé nói.

Xuân Hòa (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ xem xét những vấn đề nào?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới