Chủ nhật, 24/11/2024 03:34 (GMT+7)
Thứ tư, 12/10/2022 08:58 (GMT+7)

Đưa phát thải ròng về 0, cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tài chính xanh

Theo dõi KTMT trên

Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đưa phát thải ròng về 0 mang đến thách thức, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

Việc thực hiện các cam kết tại COP26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng carbon thấp. Đưa phát thải ròng về 0 mang đến thách thức, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam như nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cơ hội tiếp cận với nguồn tài chính xanh.

Doanh nghiệp vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh. 

Hiện nay, các cơ quan quản lý, chuyên gia, tổ chức và doanh nghiệp trong và ngoài nước đang nỗ lực hiện thực hóa các cam kết của Chính phủ tại COP26 về Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đưa phát thải ròng về 0, cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tài chính xanh - Ảnh 1

Đưa phát thải ròng về 0 mang đến thách thức, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam như nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cơ hội tiếp cận với nguồn tài chính xanh.

Nhiều thông tin và giải pháp để trợ lực cho doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất bền vững, tiếp cận được nguồn tín dụng xanh đã được đưa ra tại Hội thảo "Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ về phát thải ròng về 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 11/10 tại Hà Nội.

Theo đánh giá, Việt Nam được xếp vào nhóm thứ 2 các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sự chuyển đổi này phù hợp với xu hướng tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính ngày càng khắt khe hơn.

Theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại châu Âu, Hoa Kỳ và nhiều nền kinh tế khác, các hàng rào thuế quan để kiểm soát và điều chỉnh biên giới phát thải carbon đối với hàng nhập khẩu sử dụng nhiều năng lượng, đồng thời khuyến khích quá trình khử carbon trong sản xuất trong nước.

Mặt khác, thực tế hiện nay, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đến ngày 30/6 năm nay mới đạt hơn 474.000 tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nông nghiệp xanh. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều giải pháp hơn thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh.

Cùng với đó, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, nhấn mạnh: "Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động cấp tín dụng xanh; ban hành Thông tư quản lý rủi ro về môi trường và xã hội theo các nhiệm vụ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được giao tại Luật Bảo vệ môi trường cũng như Nghị định 08 về hướng dẫn triển khai một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Chúng tôi sẽ triển khai nhiệm vụ này sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục về phân loại xanh".

Song song với nguồn vốn hỗ trợ phát triển xanh từ ngân hàng, huy động vốn từ trái phiếu xanh cũng là một giải pháp khá phổ biến của doanh nghiệp trên thế giới.

Đồng thời giới chuyên môn cho rằng, thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu đạt quy mô 3,3 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 6, tăng gấp 3 lần sau 3 năm kể từ cuối năm 2019. Các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tiếp cận các nguồn vốn dài hạn này để đầu tư đổi mới khoa học, công nghệ chuyển sang sản xuất bền vững, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm Việt xuất khẩu thời gian tới.

Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) Phạm Văn Tấn cho rằng, các doanh nghiệp cần sẵn sàng, trong đó cần chuẩn bị về con người có đủ năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp. Cần tránh hoặc rút nhanh ra khỏi các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh sử dụng nhiều năng lượng, phát thải nhiều khí nhà kính.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Đưa phát thải ròng về 0, cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn tài chính xanh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới