Thứ năm, 28/11/2024 02:14 (GMT+7)
Thứ sáu, 24/05/2019 06:00 (GMT+7)

Đừng để tôm hùm đất trở thành "đại dịch" ốc bươu vàng thứ hai

Theo dõi KTMT trên

Còn nhớ những năm 90 của thế kỷ trước, "đại dịch" ốc bươu vàng bùng phát khắp các tỉnh thành trên cả nước, đến tận bây giờ ở nhiều nơi, người nông dân vẫn khốn khổ đối phó với ốc bươu vàng. Kịch bản tương tự đang có nguy cơ lặp lại với loài tôm hùm đất.

Thời gian gần đây, tôm càng đỏ hay còn gọi là tôm hùm đất được một số thương lái nhập từ Trung Quốc về bày bán tràn lan trên thị trường. Tuy nhiên, theo cảnh báo từ các cơ quan chức năng, loài tôm này là sinh vật xâm lấn điển hình có thể phá hoại lúa, tiêu diệt tôm bản địa và có nguy cơ gây hại lớn cho môi trường.

Còn nhớ, vào những năm 90 của thế kỷ trước, "đại dịch" ốc bươu vàng từng bùng phát khắp các tỉnh thành và kịch bản 30 năm trước gần như đang có nguy cơ tái diễn với loài tôm hùm đất. Ốc bươu vàng được nhập về Việt Nam vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước với mục đích ban đầu để nuôi làm thực phẩm và thậm chí trong một vài thời điểm còn được đem đi…xuất khẩu, thì hiện tại tôm hùm đất cũng được đưa về thị trường Việt Nam với con đường tương tự.

Ốc bươu vàng, ngay sau khi chúng thoát ra ngoài tự nhiên và gặp điều kiện sinh sống thích hợp đã phát triển thành loài sinh vật gây hại trầm trọng cho lúa ở hầu hết các tỉnh phía Nam, sau đó lan rộng ra thành "đại dịch" trên hầu khắp các tỉnh thành. Có thể nói, hiện ốc bươu vàng vẫn là loài gây hại bậc nhất đối với nền nông nghiệp lúa nước, do loài này sinh trưởng chủ yếu vào vụ hè thu, đặc biệt là mùa nước nổi, thời điểm phát triển quan trọng nhất của cây lúa.

Đừng để tôm hùm đất trở thành "đại dịch" ốc bươu vàng thứ hai - Ảnh 1
Sau 30 năm, ốc bươu vàng vẫn là nỗi ám ảnh với người nông dân trồng lúa.

Cũng như ốc bươu vàng, tôm hùm đất được đưa vào Việt Nam để phục vụ nhu cầu ăn uống của người Việt. Bản thân những khách hàng mua và sử dụng chúng không hề hay biết loài này gây hại cho thiên nhiên ra sao. Sẽ thế nào nếu tôm hùm đất vô tình lọt ra ngoài tự nhiên sinh trưởng và phát triển.

Tiến sĩ Vũ Thế Long (Chuyên gia về cổ sinh vật học, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu Con người và Môi trường - Viện Khảo cổ) đã lên tiếng cảnh báo: "Đây là loài sinh vật ngoại lai có tác hại đối với nông nghiệp Việt Nam".

Thực tế, tôm hùm đất từng được nuôi thử nghiệm tại Phú Thọ vào năm 2012. Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, xác định việc nuôi loài tôm này là "lợi bất cập hại" nên các nhà khoa học đã đề nghị không nhân giống phát triển chúng.

Theo thông tin từ GS.TS Đặng Huy Huỳnh (Nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường), về phân loại học, tôm hùm đất là thành viên của siêu họ Astacoidea và Parastacoidea. Chúng có xuất xứ từ Bắc Mỹ và có tới 500 loài khác nhau. Có loài nhỏ thì con lớn nhất chỉ bằng ngón tay nhưng cũng có loài dài gần 1 mét, nặng hàng kg. Vì có nhiều giống loài nên chúng cũng có nhiều tên gọi khác nhau và tên chung của loài này là Crayfish. Ở Việt Nam, tôm hùm đất hay còn gọi là tôm càng đỏ, có tên khoa học là Cherax quadricarinatus.

Đừng để tôm hùm đất trở thành "đại dịch" ốc bươu vàng thứ hai - Ảnh 2
GS.TS Đặng Huy Huỳnh - Ảnh: Kienthuckhoahoa.org.

Theo tìm hiểu, tôm càng đỏ hay tôm hùm đất xuất hiện tại Việt Nam có nguồn gốc từ Australia, Papua New Guinea sau đó lan ra nhiều quốc gia. Loài tôm này có kích thước lớn, vỏ cứng, nhẵn bóng, có màu xanh rêu điểm một số vạch màu đỏ trên lưng.

Loài này có khả năng sinh sống ở nhiều loại môi trường khác nhau, từ vùng ven biển nước lợ tới môi trường nước ngọt; môi trường sống ưa thích là những nơi có dòng chảy chậm. Chúng thường ẩn nấp trong các hang hốc, rễ cây thủy sinh lớn ven bờ; là loài ăn tạp, thức ăn gồm các loại thực vật, động vật, bã hữu cơ, đôi khi có thể ăn thịt lẫn nhau. Chúng có thể đào hang sâu tới 2m, phá hủy kênh mương, thủy lợi nên được xếp vào 100 loài nguy hiểm nhất trên thế giới.

Cụ thể, năm 1960, Tây Ban Nha từng thử nhân giống tôm hùm đất có xuất xứ từ Louisiana (Mỹ). Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, tôm hùm đất này phát triển nhanh trong môi trường tự nhiên, phá hủy những cánh đồng lúa ở Tây Ban Nha.

Trong khi đó, tại Mỹ, chính quyền bang Michigan áp dụng các biện pháp hạn chế số lượng tôm hùm đất. Bởi lẽ, chỉ trong thời gian rất ngắn, số lượng tôm hùm đất đã tăng chóng mặt và phá hủy thiên nhiên. Trong một khu vực rộng 4.000m2, chính quyền bang Michigan tìm thấy 2.600 con tôm hùm đất. Loài sinh vật ngoại lai này sinh sôi mạnh mẽ, đe dọa lan rộng đến khắp khu vực bang.

Ngay tại Trung Quốc, tôm hùm đất làm ảnh hưởng nghiêm trọng hệ sinh thái tại khu vực sông Trường Giang. Chưa dừng lại ở đó, loài này còn "xâm lược" châu Phi từ những năm 70 của thế kỷ trước.

Đánh giá về thực trạng tôm hùm đất tại Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thế Long chia sẻ: "Tôi cho rằng, đối với môi sinh và ngành nông nghiệp, mức độ nguy hại của tôm hùm đất gấp nhiều lần ốc bươu vàng. Chúng ta đã thấy bài học đắt giá trước kia khi cho nhập và nuôi ốc bươu vàng, nên việc cấm nhập khẩu, nuôi loài tôm này là cần thiết.

Một số nước Kenya, Rwanda, Uganda, Egypt, Zambia, Nam Phi phải chịu thiệt hại nặng do sinh vật này gây ra. Tôm hùm đất đi đến đâu, chúng quét sạch các sinh vật và cây trồng ở vùng ẩm ướt đến đó. Chúng gây ra mất cân bằng hệ sinh thái.

Ông Geoffrey Howard (Chuyên gia về sinh vật xâm lấn thuộc Tổ chức Bảo vệ Môi trường Quốc tế - IUCN) từng thừa nhận: "Tôm hùm đất là nguyên nhân khiến nhiều thực vật thủy sinh ở châu Phi biến mất”.

Trước thông tin tôm hùm đất Trung Quốc ồ ạt tràn sang thị trường và có nguy cơ phát tán rộng ra ngoài môi trường tự nhiên, Bộ NN&PTNT đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát loài này, vì đây là sinh vật ngoại lai xâm hại, không có tên trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Đừng để tôm hùm đất trở thành "đại dịch" ốc bươu vàng thứ hai - Ảnh 3

Đừng để tôm hùm đất trở thành "đại dịch" ốc bươu vàng thứ hai.

Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với trường hợp vi phạm. Khi phát hiện có phát tán ra môi trường, phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và tiêu diệt tôm hùm đất theo quy định về đa dạng sinh học.

Với bài học "đại dịch" ốc bươu vàng từ hơn 30 năm trước, thiết nghĩ chúng ta cần phải có những hành động cứng rắn và quyết liệt để ngăn chặn “ổ dịch” tôm hùm đất ngay từ khi nó chưa bắt đầu. Và, để thực hiện được điều này, không chỉ các cơ quan hữu quan mà cần sự chung tay của cả xã hội, bắt đầu ngay từ những người tiêu dùng.

Trần Giang

Trần Giang

Bạn đang đọc bài viết Đừng để tôm hùm đất trở thành "đại dịch" ốc bươu vàng thứ hai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới