Chủ nhật, 24/11/2024 07:01 (GMT+7)
    Thứ bảy, 23/04/2022 17:00 (GMT+7)

    Duyệt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam trước tháng 7, khởi công đồng loạt trong năm 2022

    Theo dõi KTMT trên

    Với mục tiêu khởi công đồng loạt 12 dự án ngay trong năm 2022, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thẩm tra, phê duyệt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 trước ngày 30/6.

    Duyệt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam trước tháng 7

    Chiều 22/3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết công tác giải phóng mặt bằng giai đoạn 1 dự án (2017-2020) đã cơ bản hoàn thành, đạt 100% công tác bồi thường. Tuy nhiên, một số công trình hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thành di dời; trong phạm vi mặt bằng đã bồi thường vẫn còn tồn tại vướng mắc trên tổng chiều dài khoảng 2,6 km.

    Duyệt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam trước tháng 7, khởi công đồng loạt trong năm 2022 - Ảnh 1
    Phó thủ tướng Lê Văn Thành.

    Theo đó, tổng khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay khoảng 20.087 tỷ đồng, tương đương 35,4% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 0,7% giá trị hợp đồng so với kế hoạch. Trong đó, 4 dự án phải hoàn thành năm 2022 có sản lượng trung bình đạt 53,4% giá trị hợp đồng, chậm 2,6%; 4 dự án hoàn thành năm 2023 sản lượng trung bình đạt 31,6% giá trị hợp đồng, đáp ứng kế hoạch; 2 dự án hoàn thành năm 2024 sản lượng trung bình đạt 6,4% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng kế hoạch.

    Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, thời gian qua, giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động lớn, đã gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc quản lý giá thành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng; nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

    Bộ Giao thông vận tải đề nghị các địa phương, chủ công trình hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trong tháng 4/2022.

    Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021- 2025 (giai đoạn 2), Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm báo cáo, từ ngày 13-15/3/2022, Bộ đã bàn giao mốc giới giải phóng mặt bằng cho các địa phương khoảng 136,3 km và đến nay đã tiếp tục bàn giao thêm 84,5 km.

    Dự kiến đến 30/4/2022, sẽ tiếp tục phê duyệt và bàn giao thêm khoảng 275,6 km (tổng số 496,4 km đạt 68% tổng chiều dài tuyến); các đoạn còn lại sẽ tiếp tục bàn giao từng phần và hoàn thành toàn bộ trước ngày 30/6/2022.

    Duyệt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam trước tháng 7, khởi công đồng loạt trong năm 2022 - Ảnh 2
     Đồ họa: Alex Chu.

    Phó Thủ tướng Lê Văn Thành kết luận cuộc họp đã đề nghị lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải xuống tận hiện trường làm việc với các nhà thầu, ban quản lý dự án về vật liệu đắp nền của dự án bởi ông băn khoăn khi còn 8 tháng nữa phải hoàn thành dự án mà đến nay vẫn còn thiếu mấy triệu m3 vật liệu đắp nền. Vì vậy, các bộ ngành đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục liên quan.

    Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng nhắc nhở, yêu cầu các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Ninh Bình khẩn trương hoàn thành các thủ tục cấp phép khai thác vật liệu đất đắp nền còn thiếu của dự án.

    Khởi công đồng loạt trong năm 2022

    Đối với giai đoạn 2 của dự án, lãnh đạo Chính phủ đề nghị các địa phương triển khai khẩn trương các công tác đo đạc, kiểm đếm, lên phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, phấn đấu bàn giao ít nhất 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây dựng đến 31/12/2022.

    Các địa phương được giao rà soát, thống nhất với Bộ Giao thông vận tải trong việc khảo sát, điều tra mỏ vật liệt, bãi đổ chất thải xây dựng, thỏa thuận về vị trí, trữ lượng mỏ vật liệu, bãi thải cũng như triển khai các thủ tục liên quan để chủ động có đầy đủ nguồn vật liệu xây dựng phục vụ dự án.

    Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất cho dự án. Bộ Giao thông vận tải thẩm tra, phê duyệt 12 dự án thành phần trước ngày 30/6/2022. Thực hiện thủ tục lựa chọn, chỉ định nhà thầu thi công thực sự có năng lực về tài chính và kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, mục tiêu phải khởi công đồng loạt 12 dự án ngay trong năm 2022.

    Như vậy, dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), tổng chiều dài khoảng 729 km, đi qua 12 tỉnh, thành. Sơ bộ tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công; được chia thành 12 dự án thành phần; cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026.

    Theo nghị quyết triển khai nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, cao tốc Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2021-2025 sẽ gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau.

    Về phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư, nghị quyết quyết nghị đầu tư khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công.

    Về nhu cầu sử dụng đất và phương án giải phóng mặt bằng, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha.

    Công tác giải phóng mặt bằng các dự án thành phần sẽ thực hiện theo quy mô 6 làn xe; riêng đối với các dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe.

    Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện là chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Duyệt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam trước tháng 7, khởi công đồng loạt trong năm 2022. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới