Chủ nhật, 24/11/2024 07:56 (GMT+7)
Thứ sáu, 16/09/2022 11:57 (GMT+7)

EVN ứng dụng công nghệ trong phòng, chống thiên tai

Theo dõi KTMT trên

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chủ động ứng dụng thành quả khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai.

Bảo đảm an toàn các hồ đập, hạ du thủy điện là ưu tiên hàng đầu 

Trước mùa mưa bão hàng năm, các nhà máy thủy điện đều thực hiện rà soát, phê duyệt và chủ động phổ biến phương án ứng phó thiên tai tới các cơ quan chức năng; thực hiện rà soát, hiệu chỉnh phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp trình cơ quan quản lý nhà nước tiếp nhận hồ sơ, thẩm định phương án theo quy định.

Các nhà máy trên lưu vực đều lắp đặt hệ thống cảnh báo vận hành phát điện, vận hành xả lũ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời chuẩn bị các kịch bản điều tiết hồ chứa theo các cấp độ rủi ro thiên tai để bảo đảm an toàn cho công trình và hạ du.

Hiện nay, các nhà máy đều được EVN trang bị hệ thống camera giám sát xả nước, tín hiệu được truyền trực tiếp về Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và các đơn vị liên quan.

EVN ứng dụng công nghệ trong phòng, chống thiên tai - Ảnh 1
Một hệ thống cảnh báo lũ từ xa được lắp đặt phía hạ du các nhà máy thủy điện - Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Là đơn vị quản lý vận hành 2 công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La Khương Thế Anh cho biết: Để  bảo đảm an toàn hạ du, Công ty đã xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống cảnh báo hạ du đập thủy điện Sơn La, Lai Châu.

Cụ thể, hệ thống cảnh báo hạ du đập Sơn La lắp đặt 16 biển cảnh báo, 14 hệ thống loa cảnh báo tự động phát tín hiệu đặt tại các xã ven sông như Tạ Bú, Chiềng San, Mường Chùm, Chiềng Hoa của huyện Mường La, tỉnh Sơn La.

Hạ du đập thủy điện Lai Châu lắp đặt 5 biển cảnh báo, 5 hệ thống loa cảnh bảo tự động phát tín hiệu đặt tại các xã Nậm Hàng, Lê Lợi, thị trấn Nậm Nhùn thuộc huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, phường Sông Đà thuộc thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên. Trong quá trình xả lũ, hệ thống sẽ tự động phát ra cảnh báo đến người dân địa phương ven sông nắm được thông tin mực nước, lưu lượng nước thay đổi về phía hạ du

Công ty Thủy điện Buôn Kuốp quản lý, vận hành 3 công trình thủy điện trên sông Sêrêpốk gồm: Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah, Buôn Kuốp và Sêrêpốk 3. Là đơn vị sản xuất thủy điện lớn nhất tỉnh Đắk Lắk, mỗi năm, công ty sản xuất, đóng góp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 2,6 tỷ kWh.

Nhằm bảo đảm các nhà máy điện của Công ty vận hành tối ưu theo lưu lượng nước về các hồ chứa và an toàn trước các tình huống bất thường do thiên tai gây ra, Công ty Thủy điện Buôn Kuốp đã ứng dụng công nghệ số trong hệ thống thu thập dữ liệu thủy văn, cảnh báo lũ và phối hợp tốt với các sở, ban, ngành, các bên liên quan để có phương án tối ưu sản xuất điện, đảm bảo cấp nước cho hạ du, kịp thời xử lý, khắc phục các tình huống bất thường

Tại các hồ chứa của 3 nhà máy, Công ty đã lắp đặt hệ thống tự động dự báo lưu lượng nước về, lưu lượng mưa và mực nước hồ chứa. Dữ liệu thực từ các trạm quan trắc được kết nối về trung tâm và làm cơ sở dữ liệu để xây dựng mô hình dự báo, theo dõi lưu lượng nước về cho các hồ chứa.

Theo ông Nguyễn Đức, Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, trước đây, để tính toán lưu lượng nước về hồ, nhân viên vận hành của các nhà máy phải trực tiếp thực hiện đo lượng mưa tại các vị trí.

Từ khi hệ thống quan trắc mưa tự động đưa vào sử dụng, dữ liệu do các trạm đo mưa tự động liên tục được cập nhật, kết nối với ứng dụng trên thiết bị di động giúp nhân viên theo dõi có thể trích xuất các thông tin cần thiết nhanh, chính xác, phục vụ công tác dự báo và vận hành hợp lý, nhất là khi có mưa lớn xảy ra.

Qua đó đã góp phần giảm nhân công, thời gian thao tác và cung cấp kịp thời số liệu thủy văn cho các cấp, ban ngành theo yêu cầu.

Khôi phục nhanh lưới điện nhờ công nghệ mới

Ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cho biết: trong thời gian qua, EVNNPT đã và đang triển khai áp dụng một số ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý vận hành, phòng, chống giảm thiểu thiệt hại của thiên tai đối với hệ thống lưới điện truyền tải.

Đáng chú ý, EVNNPT đã trang bị định vị sự cố cho khoảng 160 đường dây chủ yếu ở cấp điện áp 500 kV và một số đường dây 220 kV đi qua địa hình hiểm trở. Với độ chính xác cao (sai số khoảng 200 m), các thiết bị này đã phát huy hiệu quả rất tích cực, góp phần giảm thời gian tìm kiếm vị trí và nhanh chóng khôi phục vận hành lưới điện sau sự cố.

EVNNPT cũng trang bị thiết bị giám sát online dầu cho máy biến áp và kháng điện 500 kV nhằm giám sát trực tuyến thiết bị. Hiện đã trang bị 233 bộ thiết bị trên toàn lưới, trong quá trình vận hành đã phát hiện một số máy biến áp có hàm lượng tăng cao và đã kịp thời khắc phục nhằm ngăn ngừa sự cố.

Cùng với đó, đơn vị này đã thực hiện giám sát hành lang một số vị trí nguy cơ xảy ra vi phạm cao bằng camera, dữ liệu được theo dõi và cảnh báo đến đơn vị quản lý vận hành. 

Hiện đã trang bị 349 camera và 49 camera tích hợp AI kịp thời phát hiện các nguy cơ cháy hoặc phương tiện vận tải vi phạm hành lang lưới điện truyền tải

Đặc biệt, EVNNPT ứng dụng UAV trong công tác kiểm tra đường dây truyền tải, trong đó đã trang bị được 110 UAV cho các truyền tải điện. 

Thiết bị UAV gắn camera có thể quay, chụp ảnh để kiểm tra, đánh giá tình trạng thiết bị lưới điện khi đường dây đang mang điện mà người công nhân không cần trực tiếp phải trèo lên cột, ra dây (cần cắt điện) để kiểm tra, giúp giảm công sức, nguy cơ rủi ro mất an toàn đối với người công nhân.

Ngoài ra, EVNNPT còn trang bị hệ thống quan trắc cảnh báo sét. Dữ liệu quan trắc giúp cho công tác quản lý vận hành trong việc đánh giá nguyên nhân sự cố để có giải pháp khắc phục phù hợp, kịp thời.

Lưới điện do Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) quản lý vận hành là khu vực thường xuyên bị tác động ảnh hưởng bởi mưa bão.

Để nhanh chóng khắc phục sự cố do mưa bão gây ra, ông Lê Hoàng Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc EVNCPC cho biết, điểm nhấn về ứng dụng công nghệ của EVNCPC trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là triển khai phiếu công tác điện tử, ứng dụng kiểm tra hiện trường.

Trong trường hợp cán bộ, công nhân viện phải thực hiện kiểm kê thiệt hại sau bão, việc cập nhật thông tin trên phiếu công tác điện tử sẽ được thực hiện trực tuyến ngay từ hiện trường, giảm độ trễ thời gian trong quá trình báo cáo.

Từ dữ liệu tại hiện trường chuyển về, lãnh đạo EVNCPC sẽ nắm bắt kịp thời để bố trí về nhân lực, phương tiện máy móc và chỉ huy, chỉ đạo tại chỗ nhanh chóng, chính xác nhằm sớm khôi phục lại lưới điện sau thiên tai.

Sự chủ động của các đơn vị trong ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đã mang lại hiệu quả giúp công tác quản lý vận hành, sửa chữa khắc phục kịp thời cố do thiên tai gây ra qua đó, giảm thiểu thiệt hại đối với hệ thống công trình điện.

Theo Chính Phủ

Bạn đang đọc bài viết EVN ứng dụng công nghệ trong phòng, chống thiên tai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới