Chủ nhật, 24/11/2024 10:52 (GMT+7)
Thứ hai, 31/05/2021 08:34 (GMT+7)

Gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng

Theo dõi KTMT trên

Trong 5 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể đã tăng 20% - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 quay trở lại đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong cả nước. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm nay, 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, 31.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng - Ảnh 1
Trong năm tháng đầu năm 2021, có 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn. (Ảnh minh họa)

Đáng chú ý, các doanh nghiệp siêu nhỏ là đối tượng chịu tổn thương mạnh nhất. Trong số 8.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể kể từ đầu năm (tăng 32,3%) có đến 7.153 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng (tăng 31,8%) và chỉ có 86 doanh nghiệp có vốn trên 100 tỉ đồng (giảm 1,1%).

Theo đánh giá của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, khó khăn chung của rất nhiều doanh nghiệp hiện nay là mất cân đối dòng tiền. Hiện tượng này bắt đầu nảy sinh từ khi Covid-19 xuất hiện và ngày càng trầm trọng.

Được biết, đợt bùng phát dịch thứ tư này đang gây ảnh hưởng, thiệt hại hết sức nặng nề cho các doanh nghiệp và nền kinh tế. Theo tính toán nhanh từ các hiệp hội ngành hàng, sản lượng hàng hóa của các khu vực trọng điểm công nghiệp phía Bắc, cụ thể là tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc sẽ sụt giảm tầm 50% do ảnh hưởng của dịch bệnh... Từ đó kéo theo sự sụt giảm nghiêm trọng giá trị của các chuỗi vận tải, logistics, xuất khẩu liên quan trên phạm vi toàn quốc do chuỗi liên kết sản xuất trải rất rộng.

Tuy nhiên, báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng cho biết, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 5/2021 tăng 8,1% về số lượng và tăng 33,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. 

Với số doanh nghiệp mới được bổ sung vào nền kinh tế, tính chung 5 tháng đầu năm 2021, cả nước có gần 55.810 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 778.300 tỉ đồng và tổng số lao động đăng ký là 412.400 lao động, tăng 15,4% về số doanh nghiệp, tăng 39,5% về vốn đăng ký và tăng 1,3% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đạt 14 tỉ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, còn có gần 22.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2021 lên 78.300 doanh nghiệp. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 15.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Đây được xem là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trong 5 tháng qua.

4 khu công nghiệp tại Bắc Giang được hoạt động trở lại từ ngày 26/5

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã quyết định tổ chức lại sản xuất cho 1 số doanh nghiệp tại 4 KCN gồm: Đình Trám, Quang Châu, Song Khê - Nội Hoàng, Vân Trung. Theo đó, kế hoạch này sẽ giúp tỉnh vừa tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, vừa khôi phục, phát triển kinh tế, thực hiện "mục tiêu kép" theo chỉ đạo của Chính phủ.

Việc các KCN sản xuất trở lại cũng sẽ giảm tải cho các khu vực cách ly xã hội, từng bước ổn định việc làm, thu nhập và đời sống cho người lao động. Mặt khác sẽ khôi phục lại môi trường an toàn cho sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và xây dựng được mô hình doanh nghiệp, khu công nghiệp hoạt động an toàn trong điều kiện có dịch Covid-19, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài.

“Việc bảo vệ các khu công nghiệp trong bối cảnh hiện nay là hết sức quan trọng để bảo vệ sản xuất công nghiệp. Chúng ta đã xác định nguy cơ đối với các khu công nghiệp là cao nhất, có thể lây nhiễm rất nhanh chóng, khó khăn trong vấn đề kiểm soát”, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Thùy Linh

Bạn đang đọc bài viết Gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới