Chủ nhật, 24/11/2024 07:52 (GMT+7)
    Thứ tư, 17/11/2021 08:00 (GMT+7)

    Gần 150 tỉ đồng triển khai 12 dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đầu tư công

    Theo dõi KTMT trên

    Chính phủ vừa trình Quốc hội báo cáo tiền khả thi dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, với 12 dự án thành phần đều triển khai theo hình thức đầu tư công. Dự kiến tổng mức đầu tư là 146.990 tỉ đồng.

    Hệ thống đường cao tốc đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối, vận tải hàng hóa và hành khách, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các vùng, miền, tạo liên kết giữa các trung tâm kinh tế-chính trị, các địa phương, cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế...

    Theo đó, Chính phủ kiến nghị chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 từ Hà Tĩnh (Bãi Vọt) đến Quảng Trị (Cam Lộ), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau.

    Cụ thể, giai đoạn 2021-2025 đầu tư khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị là 95.837 tỉ đồng; Chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư 19.097 tỉ đồng; Chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác là 12.015 tỉ đồng; Chi phí dự phòng là 20.041 tỉ đồng.

    Gần 150 tỉ đồng triển khai 12 dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đầu tư công - Ảnh 1
    Với gần 150 tỉ đồng, 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 -2025 được đề xuất triển khai theo hình thức đầu tư công. (Ảnh: gtvt.thuathienhue.gov.vn)

    Dự án có nhu cầu sử dụng đất khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa 2 vụ khoảng 1.532 ha, rừng phòng hộ khoảng 110 ha, rừng sản xuất khoảng 1.436 ha. Trong giai đoạn đầu, 12 dự án thành phần đầu tư theo quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, tốc độ thiết kế 80-120 km/h.

    Đáng chú ý, 12 dự án thành phần đều triển khai theo hình thức đầu tư công. Sau khi hoàn thành sẽ tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Nếu thu phí toàn bộ 12 dự án thành phần trong 5 năm đầu có thể thu hồi được khoảng 18.300 tỉ đồng, trong 10 năm có thể thu được khoảng 37.881 tỉ đồng.

    Theo Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021, dự kiến bố trí cho Dự án khoảng 47.169 tỉ đồng, trong giai đoạn 2021- 2025 cần bổ sung khoảng 92.471 tỉ đồng, Chính phủ kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và xã hội.

    Chính phủ cũng đặt mục tiêu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021; Giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022-2023; khởi công giữa năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025. Đồng thời, giao UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua tổ chức triển khai thực hiện đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì các dự án thành phần bảo đảm tiến độ, chất lượng và hiệu quả đầu tư theo đúng quy định của pháp luật.

    Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, với mục tiêu thu hút tối đa các nguồn lực xã hội đầu tư đường bộ cao tốc, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu phương án đầu tư toàn bộ các dự án theo phương thức PPP.

    Tuy nhiên, theo phương án này, trường hợp triển khai thành công cũng chỉ thu hút được khoảng 17.275 tỉ đồng vốn ngoài ngân sách (chiếm khoảng 11,7% tổng mức đầu tư dự án ), trong khi đó phải xây dựng cơ chế đặc thù khác so với quy định của Luật PPP (tỉ lệ vốn nhà nước tham gia trên 50% tổng mức đầu tư).

    Trên cơ sở sự cần thiết, tính cấp bách, hiệu quả của Dự án, để bảo đảm triển khai thành công và sớm hoàn thành Dự án, Chính phủ kiến nghị triển khai đầu tư công toàn bộ 12 dự án thành phần, sau khi hoàn thành sẽ tổ chức thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. Đây cũng là một hình thức huy động nguồn lực xã hội để tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng.

    Trước đó, vào tháng 9/2021, Chính phủ cũng có tờ trình gửi Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

    Trong đó, chỉ có 4 dự án thành phần triển khai theo phương thức đối tác công - tư (PPP) là đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang, còn lại 8 dự án thành phần đầu tư công với tổng mức đầu tư 124.619 tỉ đồng.

    Trao đổi với Báo Giao thông, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (tỉnh Cà Mau) cho rằng, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam hiện có một số đoạn tuyến đã hoàn thành và nhiều phân đoạn đang triển khai xây dựng. Do vậy, việc đầu tư các dự án thành phần còn lại để nối thông toàn tuyến là rất cấp thiết.

    Cao tốc Bắc - Nam khi được nối thông toàn tuyến sẽ là mạch máu dọc theo chiều dài đất nước, tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, giao thương, tạo cú hích rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội các vùng miền và đất nước.

    Khẳng định chủ trương đúng đắn của Chính phủ khi đưa phân đoạn Cần Thơ - Cà Mau vào dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025, ông Hận cho rằng, việc này là rất cấp thiết bởi tỉ lệ đường cao tốc ở khu vực ĐBSCL hiện quá thấp so với các khu vực khác.

    Lan Anh (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Gần 150 tỉ đồng triển khai 12 dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đầu tư công. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới