Chủ nhật, 24/11/2024 08:42 (GMT+7)
Thứ bảy, 12/09/2020 08:39 (GMT+7)

Gần 2.500 tỉ đồng điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển đảo

Theo dõi KTMT trên

Từ năm 2020 đến 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện 16 dự án trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Gần 2.500 tỉ đồng điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển đảo - Ảnh 1
Quần đảo Cát bà góc nhìn từ trên cao. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030. Trong đó, có 16 dự án trọng điểm do Bộ này chủ trì thực hiện bằng nguồn kinh phí sự nghiệp kinh tế lên tới gần 2.500 tỉ đồng.

Các dự án sẽ được triển khai theo từng giai đoạn, bắt đầu từ năm 2020 đến năm 2030.

Trong đó, dự án có nguồn kinh phí lớn nhất lên tới 500 tỉ đồng là “Thành lập, hệ thống hóa bản đồ địa hình đáy biển tỉ lệ lớn 1:10.000, tỉ lệ trung bình 1:50.000 và tỉ lệ nhỏ 1:250.000, 1:500.000 trên toàn vùng biển Việt Nam phục vụ chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Dự án này do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện. Sản phẩm chính của dự án là bộ bản đồ số địa hình đáy biển các tỉ lệ 1:10.000, 1:50.000,1:250.000; 1:500.000 được lưu trên CD/DVD và được in trên giấy A0 kỹ thuật.

Các dự án tiếp theo gồm: Hợp phần 2 dự án “Điều tra tổng hợp tài nguyên và môi trường vùng biển Tây Nam Bộ phục vụ phát triển kinh tế biển và an ninh quốc phòng” với nguồn kinh phí 180 tỉ đồng, triển khai từ năm 2020 đến năm 2023.

Dự án “Điều tra tổng hợp điều kiện tự nhiên, tài nguyên và hiện trạng môi trường khu vực biển miền Trung Trung Bộ đến độ sâu 1.000 m nước, tỉ lệ 1/500.000 và một số vùng trọng điểm tỉ lệ 1/100.000”. Dự án này có nguồn kinh phí 300 tỉ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2020 đến năm 2022.

Dự án “Điều tra, khảo sát cấu trúc địa chất, đặc điểm địa động lực khu vực nước sâu Biển Đông nhằm đánh giá triển vọng dầu khí và định hướng công tác thăm dò vùng nước sâu gắn liền với mục tiêu khẳng định chủ quyền quốc gia” với nguồn kinh phí 220 tỉ đồng, triển khai từ năm 2020 đến năm 2023.

Dự án “Thành lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo Việt Nam” với nguồn kinh phí 400 tỉ đồng, triển khai từ năm 2026 đến năm 2030.

Dự án “Điều tra đặc điểm cấu trúc địa chất, địa động lực và tài nguyên, môi trường vùng biển Quảng Ngãi-Phú Yên đến độ sâu 300m nước, tỉ lệ 1/100.000” với nguồn kinh phí 215 tỉ đồng, triển khai từ năm 2026 đến năm 2028.

Dự án “Điều tra, quan trắc tổng hợp các yếu tố vật lý hải dương và môi trường biển, thiết lập các mặt cắt đặc trưng điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” với nguồn kinh phí 290 tỉ đồng. Dự án này triển khai từ năm 2023 đến năm 2026.

Gần 2.500 tỉ đồng điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển đảo - Ảnh 2
Bạch Long Vĩ góc nhìn từ trên cao. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Dự án “Tăng cường công tác điều tra cơ bản, quan trắc tài nguyên, môi trường biển thông qua lắp đặt các thiết bị điều tra, quan trắc tài nguyên, môi trường biển vào tàu du lịch khu vực biển Vịnh Hạ Long” với nguồn kinh phí 30 tỉ đồng, triển khai từ năm 2020 đến năm 2021.

Hợp phần 1 dự án “Điều phối, quản lý chung Dự án và tổ chức điều tra, đánh giá hiện trạng rác nhựa biển ở Việt Nam; đề xuất giải pháp kiểm soát, quản lý” với nguồn kinh phí 160 tỉ đồng, triển khai từ năm 2020 đến năm 2025.

Dự án “Xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường biển và hải đảo quốc gia (giai đoạn 2)” với nguồn kinh phí 400 tỉ đồng, triển khai từ năm 2020 đến 2030.

Hợp phần 1 “Điều tra, đánh giá và xây dựng quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật và quản lý chung Dự án “Điều tra, đánh giá tổng hợp, xác định khả năng chống chịu, sức tải môi trường và hệ sinh thái các vùng biển ven bờ phục vụ phát triển kinh tế bền vững, chủ động ứng phó sự cố môi trường và thiên tai” với nguồn kinh phí 20 tỉ đồng, triển khai từ năm 2020 đến năm 2023.

Dự án “Điều tra, đánh giá, rà soát, xây dựng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách về điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo” với nguồn kinh phí 30 tỉ đồng, triển khai từ năm 2020 đến năm 2025.

Các dự án trên do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện.

Hai dự án tiếp theo do Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện, gồm: dự án “Điều tra cơ bản hệ thống tài nguyên vị thế, kỳ quan địa chất vùng biển, đảo Việt Nam, phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển, an ninh quốc phòng” với nguồn kinh phí 90 tỉ đồng, triển khai từ năm 2020 đến năm 2022.

Dự án “Điều tra và mô phỏng quá trình xâm nhập mặn trong các tầng chứa nước dưới đất và ảnh hưởng của nó đến an ninh nguồn nước, an ninh lương thực và sinh thái ở các đồng bằng ven biển Việt Nam dưới bối cảnh biến đổi khí hậu” với nguồn kinh phí 30 tỉ đồng, triển khai từ năm 2020 đến năm 2022.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn cũng được giao chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện dự án “Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng năng lượng sóng, năng lượng gió biển trên vùng biển từ Quảng Trị đến Cà Mau” với kinh phí 120 tỉ đồng. Thời gian triển khai từ năm 2020 đến năm 2023.

Cuối cùng là dự án “Ứng dụng công nghệ viễn thám kết hợp phương pháp địa vật lý-hải dương xác định dịch chuyển bờ ngầm và địa chất tầng nông đới bờ phục vụ đánh giá, dự báo xâm thực bờ biển và đề xuất một số giải pháp phòng, chống xâm thực dải ven biển Việt Nam” với nguồn kinh phí 60 tỉ đồng.

Dự án này do Cục Viễn thám Quốc gia chủ trì phối hợp với các đơn vị trực thuộc và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thực hiện từ năm 2021 đến năm 2025.

Hùng Võ

Bạn đang đọc bài viết Gần 2.500 tỉ đồng điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển đảo. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới