Chủ nhật, 24/11/2024 04:51 (GMT+7)
Thứ tư, 30/11/2022 15:55 (GMT+7)

Gần 3.600 tỷ đồng còn phải giải ngân cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1

Theo dõi KTMT trên

Thời điểm này các dự án đều đang tăng tốc thi công để đảm bảo tiến độ đề ra. Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ nay tới hết tháng 1/2023, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 còn phải giải ngân gần 3.600 tỷ đồng.

Đến cuối năm nay, theo kế hoạch sẽ có 4 dự án thành phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 sẽ hoàn thành. Theo thống kê của Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho hay, dự kiến đến hết tháng này, 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 giải ngân được gần 12.439 tỷ đồng, đạt 77,6% kế hoạch. Như vậy, kế hoạch còn lại phải giải ngân 3.595 tỷ đồng từ nay đến hết tháng 1/2023.

Trong đó, Ban Quản lý dự án 7 còn phải giải ngân 1.146 tỷ đồng; trong đó, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết là 849 tỷ đồng; cầu Mỹ Thuận 2 là 297 tỷ đồng.

Gần 3.600 tỷ đồng còn phải giải ngân cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 - Ảnh 1
Từ nay tới hết tháng 1/2023, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 còn phải giải ngân gần 3.600 tỷ đồng. (Ảnh: internet)

Ban Quản lý dự án Thăng Long phải giải ngân 892 tỷ đồng; trong đó, đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 là 551 tỷ đồng; đoạn Phan Thiết - Dầu Giây là 341 tỷ đồng.

Ban Quản lý dự án 6 cần giải ngân 654 tỷ đồng; trong đó, đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu là 344 tỷ đồng; đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt là 310 tỷ đồng.

Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cần giải ngân 628 tỷ đồng; trong đó, đoạn Cam Lộ - La Sơn là 385 tỷ đồng; đoạn Nha Trang - Cam Lâm là 243 tỷ đồng.

Ban Quản lý dự án 2 phải giải ngân 180 tỷ đồng tại đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn. Ban Quản lý dự án 85 phải giải ngân 84 tỷ đồng tại đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo. Sở Giao thông Vận tải Ninh Bình phải giải ngân 11 tỷ đồng tại đoạn Cao Bồ - Mai Sơn.

Giá trị giải ngân trong thời gian tới tập trung cho khối lượng thi công trên công trường. Do vậy, các Ban quản lý dự án phải đẩy mạnh tiến độ thi công và hoàn thiện thủ tục giải ngân, bảo đảm giải ngân hết kế hoạch đã cam kết, đại diện Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Tính đến hết tháng 11/2022, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến giải ngân được 34.900 tỷ đồng, đạt 63,4% so với kế hoạch được bổ sung (69,4% so kế hoạch giao đầu năm), gồm: 31.174/49.611 tỷ đồng vốn trong nước, đạt 63% và 3.709/5.440 tỷ đồng vốn nước ngoài, đạt 68,2%. Từ nay tới 31/01/2023, Bộ cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.151 tỷ đồng.

Số liệu của Bộ Tài chính cho hay, kết quả giải ngân hết tháng 11/2022 của Bộ Giao thông Vận tải đạt 62,4%, duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước.

Đảm bảo minh bạch trong lựa chọn nhà thầu

Nhằm triển khai các dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025 đáp ứng tiến độ khởi công trước ngày 31/12/2022, cơ bản hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT yêu cầu các ban quản lý dự án được giao làm chủ đầu tư dự án quán triệt thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 46/TB-VPCP ngày 19/2/2022 và của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Văn bản 6349/VPCP-CN ngày 23/9/2022 của Văn phòng Chính phủ, đảm bảo lựa chọn được nhà thầu xây lắp có năng lực, kinh nghiệm, uy tín; quá trình thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch, nghiêm túc, tuân thủ quy định pháp luật; kiên quyết phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm, tham nhũng, thông thầu, chuyển nhượng thầu không đúng quy định.

Bộ GTVT giao Ban quản lý dự án 6 chủ trì, phối hợp với các Ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ yêu cầu gói thầu xây lắp, tư vấn giám sát (bao gồm tiêu chí lựa chọn nhà thầu, hợp đồng) và xây dựng hồ sơ mời thầu, hợp đồng gói thầu bảo hiểm công trình xây dựng; tổ chức lấy ý kiến Vụ Pháp chế, Thanh tra Bộ, Cục Quản lý đầu tư xây dựng để thẩm định, phê duyệt theo thẩm quyền; tổ chức triển khai bảo đảm tính thống nhất, đáp ứng tiến độ yêu cầu dự án.

Các Ban quản lý dự án cần lưu ý hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định chặt chẽ về trách nhiệm của nhà thầu, trách nhiệm chung, trách nhiệm riêng đối với nhà thầu liên danh; quy định cụ thể về việc quản lý chất lượng, tiến độ, xử lý nhà thầu vi phạm hợp đồng.

Riêng đối với hồ sơ yêu cầu gói thầu xây lắp cần quy định trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh, quy định về việc mở tài khoản chuyên chi để quản lý chặt chẽ tiền tạm ứng, thanh toán hợp đồng bảo đảm sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng phục vụ gói thầu; quy định chi tiết các nội dung liên quan đến việc điều chỉnh hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng do trượt giá bảo đảm phù hợp quy định, phù hợp nguồn chỉ số giá do địa phương công bố...

Bộ GTVT nghiêm cấm các hành vi không bảo đảm minh bạch trong lựa chọn nhà thầu và các hành vi bị cấm khác trong đấu thầu quy định tại Điều 89 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13; quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu phải bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; việc đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất phải bảo đảm trung thực, khách quan, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật và tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được duyệt.

Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 dài 729 km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km).

Dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 146.990 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công. Dự án được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026. Trong đó, 12 dự án thành phần này được chia thành 25 gói thầu, trong đó gói thầu có giá trị lớn nhất là gần 8.000 tỷ đồng.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Gần 3.600 tỷ đồng còn phải giải ngân cho dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới