Gấp rút hoàn thiện Chỉ thị về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, dự kiến ban hành vào tháng 8/2020.
Ô nhiễm không khí. (Ảnh minh họa) |
Trước thực trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, nhiều thời điểm đã đến mức báo động, ảnh hưởng sức khỏe người dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị Việt Nam.
Dự thảo Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí hiện đang được tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với nhiều nội dung quan trọng.
Dự kiến, dự thảo Chỉ thị sẽ tiếp tục được chỉnh sửa hoàn thiện, lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan và sẽ được ban hành vào tháng 8/2020.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chỉ thị này ra đời kỳ vọng sẽ thúc đẩy các các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các thành phố lớn có nguy cơ cao ô nhiễm không khí tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; ưu tiên việc kiểm kê nguồn phát thải, quan trắc, đánh giá nguồn ô nhiễm bụi PM10, PM2.5.
Chỉ thị cũng đưa ra các giải pháp: Đối với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố có nguy cơ cao cần kiểm kê, đánh giá các nguồn thải; nghiên cứu, đề xuất phương án hạn chế phương tiện giao thông từ các tỉnh đi vào thành phố trong các ngày ô nhiễm ở mức rất xấu, nguy hại; thực hiện điều tiết, phân luồng giao thông hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc kéo dài gây ô nhiễm môi trường.
Cùng với đó, các địa phương đẩy nhanh việc ban hành và thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, tiến tới thay thế việc sử dụng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh sử dụng nhiên liệu hóa thạch; thu hồi, loại bỏ xe cũ nát không đủ điều kiện lưu hành; khuyến khích sử dụng các loại xe chạy điện, khí trong nội đô; trồng nhiều cây xanh; phun nước rửa đường thường xuyên tại các trục, tuyến đường giao thông chính, đặc biệt khi thời tiết lặng gió để hạn chế bụi phát tán…
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, đưa các điều khoản sửa đổi về bảo vệ môi trường không khí, giám sát, kiểm soát, đánh giá chất lượng môi trường không khí trong Luật bảo vệ môi trường sửa đổi, hoàn thành trong năm 2020; chủ trì tổ chức thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí.
Bộ Giao thông vận tải tổ chức triển khai thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông vận tải sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành; xây dựng chiến lược, kế hoạch, lộ trình tăng cường, phát triển phương tiện giao thông, xe điện, hệ thống giao thông vận tải công cộng thân thiện môi trường; khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm xe phương tiện cá nhân, tiến tới loại bỏ phương tiện cơ giới lạc hậu...
Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng và ban hành Thông tư quy định về bảo vệ môi trường đối với các hoạt động xây dựng; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và đánh giá việc thực hiện công tác quản lý vệ sinh lao động, môi trường trong thi công xây dựng, phá dỡ công trình; nghiên cứu, sử dụng vật liệu chống ồn tại các công trình.
Bộ Y tế đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường không khí đến sức khỏe, đề xuất các biện pháp bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là các đối tượng nhạy cảm trong trường hợp ô nhiễm không khí ở mức rất xấu, nguy hại.
Vũ Võ