Gấp rút xử lý 82 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Trong số 82 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý có cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, bệnh viện, bãi rác và cơ sở giáo dục, lao động và xã hội.
Ngày 18/12, tại Hà Nội, Bộ TN&MT tổ chức họp Ban Chỉ đạo liên ngành nhằm xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng với sự tham gia của đại diện các Bộ Công an, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng, Công Thương…
Theo Bộ TN&MT, Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng 2013-2020, trong đó giai đoạn 2 từ 2016-2020 là tập trung các biện pháp xử lý 249 cơ sở theo danh mục và mới phát sinh gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phấn đấu đến năm 2020 xử lý triệt để, dứt điểm.
Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT) Nguyễn Phạm Hà cho biết, đến nay, còn 82 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhưng chưa thực hiện biện pháp xử lý triệt để.
Trong số đó, 17 cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở các tỉnh Bắc Ninh, Bình Thuận, Đắk Nông, Long An, Nghệ An, Quảng Bình, Trà Vinh, Yên Bái, Quảng Trị; 65 cơ sở công ích gồm 16 bệnh viện, 44 bãi rác và 5 cơ sở giáo dục, lao động và xã hội.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho rằng việc xử lý triệt để sự ô nhiễm môi trường vẫn chưa đạt yêu cầu, bởi vậy, Ban Chỉ đạo cần làm rõ kết quả đã thực hiện, tìm nguyên nhân khách quan và chủ quan, nêu rõ trách nhiệm của từng đơn vị nhằm xử lý dứt điểm, đặc biệt với các cơ sở công ích thì phải có biện pháp rõ ràng bằng cơ chế chính sách, nguồn lực.
Kết quả xử lý dứt điểm phải được chính quyền địa phương ban hành văn bản xác nhận. Tổng cục Môi trường cần tham mưu để Bộ TN&MT hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện, giảm bớt thủ tục hành chính không cần thiết khi cơ sở hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm.
Theo đại diện các bộ, ngành thành viên, Bộ TN&MT cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu trong thực hiện công tác này, rà soát và bổ sung danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tăng cường liên kết giữa các bộ, ngành trong thanh tra, kiểm tra hàng năm; các địa phương xem xét lại quy hoạch khi đặt các cơ sở sản xuất vào hoàn cảnh “đã rồi,” chỉ còn cách đóng cửa.
Những cơ sở đã xử lý dứt điểm vấn đề ô nhiễm nên được công bố rộng rãi để công chúng được biết và có giám sát kết quả. Những cơ sở còn gây ô nhiễm môi trường nặng nề mà không được hỗ trợ kinh phí thì nên giao trực tiếp cho địa phương có kế hoạch xử lý dứt điểm.
Bước đầu, Bộ TN&MT kiến nghị, các cơ quan chức năng tại Bắc Ninh, Bình Thuận, Đắk Nông, Long An, Nghệ An, Quảng Bình, Trà Vinh, Yên Bái, Quảng Trị có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm 17 cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, cụm công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết thi hành; kiên quyết áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở này, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa hoàn thành các biện pháp xử lý triệt để theo đúng tiến độ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương để xử lý dứt điểm, không để tình trạng chậm tiến độ xử lý kéo dài; xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu đối với các cơ sở công ích đã được hỗ trợ kinh phí để xử lý ô nhiễm triệt để nhưng chậm triển khai hoặc tiếp tục gây ô nhiễm môi trường; xây dựng phương án xử lý triệt để cho từng cơ sở gửi Bộ TN&MT xem xét, tổng hợp, gửi Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ kinh phí từ Trung ương.
Bộ Y tế, Bộ Xây dựng cần phối hợp với Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề xuất cơ chế chính sách để xử lý dứt điểm các cơ sở công ích. Bộ TN&MT có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để của 65 cơ sở công ích.
Minh Nguyệt