Chủ nhật, 24/11/2024 07:30 (GMT+7)
Thứ ba, 12/11/2019 11:07 (GMT+7)

Giá dầu thế giới đi xuống do áp lực từ đàm phán thương mại Mỹ-Trung

Theo dõi KTMT trên

Khép lại phiên 11/11, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 33 xu Mỹ xuống 62,18 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 38 xu Mỹ và được giao dịch ở mức 56,86 USD/thùng.

Giá dầu thế giới đi xuống do áp lực từ đàm phán thương mại Mỹ-Trung - Ảnh 1
Thùng chứa dầu tại một cơ sở lọc dầu ở thành phố Dammam, cách thủ đô Riyadh của Saudi Arabia 450km về phía Đông. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày 11/11 do áp lực từ tiến triển "nhỏ giọt" trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung, nhưng "vàng đen" vẫn nhận được hỗ trợ từ các số liệu từ Mỹ.

Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 33 xu Mỹ xuống 62,18 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 38 xu Mỹ và được giao dịch ở mức 56,86 USD/thùng.

Giới đầu tư đang lo ngại về tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã kéo dài suốt 16 tháng, khiến tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu chậm lại và giới phân tích hạ dự báo đối với nhu cầu dầu, qua đó làm dấy lên lo ngại về khả năng dư cung gia tăng trong năm 2020.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cho biết các cuộc đàm phán với Trung Quốc đang diễn ra "tốt đẹp," nhưng Washington sẽ chỉ đi đến thỏa thuận nếu đó là một "thỏa thuận thuận lợi" cho nước Mỹ. Vị tổng thống này cũng bác bỏ thông tin trước đó về việc Washington sẵn sàng dỡ bỏ thuế.

Trong dấu hiệu mới nhất thể hiện tác động của cuộc chiến nói trên, số liệu mới đây cho thấy giá sản xuất của Trung Quốc đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong hơn ba năm qua trong tháng 10 vừa qua. Doanh số ô tô ở nước này cũng giảm tháng thứ 16 liên tiếp trong tháng trước.

Tuy nhiên, giá dầu đã thu hẹp đà giảm sau khi số liệu của Công ty Genscape cho thấy lượng dầu dự trữ tại mỏ Cushing, Mỹ đã giảm khoảng 1,2 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 8/11 vừa qua.

Trong khi đó, giới đầu tư vẫn lo ngại về nguồn cung dầu dư thừa.

Một nguồn thạo tin cho hay Saudi Arabia đã nâng sản lượng trong tháng 10 vừa qua lên 10,3 triệu thùng/ngày, nhưng vẫn giữ mức cung cho thị trường dưới mức mục tiêu sản lượng đã cam kết với Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).

Bộ trưởng Năng lượng Oman cho biết OPEC và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, có thể sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng để giới hạn nguồn cung, nhưng có khả năng sẽ không cắt giảm sâu hơn nữa, khi Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cho biết họ không lo ngại về tăng trưởng nhu cầu dầu trong dài hạn.

Bạn đang đọc bài viết Giá dầu thế giới đi xuống do áp lực từ đàm phán thương mại Mỹ-Trung. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới