Giá gạo giảm có làm bớt áp lực lạm phát ở châu Á và châu Phi không?
Sau khi nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Ấn Độ nới lỏng các hạn chế xuất khẩu vào tháng 9 đã khiến giá gạo toàn cầu đã sụt giảm, góp phần làm giảm lạm phát ở các nước nhập khẩu chính ở Đông Nam Á và châu Phi.
Được biết, vào tuần trước giá gạo xuất khẩu của Thái Lan ghi nhận ở mức 529 USD/tấn, giảm 8% so với một tháng trước đó và giảm 21% so với mức cao nhất trong 15 năm được ghi nhận vào cuối tháng 1.
Sự sụt giảm này diễn ra sau thông báo của chính phủ Ấn Độ vào cuối tháng 9 rằng họ sẽ tiếp tục xuất khẩu gạo non-basmati lần đầu tiên sau 14 tháng trong bối cảnh hàng tồn kho trong nước phục hồi.
Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo non-basmati vào tháng 7 năm 2023, với lý do cần đảm bảo nguồn cung trong nước và kiềm chế giá tăng. Vụ thu hoạch kém và xuất khẩu tăng đã đẩy giá gạo tăng hơn 30% trong vòng chưa đầy một năm.
Theo Miyuki Liyama, nhà phân tích tại Trung tâm nghiên cứu khoa học nông nghiệp quốc tế Nhật Bản, Ấn Độ có tác động đáng kể đến thị trường gạo toàn cầu.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, Ấn Độ đã xuất khẩu 20,25 triệu tấn gạo trong năm tài chính 2022 - 2023, chiếm 37% tổng sản lượng toàn cầu. Hai nước xuất khẩu lớn tiếp theo là Thái Lan và Việt Nam chiếm từ 10 - 20%.
Dự kiến sản lượng thu hoạch năm 2024 sẽ tiếp tục đẩy giá gạo xuống. USDA dự đoán, sản lượng toàn cầu sẽ tăng 1,7% trong năm tài chính 2024 - 2025 lên mức kỷ lục 530 triệu tấn.
Sản lượng thu hoạch của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng 3% lên 142 triệu tấn, nhờ diện tích sản xuất tăng và lượng mưa thuận lợi. Sản lượng thu hoạch của Thái Lan dự kiến cũng sẽ tăng 0,5%.
Giá gạo giảm có thể làm giảm áp lực lạm phát ở các nước châu Phi và châu Á phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, bao gồm Nigeria, Indonesia và Philippines.
Philippines cho biết, vào tháng 6 rằng họ sẽ hạ thuế nhập khẩu gạo để kiềm chế giá tăng. Chỉ số giá tiêu dùng của nước này đã tăng 1,9% vào tháng 9, thấp hơn mục tiêu 2 - 4% của ngân hàng trung ương.
Kota Hirayama, nhà phân tích tại SMBC Nikko Securities cho hay, sự sụt giảm giá gạo toàn cầu sẽ được phản ánh trong giá tiêu dùng trong tương lai… Nó có thể kiềm chế lạm phát và tăng thu nhập hộ gia đình thực tế.
Gạo Thái Lan tại Nhật Bản chủ yếu được sử dụng làm đồ ăn nhẹ, miso và các loại thực phẩm chế biến khác. Sự sụt giảm về giá gạo có thể làm giảm chi phí cho các công ty thực phẩm, mặc dù dự kiến sẽ có ít tác động đến giá hoặc nguồn cung gạo tiêu thụ đối với người tiêu dùng cuối cùng.
Trước đó, vào ngày 28/9, Chính phủ Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ trắng thường.
Bên cạnh đó, thông báo đêm muộn hôm 22/10 từ Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết thuế xuất khẩu gạo đồ, gạo lứt và thóc cũng được giảm từ 10% xuống 0%. Các mức giảm thuế có hiệu lực ngay từ ngày 22/10.
Các biện pháp trên được đưa ra trong bối cảnh kho dự trữ gạo quốc gia của Ấn Độ khá dồi dào và giá bán lẻ được kiểm soát. Nước này cũng đã loại bỏ giá sàn xuất khẩu gạo basmati nhằm thúc đẩy xuất khẩu và tăng thu nhập cho nông dân.
Kim ngạch xuất khẩu gạo trắng phi basmati đạt 201 triệu USD trong giai đoạn từ tháng 4-8/2024, so với 852,52 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái.
Các quan chức thương mại và công nghiệp cho rằng, lượng gạo xuất khẩu tăng từ Ấn Độ sẽ giúp mở rộng nguồn cung gạo toàn cầu nói chung, cùng với đó làm giảm giá quốc tế bằng cách buộc các nước xuất khẩu lớn khác như Pakistan, Thái Lan và Việt Nam phải giảm giá.
Hiệp hội Xuất khẩu gạo Ấn Độ cho hay, quyết định bỏ thuế xuất khẩu đối với gạo đồ cho thấy sự tự tin của chính phủ về vụ mùa mới.
Đồng thời việc miễn thuế xuất khẩu cho gạo đồ sẽ khuyến khích các khách hàng châu Phi nhạy cảm về giá tăng cường mua hàng từ Ấn Độ.
Quốc gia Nam Á này đã cấm xuất khẩu gạo trắng không phải loại basmati vào ngày 20/7/2023.
Mặc dù có lệnh cấm xuất khẩu, chính phủ vẫn cho phép xuất khẩu sang các quốc gia thân thiện như Maldives, Mauritius, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và các nước châu Phi. Loại gạo này được tiêu thụ rộng rãi ở Ấn Độ và cũng có nhu cầu lớn trên thị trường toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia có đông kiều dân Ấn Độ.
Bích Ngọc