Chủ nhật, 24/11/2024 05:23 (GMT+7)
Thứ sáu, 15/12/2023 11:30 (GMT+7)

Gia Lai: Hơn 22 nghìn ha rừng được giao cho người dân quản lý và bảo vệ trong năm 2023

Theo dõi KTMT trên

Trong năm 2023, tỉnh Gia Lai đã phối hợp với các địa phương, chủ rừng trên địa bàn thực hiện khoán bảo vệ rừng được gần 22 nghìn ha, hỗ trợ bảo vệ 3,355 nghìn ha rừng.

Năm 2023, tổng nguồn vốn Ban chỉ đạo Tiểu dự án 1 - Dự án 3 về phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp bền vững gắn bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) phân bổ cho các địa phương và đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai là 55,371 tỉ đồng. Số tiền trên dùng để hỗ trợ các hoạt động khoán bảo vệ rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã thuộc khu vực II, khu vực III theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Đến nay, sau hơn 11 tháng thực hiện chương trình có 12/14 huyện và 14/18 chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thực hiện khoán bảo vệ rừng được gần 22 nghìn ha rừng, hỗ trợ bảo vệ được 3,356 nghìn ha rừng.

Gia Lai: Hơn 22 nghìn ha rừng được giao cho người dân quản lý và bảo vệ trong năm 2023 - Ảnh 1
Cán bộ Kiểm lâm cùng người dân thực hiện tuần tra trong khu vực được giao khoán bảo vệ rừng tại khu vực Vườn quốc gia Kon Ka Kinh.

Cùng với đó, việc trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ, ước thực hiện hỗ trợ phát triển rừng sản xuất đã giao ổn định, lâu dài cho hộ gia đình được hỗ trợ một lần cho chu kỳ đầu tiên để trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ là 120 ha.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai thì việc thực hiện Tiểu dự án 1 - Dự án 3 thuộc Chương trình MTQG 1719 tại các địa phương vẫn còn gặp phải nhiều vướng mắc, khó khăn. Hiện nay, việc trợ cấp gạo cho hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số tham gia quản lý, bảo vệ rừng vẫn chưa triển khai thực hiện. Vấn đề này xuất phát từ việc chưa có hướng dẫn cụ thể nhằm xác định tiêu chí “hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực” từ trung ương.

Bên cạnh đó, đối tượng, tiêu chí được hỗ trợ trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa phù hợp; tiêu chí đã sử dụng đất ổn định từ 3 năm trở lên không tranh chấp cũng chưa phù hợp với đối tượng được hỗ trợ. Không những vậy, về thiết kế, dự toán trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ, phần lớn người dân không đủ năng lực để thực hiện những hạng mục này.

Để thực hiện hiệu quả Tiểu dự án 1 - Dự án 3 thuộc Chương trình MTQG 1719 trong thời gian tới, theo ông Nguyễn Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai thì các địa phương trên địa bàn tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ giao rừng, cho thuê rừng để bảo đảm đối tượng thụ hưởng theo quy định. Bên cạnh đó, tiếp tục kiến nghị Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về hỗ trợ gạo bảo vệ, phát triển rừng; thiết kế, dự toán trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ và cây lâm sản ngoài gỗ giúp người dân sớm thụ hưởng từ chương trình.

Trước đó, trong năm 2022, các địa phương và chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thực hiện hỗ trợ khoán bảo vệ rừng là 28,676 nghìn ha rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng được giao là 7,61 nghìn ha rừng. Như vậy, trong 2 năm 2022 và 2023, tỉnh Gia Lai đã khoán bảo vệ rừng được hơn 50 nghìn ha rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng được giao là gần 11 nghìn ha rừng.

Trọng Nghị

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Hơn 22 nghìn ha rừng được giao cho người dân quản lý và bảo vệ trong năm 2023. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới