Chủ nhật, 24/11/2024 03:02 (GMT+7)
Thứ sáu, 21/06/2024 14:31 (GMT+7)

Gia Lai: Nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến 2030

Theo dõi KTMT trên

UBND tỉnh Gia Lai đã ký ban hành văn bản số 1441/UBND-NL về triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến năm 2030.​

Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp trong xã hội về vai trò, chức năng của hệ sinh thái rừng trong bảo tồn đa dạng sinh học và phòng, chống thiên tai; vận động nhân dân và các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng nhằm phát huy các giá trị tổng hợp của hệ sinh thái rừng. Tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho các đơn vị chủ rừng.

Chỉ đạo rà soát, xác định cụ thể khu vực, loại rừng, diện tích rừng, đối tượng rừng, trạng thái rừng phân theo chủ quản lý rừng cần nâng cao chất lượng nhằm bảo tồn hệ sinh thái và phòng, chống thiên tai theo đúng đối tượng được quy định tại Quyết định số 171/QĐ-TTg ngày 07/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, chỉ đạo các chủ rừng xây dựng dự án/phương án hoặc kế hoạch nâng cao chất lượng rừng để bảo tồn hệ sinh thái và phòng, chống thiên tai phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Chỉ đạo công tác cập nhật theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ tiên tiến theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, đa dạng sinh học.

Sở TNMT chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND cấp huyện, chủ rừng, các đơn vị liên quan thực hiện việc rà soát, điều chỉnh ranh giới, đo đạc, cắm mốc ranh giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất, rừng giao, cho thuê cho các chủ rừng quản lý; hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính; xây dựng cơ sở dữ liệu đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; phối hợp với các sở ngành, địa phương liên quan kiểm tra giám sát và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án.

Gia Lai: Nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến 2030 - Ảnh 1
Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng, tỉnh Gia Lai. (Nguồn: Internet).

Sở KHĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT trong quá trình tổng hợp đề xuất, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cho các chương trình, đề án, dự án, xây dựng các mô hình điểm nâng cao chất lượng rừng bằng nhiều loài cây bản địa có cấu trúc đa tầng, tán,... đại diện cho từng loại rừng và điều kiện tự nhiên tại địa phương; phối hợp với các sở ngành liên quan, địa phương kiểm tra giám sát và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án.

Sở Tài chính hàng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán năm sau, trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị có liên quan; rà soát, tổng hợp, cân đối theo khả năng ngân sách, tham mưu báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí vốn sự nghiệp để triển khai Đề án theo đúng quy định; phối hợp với các sở ngành liên quan, địa phương kiểm tra giám sát và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án.

UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền về vai trò, chức năng của hệ sinh thái rừng trong bảo tồn đa dạng sinh học và phòng, chống thiên tai; vận động nhân dân và các thành phần kinh tế tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng; tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng và có có biện pháp ngăn ngừa các tác động tiêu cực đến diện tích rừng cần nâng cao chất lượng; thực hiện cập nhật diễn biến rừng theo quy định; xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng, khoán bảo vệ rừng theo quy định, rà soát diện tích rừng chưa giao, hiện do UBND cấp xã quản lý, để giao cho tổ chức, cộng đồng, hộ gia đình quản lý; rà soát, xác định cụ thể khu vực, loại rừng, diện tích rừng, đối tượng rừng, trạng thái rừng phân theo chủ quản lý rừng cần nâng cao chất lượng; đa dạng hóa các nguồn vốn thực hiện nâng cao chất lượng rừng; huy động nguồn xã hội hóa, nguồn vốn tự có, huy động hợp pháp của các tổ chức, cá nhân đầu tư, nguồn tài chính khác theo quy định.

UBND tỉnh Gia Lai giao Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện Đề án tại địa phương; báo cáo kết quả định kỳ (hàng năm, giai đoạn 3-5 năm) hoặc đột xuất (khi có yêu cầu); sơ kết, tổng kết thực hiện Đề án trên địa bàn, gửi UBND tỉnh để tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 649.997 ha rừng (rừng tự nhiên 478.687 ha, rừng trồng 171.310 ha), tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,95%. Tỷ lệ che phủ rừng của Gia Lai thấp hơn tỷ lệ chung toàn quốc (42,02%) và đứng thứ 3 khu vực Tây Nguyên (thấp hơn tỉnh Kon Tum (63,69%) và Lâm Đồng (54,37%).

Hà My

Bạn đang đọc bài viết Gia Lai: Nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai đến 2030. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tìm giải pháp nâng cao chất lượng quặng Apatit
Hiện nay, chất lượng quặng apatit đang dần suy giảm, thể hiện qua hàm lượng tạp chất oxit kim loại có hại ngày càng tăng cao. Nâng cao chất lượng quặng apatit là giải pháp vô cùng quan trọng đối với ngành phân bón.
Cát biển phù hợp thay thế cát sông khi làm đường
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, việc khai thác cát biển thay cho cát sông sẽ giúp giảm đáng kể áp lực sử dụng cát sông. Về trữ lượng, tính riêng Sóc Trăng, nếu tính đầy đủ thì có khoảng 14 tỷ m3 cát biển, chỉ riêng vùng Sóc Trăng đang cấp phép đã có 145 triệu m3.

Tin mới