Chủ nhật, 24/11/2024 08:56 (GMT+7)
Thứ ba, 05/07/2022 18:45 (GMT+7)

Giá nhiên liệu tăng cao, Cục Đăng kiểm kiến nghị giảm thêm 3 tháng phí sử dụng đường bộ

Theo dõi KTMT trên

Nhằm hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị Bộ GTVT đề xuất với Bộ Tài chính xem xét, kéo dài phương án giảm phí sử dụng đường bộ như hiện nay thêm 3 tháng.

Kéo dài phương án giảm phí sử dụng đường bộ thêm 3 tháng

Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa văn bản gửi Bộ GTVT báo cáo về các giải pháp tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp trong lĩnh vực GTVT.

Theo đó, Cục Đăng kiểm Việt Nam đề nghị Bộ GTVT đề xuất với Bộ Tài chính xem xét, kéo dài phương án giảm phí sử dụng đường bộ như hiện nay thêm 3 tháng, nhằm hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải đang gặp khó khăn vì giá nhiên liệu tăng cao nhưng vẫn phải đảm bảo cân đối số thu cho Ngân sách Nhà nước. Theo đó, tương ứng với số tiền hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vận tải dự kiến khoảng 200 tỷ đồng.

Báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Cục Đăng kiểm cho biết trên cơ sở đề xuất của cục và Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Bộ Tài chính giảm phí sử dụng đường bộ (thu qua đầu xe hằng tháng) các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Qua đó, Bộ Tài chính ban hành các thông tư giảm mức thu phí đường bộ 30% với xe kinh doanh vận tải hành khách và giảm 10% mức phí đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa từ 12/8 đến 31/12/2020. Việc giảm phí sử dụng đường bộ được tiếp tục duy trì trong năm 2021 và kéo dài đến 30/6/2022.

Giá nhiên liệu tăng cao, Cục Đăng kiểm kiến nghị giảm thêm 3 tháng phí sử dụng đường bộ - Ảnh 1
Đề xuất kéo dài phương án giảm phí sử dụng đường bộ thêm 3 tháng nhằm hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải. (Ảnh minh họa)

Đồng thời Bộ Tài chính cũng thực hiện giảm 50% lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm kể từ 1/1 đến 30/6/2022.

Được biết, tại thời điểm đầu tháng 6/2020 khi Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất phương án giảm phí sử dụng đường bộ để Bộ GTVT trình Bộ Tài chính, số lượng phương tiện kinh doanh vận tải trên cả nước là 805.313 phương tiện. Do đó, nếu Bộ Tài chính phê duyệt phương án giảm mức phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách 30% và giảm mức phí sử dụng đường bộ  đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa 10% trong 6 tháng thì số thu Ngân sách Nhà nước sẽ giảm trên 300 tỷ đồng.

Cũng theo thống kê của Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, số lượng phương tiện kinh doanh vận tải trên cả nước tính đến ngày 27/6/2022 là  913.118 phương tiện. Nếu tiếp tục kéo dài phương án giảm phí sử dụng đường bộ như hiện nay cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vận tải thêm 6 tháng cuối năm 2022 thì số phí hỗ trợ cho các doanh nghiệp sẽ lên khoảng 400 tỷ đồng và số thu cho Ngân sách Nhà nước về phí sử dụng đường bộ cũng bị giảm đi tương ứng với số hỗ trợ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, trong những năm xảy ra đại dịch Covid-19, Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện tốt chủ trương của Chính phủ về việc điều chỉnh giảm giá, phí, lệ phí như giảm phí bảo trì đường bộ, đăng kiểm, phí cất hạ cánh… Qua đó đã hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn.

Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, do tác động của giá xăng, dầu tăng rất cao, nên việc rà soát, xem xét kéo dài một số cơ chế, chính sách miễn, giảm hoặc nâng tỷ lệ miễn giảm phí và lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải là cần thiết.

Giảm 1.200 tỷ đồng phí sử dụng đường bộ cho các doanh nghiệp

Thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, ngày 30/6/2022 là thời điểm kết thúc chính sách giảm phí sử dụng đường bộ cho xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa.

Từ 1/7/2022, loại phương tiện trên nộp phí sử dụng đường bộ theo đúng mức biểu phí hiện hành áp dụng cho từng loại xe.

Bên cạnh giảm phí đường bộ, trong thời gian từ 1/1/2022-30/6/2022, xe ô tô kinh doanh vận tải nói riêng và các loại xe ô tô nói chung, khi kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm được giảm 50% lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định.

Cụ thể, xe ô tô tải được giảm từ 50.000 đồng xuống còn 25.000 đồng/giấy, xe ôtô con dưới 10 chỗ ngồi giảm từ 100.000 đồng xuống còn 50.000 đồng/giấy. Cục Đăng kiểm Việt Nam ước tính tổng số tiền lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định giảm cho các phương tiện trong thời gian này khoảng 85 tỷ đồng.

Mới đây, trên cơ sở đề xuất của Cục Đăng kiểm Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải, ngày 16/6/2022 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 36/2022/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung Thông tư số 199/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý lệ phí cấp giấy chứng nhận bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật đối với máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn) về việc giảm lệ phí cấp giấy chứng nhận đăng kiểm xe ô tô.

Cụ thể, từ ngày 1/8/2022 lệ phí cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế xe cơ giới; Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cấp cho xe cơ giới, linh kiện, thiết bị, xe máy chuyên dùng, xe bốn bánh có gắn động cơ, xe đạp điện; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng được giảm từ 50.000 đồng/giấy xuống còn 40.000 đồng/giấy.

Riêng Giấy chứng nhận cấp cho xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi (không bao gồm xe cứu thương) giảm từ 100.000 đồng/giấy xuống còn 90.000 đồng/giấy. Với mức điều chỉnh như vậy thì số nộp Ngân sách Nhà nước mỗi năm sẽ giảm khoảng 34 tỷ đồng.

Tại cuộc họp rà soát giảm chi phí, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều 27/6, Bộ trưởng Thế đánh giá biến động của giá xăng dầu thời gian qua đã tác động lớn đến ngành giao thông, trong đó lĩnh vực vận tải chịu tác động nhiều nhất vì xăng dầu chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu giá thành.

“Giá xăng dầu ‘leo thang’ đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động. Đặc biệt, giá vé tăng cao cũng khiến đời sống của người dân thêm phần khó khăn,” ông Thể nhìn nhận.

Ngoài ra, trong mấy tháng gần đây, giá xăng dầu tăng cao, các hỗ trợ vừa qua là chưa đủ, người đứng đầu ngành giao thông vận tải đưa ra chính kiến việc rà soát, xem xét kéo dài một số cơ chế, chính sách miễn giảm hoặc nâng tỷ lệ miễn giảm phí và lệ phí, chỉ đạo các doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ rủi ro là cần thiết.

Theo Bộ Tài chính, Quốc hội và Chính phủ đã tiếp tục thực hiện miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế bảo vệ môi trường để góp phần thúc đẩy sự phục hồi, phát triển kinh tế của doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Do đó, việc miễn giảm thuế cho doanh nghiệp thực hiện hoạt động dịch vụ vận tải sẽ thực hiện theo quy định hiện hành.

Đối với đề xuất miễn, giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải do giá nhiên liệu tăng, Bộ khẳng định: Pháp luật phí, lệ phí hiện hành không quy định thu phí, lệ phí đối với xăng, dầu. Vì vậy, các khoản phí, lệ phí hiện hành không phải là yếu tố tác động làm giá nhiên liệu trong nước tăng.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Giá nhiên liệu tăng cao, Cục Đăng kiểm kiến nghị giảm thêm 3 tháng phí sử dụng đường bộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới