Chủ nhật, 24/11/2024 08:24 (GMT+7)
Thứ hai, 24/05/2021 11:26 (GMT+7)

Giá thép tăng ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của cả nền kinh tế

Theo dõi KTMT trên

Giá thép tăng mang theo những tác động trái chiều lên các ngành của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhìn chung giá thép tăng sẽ tác động lên mặt bằng giá, ảnh hưởng tới chỉ số lạm phát và các cân đối vĩ mô khác trong năm 2021.

Giá thép xây dựng hiện vào khoảng 18.700-18.800 đồng/kg, tăng khoảng 40% so với bình quân năm 2020. Cổ phiếu ngành ngành thép hưởng lợi, có những mã cố phiếu đã tăng gấp 5-9 lần so với cùng kỳ năm 2020.

Ví dụ như cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát đã tăng trên 70% lên lập đỉnh mới tại mức 65.000 đồng/cổ phiếu. Con số này đã tăng gấp 5 lần so với thời điểm tạo đáy Covid-19 vào cuối tháng 3/2020.

Tương tự như HPG, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen cũng đã lập đỉnh mới tại 39.200 đồng/cổ phiếu, ghi nhận mức tăng 79% sau hơn 3 tháng và gấp gần 9 lần so với thời điểm cách đây hơn 1 năm. 

Trong khi đó, cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim là một trong những cái tên “chạy” nhanh nhất nhóm thép trong khoảng hơn 3 tháng qua. Cổ phiếu này đã tăng gấp đôi từ cuối tháng 1/2021 lên mức 32.100 đồng/cổ phiếu, gấp 8 lần so với thời điểm cuối tháng 3/2020.

Bản thân các doanh nghiệp trong lĩnh vực thép cũng hưởng lợi khi giá thép tăng trong thời gian vừa qua. Các doanh nghiệp nhóm ngành này đua nhau báo lãi kỷ lục trong quý 1/2021 với mức tăng trưởng ấn tượng, thậm chí một số cái tên đã sớm hoàn thành kế hoạch năm.

Hòa Phát đã vượt VinHomes và một loạt ngân hàng để trở thành quán quân về lợi nhuận trên sàn sau quý 1 bứt phá mạnh, lợi nhuận sau thuế đạt 6.978 tỉ đồng gấp 3 lần cùng kỳ năm 2020.

Giá thép tăng ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của cả nền kinh tế - Ảnh 1
Giá thép trong nước đã tăng từ 40-45% so với cùng kỳ năm 2020. (Ảnh: Thanhnien)

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngay từ sau Tết Tân Sửu, giá bán thép thành phẩm trong nước đã tăng mạnh, bình quân tăng 20% so với giá đầu tháng 12/2020 và cao hơn khoảng 40-45% so với cùng kỳ năm 2020, 2019, là vùng giá cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Nguyên nhân chủ yếu là do giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng đột biến trên thị trường toàn cầu. Cụ thể, giá quặng sắt tính đến đầu tháng 3 ghi nhận ở mức trên 170 USD/tấn, tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm trước; Giá thép cuộn cán nóng (HRC) 660 USD/tấn, giảm 6% so với cuối năm và tăng 44% so cùng kỳ năm trước.

Theo VSA, việc thiếu hụt nguồn cung thép và thời gian giao hàng kéo dài ở châu Âu, Mỹ cũng là lý do khiến giá thép tăng mạnh. Nhu cầu thép tại Trung Quốc tăng cao sau dịch bệnh trước đà phục hồi kinh tế và các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng. Năm 2020, nước này đã nhập 38,56 triệu tấn thép, tăng 150% so với năm trước.

Cùng chung quan điểm nêu trên, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cũng cho rằng, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới. Trong thời gian gần đây, giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu, cùng với dịch bệnh, thời gian giao hàng kéo dài cũng khiến giá thép tăng mạnh. Nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của sản phẩm thép hiện nay đa phần phải nhập khẩu, như: quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc...

Cơ quan này cho rằng, dự kiến trong năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục phải nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu để sản xuất thép như: quặng sắt cho các lò cao khoảng hơn 18 triệu tấn, thép phế liệu khoảng 6-6,5 triệu tấn cho các lò điện, than mỡ luyện cốc khoảng 6,5 triệu tấn và điện cực graphite khoảng 10.000 tấn… Dự báo, cán cân thương mại đối với sản phẩm thép sẽ tiếp tục bị thâm hụt trong năm 2021.

Và cơ quan này cũng dự báo rằng, giá quặng sắt, thép phế liệu, quặng nguyên liệu thô và than mỡ luyện cốc… vẫn duy trì ở mức cao, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp sản xuất thép và thị trường thép trong nước.

Thép tăng ảnh hưởng tới cả nền kinh tế

Theo bảng cân đối liên ngành công bố bởi Tổng cục Thống kê, trong giá trị sản xuất toàn ngành xây dựng (bao gồm đường sá, cầu cống, công trình công cộng, xây nhà các loại...), thép chiếm khoảng 4%; Riêng đối với xây nhà, các loại thép chiếm trong giá trị sản xuất khoảng 5%. Và không chỉ xây dựng, nhiều ngành trong nền kinh tế cũng cần thép cho chi phí đầu vào.

Thép chiếm trong chi phí trung gian của toàn nền kinh tế khoảng 6,2% và chiếm trong giá trị sản xuất của toàn nền kinh tế khoảng 1,4%. Như vậy, khi giá thành của thép tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới nền kinh tế. 

Thực tế, giá thép tăng nhanh như hiện nay đang ảnh hưởng lớn đến công nghiệp sản xuất vật liệu phụ trợ, bởi thép là nguyên liệu tối quan trọng trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng cung cấp cho các công trình. Việc giá mặt hàng thép xây dựng trong nước tăng mạnh lên đến 45 - 50% sẽ có nhiều tác động đến giá cả chung của các nguyên vật liệu phụ trợ cho xây dựng trong thời gian tới.

Điều này có thể dẫn đến chậm tiến độ thực hiện công trình, dự án đầu tư công với điều khoản hợp đồng có ràng buộc về giá. Chủ đầu tư khó khăn trong lên phương án, kế hoạch xây dựng vì chưa có một dự báo chính xác nào về giá thép - một trong những nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành phẩm và những lo ngại về trách nhiệm với những dự án sử dụng ngân sách nhà nước. Cùng với đó là việc nhà thầu phải chịu lỗ để chạy theo tiến độ, hoặc phải chịu phạt nặng nếu bỏ chạy và nhiều hệ lụy phát sinh nếu chậm trễ thi công để chờ giá thép giảm xuống.

Giá thép tăng cũng đang khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ lo lắng gánh chịu lỗ, vì sắt thép là nguyên liệu chính trong ngành này, trong khi phía doanh nghiệp khó tăng giá sản phẩm với các hợp đồng đã ký.

Nhiều chủ đầu tư các dự án xây dựng nhà ở đang tạm dừng các kế hoạch xây dựng hoặc dừng việc ra giá chào bán sản phẩm để chờ giá thép, vì giá thép tăng đến 40-45% sẽ có tác động không nhỏ tới giá bán nhà. Ảnh hưởng này có thể mất khoảng hơn hai năm để tạo thành mặt bằng giá mới của nền kinh tế. Dự báo rằng, nhiều doanh nghiệp trong ngành xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng sẽ giảm lợi nhuận trong năm nay.

Hệ quả nhãn tiền của việc để giá thép tăng cao là gánh nặng giá cả leo thang và chịu ảnh hưởng trực tiếp là người tiêu dùng. Về phương diện vĩ mô, giá thép tăng có thể kéo theo sự tăng giá của nhiều sản phẩm, dịch vụ đi cùng, từ đó tác động tới chỉ số lạm phát và các cân đối vĩ mô khác. 

Ghìm cương giá thép

Trước những lo ngại này, mới đây trong định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại trong năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu phải ưu tiên thép cho thị trường trong nước.

Theo đó, Phó Thủ tướng giao cho Bộ Công thương nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước. Nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.

Với Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng yêu cần chủ động nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng.

Trước yêu cầu của Chính phủ, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá; Chỉ đạo Tổng cục Thống kê cung cấp tình hình sản xuất và tiêu thụ thép hàng tháng; Chỉ đạo Bộ Xây dựng dự báo và cung cấp nhu cầu sắt, thép xây dựng của nền kinh tế trong năm 2021 để cân đối nhu cầu thép cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu các sản phẩm thép các loại giúp các doanh nghiệp ngành thép chủ động trong việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thép nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp sản xuất thép.

Về giải pháp dài hạn ổn định cung - cầu, đối với thép xây dựng, Bộ Công Thương cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại để giúp cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển và đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng, do giá thành sản phẩm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu (quặng, thép phế liệu, điện cực..) nên sẽ chịu ảnh hưởng của giá thế giới.

Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ có những chính sách thuế, ưu đãi đầu tư để thu hút các nhà đầu tư sản xuất mở rộng sản xuất hoặc thu hút các nhà đầu tư mới có tiềm năng phát triển các dự án sản xuất thép cán nóng. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, áp dụng thuế xuất khẩu đổi với mặt hàng phôi thép cuộn cán nóng và thép xây dựng khi nguồn cung trong nước bị thiếu hụt.

Trước kiến nghị trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc đặt vấn đề giảm thuế nhập khẩu với thép thành phẩm thời điểm này cần được cân nhắc, để tránh ảnh hưởng ngành thép trong nước.

Với các biện pháp thuế tự vệ, Bộ Tài chính cho rằng, có thể xem xét điều chỉnh các chính sách thuế tự vệ này để giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất thép và giá thép xây dựng bán ra trên thị trường trong nước. Bên cạnh các giải pháp về thuế để bình ổn thị trường thép, quan trọng hơn cả là cần phải chú trọng các giải pháp để cân đối cung cầu, nâng cao năng lực sản xuất thép trong nước.

Đình Vũ

Bạn đang đọc bài viết Giá thép tăng ảnh hưởng tới sự tăng trưởng của cả nền kinh tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới