Chủ nhật, 24/11/2024 06:54 (GMT+7)
Thứ ba, 15/03/2022 15:00 (GMT+7)

Giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng phi mã trong thời gian tới?

Theo dõi KTMT trên

Theo chuyên gia kinh tế VinaCapital, nếu giá dầu thế giới tiếp tục tăng thì khả năng giá xăng Việt Nam tăng thêm 30% trong vài tháng tiếp theo. Như vậy, với giá xăng hiện tại là 29.820 đồng/lít thì giá xăng Việt Nam có thể áp sát mốc 40.000 đồng/lít.

Giá xăng trong nước có thể áp sát mốc 40.000 đồng/lít

Sau kỳ điều chỉnh ngày 11/3, mỗi lít xăng E5 RON 92 cao nhất là 28.985 đồng/lít (tăng 2.908 đồng); RON 95 là 29.824 đồng/lít (đắt thêm 2.990 đồng).

Như vậy, đây là lần tăng thứ 7 liên tiếp và là đợt tăng thứ 6 trong hơn 2 tháng đầu năm 2022. Đặc biệt, mức tăng giá xăng dầu ở kỳ điều hành này là mức tăng mạnh nhất của giá mặt hàng này từ trước đến nay. Hiện, giá bán lẻ các mặt hàng xăng đã sát mốc 30.000 đồng/lít.

Theo đánh giá của ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, giá dầu toàn cầu đã tăng gần 40% kể từ khi có xung đột Nga và Ukraine, và có thời điểm tăng 70% so với cùng kỳ.

Vị chuyên gia cũng cho biết, giá xăng Việt Nam theo đó đã tăng hơn 20% kể từ đầu năm. Mặc dù giá xăng Việt Nam có diễn biến phù hợp với giá dầu thế giới nhưng vẫn có độ trễ, do đó, nếu giá dầu thế giới tiếp tục tăng thì khả năng giá xăng Việt Nam tăng thêm 30% trong vài tháng tiếp theo. Như vậy, với giá xăng hiện tại là 29.820 đồng/lít và nếu tăng thêm 30% như dự đoán của vị kinh tế trưởng VinaCapital thì giá xăng Việt Nam có thể áp sát mốc 40.000 đồng/lít.

Giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng phi mã trong thời gian tới? - Ảnh 1
Theo dự đoán của vị kinh tế trưởng VinaCapital, giá xăng Việt Nam có thể áp sát mốc 40.000 đồng/lít. (Ảnh minh họa)

"Nếu điều này xảy ra, khả năng lạm phát Việt Nam tăng thêm 1,5% do giá dầu thế giới tăng cao, nhưng chúng tôi vẫn dự đoán lạm phát cả năm 2022 của Việt Nam vẫn dưới mốc 4% theo kế hoạch của Chính phủ" - ông Michael Kokalari nói.

Theo các chuyên gia, sự tăng mạnh giá xăng dầu là do chịu ảnh hưởng từ sự đi lên thẳng đứng của giá nhiên liệu thế giới. Giá dầu thô đã có phiên tăng vọt, lên mức cao nhất 14 năm vào ngày 7/3, gần chạm mốc 140 USD một thùng, trước khi giảm 13% vào ngày 9/3, rồi giảm tiếp 2% hôm 10/3.

Giá xăng dầu Việt Nam được điều chỉnh theo diễn biến của giá thế giới và có độ trễ nhất định, do điều hành theo chu kỳ 10 ngày. Nhưng hai tuần qua, giá quốc tế lên mạnh và đã kịp phản ánh vào chu kỳ điều hành mới đây.

Theo tính toán của nhà điều hành, giá cơ sở xăng RON 95 ngày 11/3 đã tăng gần 14%, dầu diesel tăng 24%... so với cách đây 10 ngày. Tức là giá bán lẻ trong nước sẽ tăng theo mức tăng của giá cơ sở, lần lượt là 3.770 đồng mỗi lít RON 95 và 3.408 đồng một lít E5 RON 92, còn dầu diesel thêm 5.158 đồng.

Ngoài căng thẳng Nga - Ukraine, các chuyên gia cho rằng, bản chất giá cả tăng còn do nhiều nguyên nhân khác của thị trường. Bởi từng có lúc thị trường dầu thô xuống đáy mà OPEC và Nga không chịu cắt giảm sản lượng để giữ giá.

"Hai năm vừa qua chịu ảnh hưởng của dịch Covid nên nền kinh tế toàn cầu vận hành cũng bị 'xộc xệch', lệch khỏi trạng thái cân bằng trước đó. Giống như cơ thể không thể điều chỉnh mà phải phát ốm sốt rồi mới có thể trở về trạng thái bình thường", ông Ngô Văn Tuyển, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, phân tích.

Cần cẩn trọng kiểm soát lạm phát

Giá xăng dầu tăng mạnh tạo nên một mặt bằng giá mới trên thị trường. Giá cả rục rịch tăng, khiến dư luận lo ngại mục tiêu lạm phát sẽ có rất nhiều áp lực. Các cơ quan quản lý cũng đang căng mình theo dõi diễn biến giá, để có giải pháp điều hành phù hợp, kiềm chế lạm phát, ổn định đời sống của người dân.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Bá Khang, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính Quốc gia, thuộc Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, việc tăng giá xăng dầu rõ ràng là một yếu tố chính gây trở ngại trong công tác điều hành giá và kiểm soát lạm phát, bởi xăng dầu là đầu vào chính của nhiều hàng hóa dịch vụ, đặc biệt là lĩnh vực vận tải. Do vậy, giá xăng dầu tăng đồng nghĩa lạm phát sẽ tăng. 

Mặt khác, vì giá dầu tăng quá nhanh nên đã che lấp những tác động tích cực của gói hỗ trợ phục hồi, đặc biệt là gói hỗ trợ giảm thuế VAT cho một số mặt hàng dịch vụ, giá dầu cũng là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng lạm phát trong 2 tháng đầu năm. "Theo tính toán của chúng tôi, lạm phát bình quân quý I/2022 so với năm 2021 có thể tăng trong khoảng 2-2,2%”, ông Khang nhận định.

Để đối phó nguy cơ giá xăng, dầu trong nước liên tục tăng mạnh có thể kéo theo hệ lụy tăng giá các mặt hàng khác và cuối cùng là tác động lạm phát, các chuyên gia cho rằng chính sách điều hành vĩ mô cần phải chủ động kiềm chế.

"Thuế hoàn toàn có thể giảm xuống lúc này, nhất là thuế môi trường", ông Ngô Văn Tuyển, chuyên gia tài chính phân tích.

Trong bối cảnh hiện tại, các chuyên gia cho rằng rất cần có những kịch bản cụ thể khi giá dầu thế giới lên 150 USD, 200 USD một thùng, thậm chí cao hơn. Tương ứng với đó là những tính toán tác động tới lạm phát, sức chống chịu của từng nhóm đối tượng cụ thể (người dân, doanh nghiệp...) và các mức độ hỗ trợ từng nhóm này ra sao. Như vậy, phản ứng chính sách với diễn biến giá sẽ linh hoạt, hiệu quả hơn.

Báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 9, theo Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của Quốc hội trước tình hình xăng dầu liên tục tăng giá, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Tuy nhiên, cử tri vẫn kiến nghị về tình trạng giá xăng, dầu tăng kéo theo giá của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ, chi phí khác tăng khiến đời sống, sản xuất người dân gặp khó khăn hơn.

Trước tình trạng này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương, Tài chính và các bộ, ngành liên quan có giải pháp quản lý, kiểm soát hiệu quả giá cả hàng hóa, dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu hạn chế tình trạng “ăn theo” giá xăng dầu như hiện nay để trục lợi; quan tâm, có biện pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng phi mã trong thời gian tới? - Ảnh 2
TS Ngô Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Theo TS Ngô Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cơ quan quản lý còn có thể tính thêm các phương án giảm chính sách thuế khác, như thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bởi diễn biến địa chính trị khiến giá mặt hàng này khó đoán định.

"Xăng dầu tăng giá sẽ tác động rất lớn tới các ngành sản xuất, tiêu dùng, dịch vụ, nhất là vận tải khi loại nhiên liệu này chiếm 35-40% chi phí của doanh nghiệp vận tải. Cơ quan quản lý cần có kịch bản tính toán mức giá phù hợp sức chống chịu của nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp".

Lan Anh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng phi mã trong thời gian tới?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới