Chủ nhật, 24/11/2024 09:24 (GMT+7)
Thứ sáu, 13/05/2022 11:55 (GMT+7)

Giá xăng tăng kỷ lục, có nên giảm thêm thuế để hạ nhiệt?

Theo dõi KTMT trên

Dù đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường nhưng sau kỳ điều chỉnh ngày 11/5, giá xăng dầu vẫn tăng lên mốc 29.988 đồng/lít RON 95, mức cao nhất từ trước đến nay.

Ngày 11/5, giá xăng dầu trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng lần thứ 9 trong hơn 4 tháng đầu năm. Theo đó, xăng E5 RON 92 tăng 1.491 đồng/lít, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 1.554 đồng/lít. Sau khi tăng, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 28.950 đồng/lít và xăng RON 95 là 29.980 đồng/lít.

Hiện, giá bán lẻ xăng RON 95 đã tiến sát mốc 30.000 đồng/lít, mức cao nhất từ trước đến nay. Trước đó, giữa tháng 3, giá xăng trong nước xác lập kỷ lục với mức giá là 29.820 đồng/lít với xăng RON 95 và 28.980 đồng/lít với xăng E5 RON 92.

Thực tế, sau kỳ điều chỉnh lần này, giá bán lẻ nhiều mặt hàng xăng đã vượt 30.000 đồng/lít. Đơn cử, ở vùng II (địa bàn xa cảng, xa kho đầu mối, xa cơ sở sản xuất xăng dầu - PV) xăng RON 95 lên mức 30.570 đồng/lít; xăng RON 95 V (xăng cao cấp) lên mức 31.190 đồng/lít; E5 RON 92 lên 29.520 đồng/lít...

Vẫn tăng dù đã giảm thuế bảo vệ môi trường

Theo Nghị quyết 18, thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép giảm 700-2.000 đồng/lít từ ngày 1/4. Tuy nhiên, trải qua 5 kỳ điều chỉnh sau khi áp dụng mức giảm thuế, giá xăng dầu trong nước vẫn tăng cao.

Cụ thể, từ ngày 1/4 đến nay, giá xăng đã có 2 lần giảm và 3 lần tăng, đưa giá xăng quay về mức tương đương thời điểm cao kỷ lục giữa tháng 3.

Giá xăng tăng kỷ lục, có nên giảm thêm thuế để hạ nhiệt? - Ảnh 1
Giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 28.950 đồng/lít và xăng RON 95 là 29.980 đồng/lít, mức cao nhất từ trước đến nay.

Hiện, trong công thức tính giá cơ sở, các loại thuế phí vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong việc cấu thành giá xăng. Cơ cấu giá xăng RON 95 phải “cõng” 4 sắc thuế gồm thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, VAT 10% theo giá bán và thuế bảo vệ môi trường giảm 50% còn 2.000 đồng/lít.

Mỗi lít xăng cũng phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức (300 đồng/lít), mức trích lập quỹ bình ổn (300 đồng/lít) và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Thời gian qua, liên Bộ cũng đã sử dụng quỹ bình ổn giá theo hướng linh hoạt, giúp cho mặt hàng xăng dầu trong nước tăng thấp hơn đà tăng của thế giới.

Tuy nhiên, hướng giải pháp này không mấy khả quan trong trường hợp giá dầu thô tăng cao và dư địa quỹ bình ổn xăng dầu không còn nhiều, các doanh nghiệp lớn âm quỹ. Trong đó, Petrolimex âm 53 tỷ đồng (đến ngày 11/5), PVOil âm 1.065 tỷ đồng (tính đến 21/4)...

Về việc có giảm thêm giá xăng dầu trong thời gian tới, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết liên bộ Tài chính - Công Thương đang tiến hành xem xét, rà soát.

"Bên cạnh đó, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Quốc hội, liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục nghiên cứu và rà soát xem giảm được thêm thuế nào để phù hợp với tình hình chung, tránh thẩm lậu xăng dầu, tạo điều kiện nhất cho người dân", ông Hải nói.

Có nên giảm thêm thuế để hạ nhiệt?

Trước nguy cơ giá xăng, dầu trong nước liên tục tăng mạnh có thể kéo theo hệ lụy tăng giá hàng hóa, ảnh hưởng mục tiêu kiểm soát lạm phát, các chuyên gia cho rằng chính sách điều hành cần phải linh hoạt, chủ động hơn.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, giá xăng dầu trong nước hiện nay phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới và việc điều chỉnh hai “van” là thuế và quỹ Bình ổn giá (BOG). Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao, quỹ BOG cạn kiệt, thì việc hạ nhiệt giá xăng chỉ còn trông vào “van” thuế.

Hiện mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế gồm thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường. Nhưng trong số này, thuế bảo vệ môi trường đã giảm 50% từ 1/4. Thuế nhập khẩu đã ở mức thấp, chỉ còn thuế tiêu thụ đặc biệt là có thể giảm. Tuy nhiên, ông Long thừa nhận việc giảm thuế cho mặt hàng xăng dầu hiện nay là khó, do nguồn thu đang bị ảnh hưởng nặng nề. Thu thuế đối với mặt hàng nhiên liệu đóng vai trò rất lớn trong thu ngân sách.

“Bài toán giảm giá xăng dầu trong ngắn hạn là quá khó nhưng về lâu dài, điều chỉnh giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng xăng dầu là cần thiết. Nhà nước sẽ phải nghiên cứu rất kỹ và có giải pháp phù hợp, vừa kìm đà tăng giá xăng dầu, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách”, ông Long nhấn mạnh.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng giá xăng dầu đã được giảm 50% thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1/4. Nếu giảm nữa, chắc chắn không thể được bởi việc này cần được Quốc hội thông qua.

"Hơn nữa, về thuế nhập khẩu, hiện nay thuế nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam từ ASEAN chỉ khoảng 5% và đến năm sau sẽ về 0%. Do đó, việc giảm thuế này là không cần thiết", ông nói.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt, theo ông, hiện chỉ có xăng phải chịu 10% thuế tiêu thụ đặc biệt còn dầu thì không áp dụng. Vấn đề hiện nay là giảm giá xăng để làm gì?

"Hiện, thuế xăng, dầu của Việt Nam đang thấp hơn so với các nước trong khu vực, do đó nếu giảm giá xăng dầu quá thấp sẽ kéo theo tình trạng buôn lậu phát triển. Thực tế, ngay trong tháng 4-5 vừa qua, có một số vụ buôn lậu xăng dầu bị phát hiện ở phía biên giới Tây Nam", TS Đinh Trọng Thịnh cho biết.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Giá xăng tăng kỷ lục, có nên giảm thêm thuế để hạ nhiệt?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới