Chủ nhật, 24/11/2024 07:37 (GMT+7)
Thứ ba, 05/07/2022 07:04 (GMT+7)

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Những nút thắt chưa được tháo gỡ (Bài 3)

Theo dõi KTMT trên

Tại nhiều địa phương của tỉnh Vĩnh Phúc công tác quy hoạch địa điểm xây dựng các nhà máy xử lý rác thải còn nhiều bất cập, chưa chủ động điều chỉnh, bổ sung kịp thời, đồng bộ với quy hoạch đất đai.

Kết quả ban đầu

Nhiều năm qua, công tác quản lý vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn được tỉnh Vĩnh Phúc luôn được chính quyền các cấp quan tâm đặc biệt. Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Vĩnh Phúc, công tác quản lý rác thải trên địa bản tỉnh đã đạt những kết quả khả quan.

Theo số liệu từ “Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đạt trên 75% ở khu vực nông thôn, và trên 95% ở khu vực thành thị. Thậm chí, tại một số địa phương tỷ lệ thu gom rác đạt 100%.

Mạng lưới thu gom, vận chuyển rác thải đã được hình thành, bao phủ hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Sự tham gia của các doanh nghiệp có năng lực về quản lý, trang thiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển góp phần đưa tỷ lệ rác thải được thu gom cả ở khu vực thành thị và nông thôn được nâng cao. Đây là cơ sở quan trọng cho việc hình thành hệ thống thu gom, vận chuyển - xử lý đồng bộ theo mục tiêu đề ra.

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Những nút thắt chưa được tháo gỡ (Bài 3) - Ảnh 1
Một nhà máy xử lý rác trên địa bàn huyện Bình Xuyên.

Đi cùng với đó, các cơ chế, chính sách về quản lý rác thải đã được ban hành, góp phần giải quyết những khó khăn trong công tác quản lý rác thải ở các địa phương. Bước đầu, các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý rác thải tập trung tại các huyện Tam Dương, Yên Lạc đã được xây dựng nhờ các chính sách ưu đãi của địa phương.

Tại nhiều địa phương, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân đối công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đã có sự chuyển biến. Nhiều nơi trong tỉnh đã ban hành một số Nghị quyết chuyên đề, công tác chỉ đạo, quy hoạch, bố trí địa điểm, quỹ đất để phục vụ cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải.

Một số địa phương đã hình thành và duy trì được thường xuyên, hiệu quả các phong trào về bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý rác thải như huyện Vĩnh Tường, toàn tỉnh đã hình thành 832 câu lạc bộ bảo vệ môi trường do hội Cựu chiến binh quản lý,…

Nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý rác thải trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn có nhiều hạn chế, bất cập. Tỷ lệ rác được xử lý hợp vệ sinh còn rất thấp. Tình trạng tập kết, đổ thải rác thải gây ô nhiễm môi trường còn diễn ra phổ biến.

Hầu hết các bãi rác, lò đốt rác thải hiện đã quá tải, xuống cấp, công nghệ lạc hậu,... gây ô nhiễm môi trường, trong khi đó việc mở rộng, cải tạo còn nhiều khó khăn do thiếu kinh phí, do người dân phản đối hoặc không còn phù hợp với quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.

Việc triển khai xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tập trung còn chậm. Đến nay mới chỉ có nhà máy xử lý rác thải tại thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương đi vào hoạt động. Tuy nhiên công suất xử lý còn thấp, chưa đạt mục tiêu đã đề ra.

Riêng đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải hiện không còn phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn hiện nay. Hoạt động của các hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường còn nhiều khó khăn, do nguồn thu hạn chế; thu nhập của người thu gom rác còn thấp, điều kiện làm việc nặng nhọc, độc hại nhưng chưa có chế độ hỗ trợ phù hợp.

Trong khi đó, mức thu phí thấp mà cơ chế và nguồn hỗ trợ riêng cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải vẫn chưa có khiến nhiều địa phương lúng túng.

Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Những nút thắt chưa được tháo gỡ (Bài 3) - Ảnh 2
Công tác quản lý rác thải trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn có nhiều hạn chế, bất cập.

Về công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của chính quyền cấp huyện, cấp xã chưa thường xuyên, quyết liệt. Quản lý rác thải chưa thực sự được quan tâm, chỉ đạo thường xuyên và trở thành một tiêu chí đánh giá hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cấp huyện, cấp xã.

Nhận thức, ý thức của người dân về công tác thu gom, xử lý rác thải còn hạn chế, thói quen “Sạch nhà - Bẩn ngõ”, chây ì không đóng tiền dịch vụ vệ sinh môi trường còn phổ biến.

Tổ chức cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường hoạt động còn mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp, nhất là ở các hợp tác xã, tổ vệ sinh môi trường. Đến nay còn thiếu cơ chế quản lý hoạt động cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã.

Về công tác quy hoạch địa điểm xây dựng các nhà máy xử lý rác thải còn nhiều bất cập, chưa chủ động điều chỉnh, bổ sung kịp thời, đồng bộ với quy hoạch đất đai cho nên khi triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Không những vậy, từ thông tin về thực trạng một số dự án nhà máy xử lý rác thải ở các địa phương trong nước đã tạo tâm lý lo ngại, phản đối của người dân đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh.

Quy định về khoảng cách an toàn môi trường đối với cơ sở xử lý rác thải còn chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là đối với tỉnh có diện tích nhỏ, quy mô mật độ dân cư cao như Vĩnh Phúc.

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách pháp luật về thu hút đầu tư cho hoạt động thu gom, vận chuyển xử lý rác thải sinh hoạt, nhất là về đơn giá xử lý còn thấp, khiến nhiều doanh nghiệp còn chưa mặn mà trong việc đầu tư vào hoạt động này.

Theo thống kê của Vụ Năng lượng tái tạo (Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương), với dân số hơn 93 triệu người, hằng năm, lượng rác được thải ra tại Việt Nam là rất lớn, trung bình có gần 35.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt đô thị và 34.000 tấn chất thải sinh hoạt nông thôn thải ra mỗi ngày. Riêng các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM, mỗi ngày có từ 7.000 - 8.000 tấn rác thải. Chưa kể lượng rác thải nông nghiệp từ cây trồng, chế biến nông - lâm - thủy sản... đều là tài nguyên.

Nguồn thải lớn nhưng khoảng 85% lượng rác thải hiện nay tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp; vừa lãng phí, đòi hỏi nhiều quỹ đất vừa gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đất, nước, không khí, nhất là tại các thành phố lớn.

Bài tiếp - "Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Mạnh tay chi nghìn tỉ cho những mục tiêu nào? (Bài 4)"

Hoàng Hải - Hà Nam

Bạn đang đọc bài viết Báo động vấn đề rác thải sinh hoạt tại Vĩnh Phúc: Những nút thắt chưa được tháo gỡ (Bài 3). Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết tại Hà Tĩnh
Ngày 26/8, Hội đồng tiêu hủy vật chứng tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã tiến hành tiêu hủy 5 cá thể hổ đã chết vốn là tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã.

Tin mới