Chủ nhật, 24/11/2024 07:37 (GMT+7)
Thứ năm, 31/03/2022 14:00 (GMT+7)

Giải pháp nào hạn chế xâm nhập mặn tại các tỉnh miền Tây?

Theo dõi KTMT trên

Hạn mặn trở thành nỗi lo của người dân nhiều khu vực tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Sự xuất hiện nghiêm trọng của hiện tượng này đã khiến hàng triệu người dân khu vực ĐBSCL lâm vào cảnh thiếu nước ngọt.

Mặn tiếp tục xâm nhập sâu trong tháng 4

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo, từ nay đến đầu tháng 4/2022, tại Long An và các tỉnh miền Tây, xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra ở khu vực cửa sông chính, trong đó trên hệ thống sông Vàm Cỏ độ mặn vào sâu từ 80 - 90km. Ven biển Tây, có hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào hoạt động nên tình hình xâm nhập mặn được chủ động kiểm soát.

Tuy nhiên, trong thời gian trên, tại vùng giữa ĐBSCL (bao gồm phần đất thuộc TP.Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre), mặn có thể xâm nhập sâu đến 52-60 km (tuỳ cửa sông), làm ảnh hưởng đến các cửa lấy nước vào những ngày triều cường lên cao, từ ngày 30/3 đến 2/4. Theo đó, vùng ven biển ĐBSCL (Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang) có thể bị ảnh hưởng đến sản xuất.

Mặn bất thường, hạn hán thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa có kiểm soát mặn triệt để. Vì vậy, cần tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để có giải pháp ứng phó.

Giải pháp nào hạn chế xâm nhập mặn tại các tỉnh miền Tây? - Ảnh 1
Từ nay đến đầu tháng 4/2022, Long An và các tỉnh miền Tây xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra ở khu vực cửa sông chính. (Ảnh minh họa)

Cũng trong thời gian từ nay đến 2/4, tại sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây, triều cường lên cao nên nồng độ mặn trên sông sẽ có xu hướng tăng mạnh. Do đó, công tác vận hành các cống lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp giữa hai sông Vàm Cỏ cần chú ý để có biện pháp ngăn mặn kịp thời, tránh ảnh hưởng tới quá trình lấy nước sản xuất nông nghiệp…

Trước thực trạng hạn hán và mặn xâm nhập diễn ra thường xuyên, khốc liệt hơn, những năm gần đây, các địa phương vùng ĐBSCL đã triển khai các biện pháp cần thiết để chủ động nguồn nước như: Nghiên cứu đề xuất quy hoạch hệ thống thủy lợi, trạm bơm, cống, nạo vét kênh mương, lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến, quy hoạch trữ nước trong các ao, kênh, rạch; hướng dẫn hộ dân vùng khó khăn về nước sạch đào ao, giếng, trang bị bồn chứa, túi chứa... tích trữ nước ngọt vào mùa mưa, sử dụng trong mùa khô...Riêng với người dân cũng ngày càng linh động, phản ứng nhanh với thông tin, dự báo hạn hán, mặn xâm nhập.

Thiếu nước ngọt – nước sạch trầm trọng

Hạn mặn trở thành nỗi lo của người dân nhiều khu vực tại ĐBSCL, đặc biệt là các khu vực giáp biển. Bởi trong thực tế, việc thiếu nước ngọt – nước sạch một cách trầm trọng trong mùa khô những năm trước đã trở thành bài học kinh nghiệm đắt giá với nhiều gia đình.

Sự xuất hiện của hạn - mặn nghiêm trọng, cũng đã gây thiệt hại hàng trăm nghìn ha lúa và hoa màu, khiến cho hàng triệu người dân khu vực ĐBSCL lâm vào cảnh thiếu nước ngọt. Đặc biệt, nhiều nơi không thể khoan giếng ngầm (vì nhiễm phèn mặn) trong khi nước máy chưa kéo tới, mặn tràn vào nên “khát giữa vùng sông nước”. Tần suất xuất hiện hạn nghiêm trong thường xuyên, cường độ lớn và quy mô rộng hơn.

ĐBSCL là một trong các vùng có tiềm năng nước ngầm lớn nhất nước ta, với 7 tầng chứa nước chính, chiều sâu phân bố từ vài chục mét đến 500-600 m. Các khu vực tiềm năng nguồn nước ngọt lớn gồm: Bạc Liêu, Long An, Đồng Tháp, Cà Mau, Trà Vinh, Cần Thơ. Trữ lượng khai thác tiềm năng nước ngọt khoảng 22,5 triệu m3/ngày, trữ lượng tiềm năng nước lợ, mặn khoảng 39 triệu m3/ngày. Trong đó, trữ lượng khai thác an toàn nước ngọt toàn vùng khoảng 4,5 triệu m3/ngày.

Tuy nhiên, chỉ tính riêng trong mùa khô năm 2019 - 2020, trên 160 công trình cấp nước tập trung vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn khiến khoảng 430.000 người dân trong vùng gặp khó khăn về nước sinh hoạt.

Các chuyên gia chỉ ra rằng, sự phát triển nhiều hồ chứa nước và các tác động khai thác đất, rừng của con người ở thượng nguồn khiến dòng sông bị thay đổi dòng chảy, nước lũ chảy về hạ nguồn muộn và thấp hơn so với nhiều năm trước.

PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang, Viện phó Viện Môi trường Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) nhận định, lũ lụt, hạn hán là hai sự kiện cực trị của thủy văn nhưng diễn biến theo xu hướng ngày càng cực trị hơn, tức lũ giảm, hạn tăng là một thách thức lớn ảnh hưởng tài nguyên nước của ĐBSCL. Nếu không có giải pháp ứng phó với các yếu tố bất thường từ thượng lưu sẽ gây hậu quả khó lường".

Ngoài ra, tình trạng nước biển dâng, dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn, có năm vào sâu khoảng 100 km, gây nhiều thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của người dân. Về vấn đề này, PGS Quang đề xuất cần xây dựng hệ thống kiểm soát tình trạng xâm nhập mặn và tác động lũ lụt từ phía biển.

"Thuận thiên" để thích ứng

Thực tế cho thấy, sau 4 năm triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP, về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, ĐBSCL đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Nghị quyết 120/NQ-CP ra đời là quyết sách sống còn, đã xác định tầm nhìn dài hạn, yêu cầu thay đổi tư duy, kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển vùng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, bảo đảm cuộc sống khá giả của người dân ĐBSCL. Đó là tư duy đột phá: Thích ứng thuận theo tự nhiên và quy hoạch không gian tích hợp.

Mặt khác, nghị quyết này đã giúp giải quyết một trong những “điểm nghẽn” cho sự phát triển của ÐBSCL - cơ chế liên kết và điều phối hoạt động cấp vùng. Đối với sự phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH phải "lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng, cần phải được quản lý tổng hợp trên toàn lưu vực. Bên cạnh tài nguyên nước ngọt, cần coi nước lợ, nước mặn cũng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế…”.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, từ việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 120/NQ-CP, ĐBSCL đã có những thay đổi, chuyển mình mạnh mẽ theo hướng thuận thiên, bền vững; sinh kế, đời sống của người dân từng bước được cải thiện.

Bên cạnh đó, mạng lưới quan trắc, giám sát khí hậu, thời tiết được tăng cường, chất lượng dự báo khí tượng thủy văn, cảnh báo sớm thiên tai được nâng cao. Riêng đợt hạn mặn 2019-2020, nhờ chủ động dự báo chính xác, kịp thời chuyển đổi cơ cấu sản xuất nên mặc dù mức độ khắc nghiệt và diện rộng hơn đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016 nhưng đã giảm được 90% diện tích lúa bị ảnh hưởng, người dân được mùa, gạo được giá.

Đặc biệt, tăng trưởng GDP luôn ở mức cao, trong hai năm liên tục 2018 và 2019 tăng trưởng rất ấn tượng khoảng 7,3%. Bức tranh phát triển ĐBSCL càng được tô điểm thêm nhiều gam màu tươi sáng khi định hình được không gian phát triển thông qua kết nối hạ tầng giao thông, liên kết vùng có nhiều tiến triển. Điều này góp phần thay đổi bộ mặt của vùng ĐBSCL.

GS.TS. Mai Trọng Nhuận, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban Quốc gia về biến đổi Khí hậu phân tích, trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng cũng như việc sử dụng nước thượng nguồn sẽ khiến hệ sinh thái mặn lợ ngày càng tăng, còn hệ sinh thái nước ngọt từ phía tây xuống ngày càng giảm. Đó là quy luật mà xưa nay chúng ta chưa tính đến đầy đủ để thiết kế, xây dựng chủ trương, chính sách, quy hoạch cho phù hợp. Đó cũng là quy luật mà chúng ta có thể nhìn thấy trước, bởi BĐKH chưa dừng lại được vì cho đến khi giảm phát thải xuống bằng 0 thì đến năm 2050, BĐKH mới bắt đầu mới giảm tác động. Vì vậy, chúng ta cần chủ động thích ứng, ứng phó mới đạt hiệu quả, góp phần làm giảm tổn thất, chi phí.

Sự ra đời Nghị quyết 120/NQ-CP là minh chứng cụ thể cho việc chuyển từ thế bị động sang chủ động để dễ thích ứng với BĐKH, chủ động ứng phó với những biến động bất lợi từ bên ngoài, trong đó có cả dịch bệnh. Sự chủ động được thể hiện thông qua nhận thức, tư duy, đặc biệt là thông qua quy hoạch, kế hoạch và chiến lược để thích ứng.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào hạn chế xâm nhập mặn tại các tỉnh miền Tây?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới