Chủ nhật, 24/11/2024 05:53 (GMT+7)
Thứ ba, 19/07/2022 13:42 (GMT+7)

Giải pháp nào kiểm soát tiêu thụ điện tăng cao mùa nắng nóng?

Theo dõi KTMT trên

Theo các chuyên gia, việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả không chỉ giúp khách hàng giảm chi phí tiền điện phải trả hàng tháng, mà còn góp phần vận hành hệ thống điện an toàn, liên tục, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của khách hàng.

Tiêu thụ điện kỷ lục vì nắng nóng

Diễn biến thời tiết nắng nóng gay gắt diện rộng ở miền Bắc trong những ngày gần đây đã làm tiêu thụ điện của miền Bắc tăng rất mạnh. 

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, vào trưa ngày 18/7, công suất tiêu thụ điện của miền Bắc đã lập mức đỉnh mới là 22.800 MW, cao hơn tới khoảng 4.200 MW so với cùng kỳ 2021 (tương đương mức tăng 22,6%) và cũng cao hơn 500 MW so với mức kỷ lục điện tiêu thụ gần đây nhất là vào ngày 21/6/2022.

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện miền Bắc tăng rất cao do nắng nóng gay gắt kéo dài, nguồn phát điện cũng gặp khó khăn. Một số tổ máy nhiệt điện đã gặp sự cố như: Cẩm Phả, Thăng Long, Quảng Ninh, Ninh Bình, Mông Dương 2 với tổng công suất không phát điện được tương ứng khoảng 1.555 MW.

Giải pháp nào kiểm soát tiêu thụ điện tăng cao mùa nắng nóng? - Ảnh 1
So sánh công suất tiêu thụ điện miền Bắc. (Nguồn: EVN)

“Thời tiết nắng nóng kéo dài cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm. Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện”, đại diện EVN cho hay.

Theo nhận định của cơ quan khí tượng, trong hai ngày 18-19/7 Hà Nội ghi nhận mức nhiệt cao nhất 38 độ C. Khu vực bước vào hai ngày đầu tuần với nắng nóng đỉnh điểm khi nhiều nơi có thể trên 38 độ C.

Cùng với nắng nóng gay gắt, ngay việc sử dụng điện trong sinh hoạt, nguy cơ quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ vào những ngày nắng nóng cao điểm cũng sẽ tăng cao so với bình thường.

Theo EVN, để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như nguy cơ cháy nổ trong gia đình và để đảm bảo cân đối được cung - cầu điện, đề nghị người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối, cụ thể là buổi trưa từ 11h30 đến 14h30, buổi tối từ 20h00 đến 22h. Đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện từ đầu năm đến nay tăng rất cao (như than, khí, dầu ….), việc sử dụng điện tiết lại càng rất cần thiết và hết sức có ý nghĩa, góp phần giảm bớt chi phí cho hệ thống điện quốc gia.

Kiểm soát hiệu quả, tiết điện năng lượng

Thời tiết nắng nóng có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới khiến nhu cầu sử dụng điện của người dân để làm mát tăng cao. Theo ông Trần Văn Gia, Trưởng Ban Kinh doanh, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, thông thường vào mùa nắng nóng, lượng điện tiêu thụ trong mỗi gia đình đều tăng, khiến cho hóa đơn tiền điện của khách hàng cũng tăng từ 30-50%, thậm chí có hộ tăng 100%. 

Ông Gia khuyến nghị, khi thời tiết nắng nóng, người dân cần sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, kiểm soát các thiết bị điện có mức tiêu thụ điện lớn như điều hòa nhiệt độ, các thiết bị làm mát… bởi thiết bị điều hòa không khí có mức tiêu thụ điện lớn chiếm 28% đến 64%, cá biệt có trường hợp chiếm 80% chi phí điện năng của cả gia đình.

Chỉ cần nhiệt độ ngoài trời tăng lên 1 độ C thì tiêu thụ điện của điều hòa tăng từ 2 – 3%, khi nhiệt độ tăng khoảng 5 độ C thì điện năng tiêu thụ tăng khoảng 10%. Vì vậy, để tránh việc hóa đơn tiền điện tăng, khách hàng nên cài đặt điều hòa ở nhiệt độ ban ngày từ 26-28­­­­ độ C (khi nhiệt độ ngoài trời trên 35 độ C), ban đêm từ 25-27 độ C. Riêng các thiết bị điện khác, nếu không sử dụng nên tắt nguồn, rút phích cắm, không để chế độ ngâm điện để vừa tránh tiêu hao điện năng, vừa tránh được nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư.

Việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả không chỉ giúp khách hàng giảm chi phí tiền điện phải trả hàng tháng, mà còn góp phần vận hành hệ thống điện an toàn, liên tục, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của khách hàng.

Cùng quan điểm, ông Lê Ánh Dương, nguyên Phó Tổng giám đốc EVNHANOI cũng cho rằng, việc sử dụng điện tiết kiệm là giải pháp tối ưu nhất nhằm giúp hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định. Chính vì vậy, EVNHANOI đã thường xuyên khuyến nghị khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện trong giờ cao điểm của hệ thống điện (bao gồm khung giờ từ 11h00 - 14h00 và từ 18h00 - 23h00 hàng ngày).

Cụ thể, đối với các hộ gia đình, cần sử dụng thiết bị điện hợp lý, chọn mua thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng (càng nhiều sao càng tiết kiệm điện năng); thường xuyên vệ sinh bảo dưỡng để thiết bị hoạt động ổn định, tiết kiệm; rút phích cắm khi không sử dụng,...

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, cần bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế vận hành các thiết bị điện có công suất lớn (như máy nghiền, máy nén khí…) vào giờ cao điểm từ 17h - 20h hằng ngày; đầu tư, cải tiến, thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu, hiệu suất thấp bằng các thiết bị có hiệu suất cao và tiết kiệm điện. 

Ngoài ra, EVNHANOI cũng mong muốn các khách hàng sản xuất đầu tư, lắp đặt thêm hệ thống điện mặt trời mái nhà để sử dụng luôn nguồn điện mặt trời tại chỗ; vừa giúp tiết kiệm chi phí tiền điện, vừa giúp làm mát nhà xưởng và lại có thời gian hoàn vốn đầu tư tốt.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp nào kiểm soát tiêu thụ điện tăng cao mùa nắng nóng?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới