Chủ nhật, 24/11/2024 08:01 (GMT+7)
Thứ sáu, 23/12/2022 09:01 (GMT+7)

Giải pháp phát huy hiệu quả công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Ngày 22/12 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo “Tổng kết hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội năm 2022 của Liên hiệp Hội Việt Nam và các Hội thành viên”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, TSKH Phan Xuân Dũng nêu rõ: Mặc dù vẫn chịu tác động của đại dịch Covid-19 nhưng trong năm 2022, Liên hiệp Hội Việt Nam đã chủ trì thực hiện hơn 20 nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội, trong đó những nhiệm vụ rất quan trọng, được thực hiện theo yêu cầu các cơ quan Trung ương. Ngoài ra, Liên hiệp Hội Việt Nam đã phối hợp với các Hội thành viên tổ chức nhiều hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội có ý nghĩa, góp phần đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, Liên hiệp Hội Việt Nam cũng tổ chức 2 hội thảo tập huấn tại Yên Bái và Tây Ninh nhằm trao đổi kinh nghiệm hoạt động, nâng cao năng lực, giúp các Hội thành viên có thêm điều kiện để triển khai những nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội có ý nghĩa, góp phần hoàn thiện chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương...

Giải pháp phát huy hiệu quả công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam - Ảnh 1
Quang cảnh hội thảo.

Theo Tổng Thư ký Liên hiệp hội Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến, hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội ngày càng được Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên coi trọng. Các hội thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam đã tập hợp được nhiều chuyên giỏi về chuyên môn và tâm huyết; sẵn sàng gia tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án với Đảng và Nhà nước... Tuy nhiên, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn do các nhiệm vụ thường có khối lượng tài liệu lớn, nội dung mới (biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn…) và phức tạp (quy hoạch quốc gia, đội ngũ trí thức, giáo dục đào tạo…), thời gian thực hiện ngắn, chế độ chưa tương xứng. Một số vấn đề tư liệu, tài liệu không đầy đủ, đã ảnh hưởng đến chất lượng tư vấn, phản biện. Việc đặt hàng của cơ quan Đảng và nhà nước chưa gắn với các điều kiện như kinh phí và các điều kiện khác, khiến cho hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của các hội, nhất là các hội chuyên ngành gặp khó khăn và bị động. Bên cạnh đó, một số nhà khoa học còn có tâm lý e ngại, nể nang nên tiếng nói phản biện của Liên hiệp Hội và các hội thành viên còn chưa mạnh mẽ...

Giải pháp phát huy hiệu quả công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam - Ảnh 2
Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, bà Bùi Kim Tuyến – Trưởng ban Ban TVPB&GĐXH cho biết: Theo Kết luận 93-KL/TW đã khẳng định và đánh giá cao các kết quả TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên, thể hiện sự quan tâm của các cơ quan ban ngành trong hệ thống chính trị đã tạo thêm động lực và sự phấn khởi để các Hội thành viên tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến góp phần xây dựng và hoàn thiện chính sách.

Giải pháp phát huy hiệu quả công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam - Ảnh 3
Tổng Thư ký Liên hiệp hội Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến phát biểu tại hội thảo.

Hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên ngày càng được các hội thành viên coi trọng và trở thành nhiệm vụ không thể thiếu được của tất cả các hội thành viên. Các hội thành viên của Liên hiệp Hội Việt Nam tập hợp được nhiều chuyên giỏi về chuyên môn và tâm huyết; sẵn sàng gia tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương, chính sách, chương trình, dự án với Đảng và Nhà nước. Các ý kiến TVPB&GĐXH của Liên hiệp Hội Việt Nam và các hội thành viên khá độc lập, khách quan, hầu như không có sự ràng buộc, ảnh hưởng bởi các cơ quan có thẩm quyền liên quan.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả, bảo đảm các ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội của các tổ chức nghề nghiệp có giá trị thiết thực và mang tính khả thi, tính thuyết phục, ông Đặng Văn Thanh (Hiệp Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam) đề nghị cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Về phía Liên hiệp Hội và các hội thành viên, ông cho rằng phải chú trọng phân tích, lý giải làm rõ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học của các kiến nghị, các đề xuất, giải pháp. Liên hiệp Hội Việt Nam cần đóng vai trò chỉ đạo, tổ chức và kết nối các hoạt động của các hội thành viên hoạt động, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng về kỹ năng, nghiệp vụ... cũng như cần có sự chia sẻ, phối hợp hoạt động và hỗ trợ lẫn nhau giữa các hội thành viên. Về phía nhà nước, cần có quy chế quy định tiêu chí cụ thể những dự án phải qua tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Cần có văn bản quy định cụ thể mang tính bắt buộc đối với các cơ quan, các lĩnh vực phải thực hiện việc tư vấn, phản biện và giám định xã hội...

Giải pháp phát huy hiệu quả công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam - Ảnh 4
Trưởng ban Ban TVPB&GĐXH Bùi Kim Tuyến phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Nguyễn Vi Khải - Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, để Liên hiệp hội Việt Nam thực hiện tốt những nhiệm vụ về hoạt động Tư vấn phản biện và giám định xã hội (TVPB & GĐXH) cần phải đáp ứng đủ 5 yếu tố:

- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về phát huy dân chủ ở cơ sở. Hoạt động động TVPB&GĐXH có nội dung sát thực - kịp thời thông tin về hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền các cấp, nhất là xây dựng và tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án có tác động, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân; về đạo đức, lối sống, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

- Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hoá kịp thời, đầy đủ quyền và trách nhiệm tham gia giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy vai trò giám sát của nhân dân (giám sát trực tiếp và giám sát thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội); trách nhiệm trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị sau giám sát; cơ chế tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; cơ chế để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử; chế tài xử lý tổ chức, cá nhân không hợp tác, gây khó khăn, cản trở hoạt động giám sát, phản biện xã hội hoặc lợi dụng quyền giám sát, phản biện xã hội để gây tổn hại cho tổ chức, cá nhân. Quy định kinh phí bảo đảm cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội.

Giải pháp phát huy hiệu quả công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam - Ảnh 5
Nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Vi Khải nêu ra 5 giải pháp phát huy tốt vai trò của công tác TVPB & GĐXH.

- Các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội theo hướng: Chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng; có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng giám sát theo chuyên đề, tập trung vào những chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Tăng cường giám sát thực hiện kiến nghị của cử tri và nhân dân; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Công khai, minh bạch kết quả giám sát, phản biện xã hội theo quy định.

- Kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, bản lĩnh, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội; đồng thời đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý nhà nước. Có cơ chế động viên, khuyến khích đoàn viên, hội viên, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, người có uy tín … tham gia giám sát, phản biện xã hội. Kịp thời tôn vinh, khen thưởng, nhân rộng mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong công tác này.

- Hoàn thiện hệ thống pháp lý nhằm phát huy vai trò chủ trì, tính chủ động của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; tăng cường phối hợp, hiệp thương thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên trong xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát, phản biện xã hội…

Bạn đang đọc bài viết Giải pháp phát huy hiệu quả công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới