Chủ nhật, 24/11/2024 05:50 (GMT+7)
Thứ sáu, 21/10/2022 22:18 (GMT+7)

Nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường cho hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và truyền thông, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng của VUSTA và các tổ chức thành viên.

Sáng 21/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo Nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường cho các hội thành viên thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.

Nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường cho hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam - Ảnh 1
Toàn cảnh hội thảo Nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường cho các hội thành viên thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.

Tại hội thảo, đại diện VUSTA khẳng định, công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức về môi trường nói riêng đã được Đảng, Nhà nước quan tâm từ nhiều năm nay.

Cụ thể, đã có nhiều chủ trương, giải pháp với các vấn đề môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, như các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến Đại hội XIII; các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 1991; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường…

Đặc biệt, Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 25/6/1998 về Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đã chỉ rõ: Bảo vệ môi trường là một vấn đề sống còn của đất nước, của nhân loại.

Chỉ thị đã đưa ra 8 giải pháp lớn về bảo vệ môi trường, trong đó giải pháp đầu tiên là:  “Thường xuyên giáo dục, tuyên truyền, xây dựng thói quen, nếp sống và các phong trào quần chúng bảo vệ môi trường”.

Trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Điều 154 quy định “Truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường”.

Nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường cho hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam - Ảnh 2
Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức của VUSTA.

Thời gian qua, các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức nói chung và trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nói riêng đã được VUSTA cùng các hội thành viên tập trung triển khai thực hiện.

Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức của VUSTA cho biết, hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và truyền thông, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường nói riêng là một nhiệm vụ quan trọng của VUSTA và các tổ chức thành viên. Hiện có hàng chục hội và tổ chức khoa học công nghệ đang hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến môi trường.

Nhằm tập hợp các nhà khoa học, phát huy sự cống hiến và tạo môi trường cho các nhà trí thức, khoa học giỏi chuyên môn trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam, Ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức đã tham mưu, triển khai nhiều hội thảo, tọa đàm, các chương trình tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ truyền thông và phổ biến kiến thức của nhiều ngành nghề, lĩnh vực cho người dân. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ngăn chặn sự suy thoái môi trường và thúc đẩy các phương pháp phát triển bền vững nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam, giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức về môi trường cho cộng đồng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Khi được nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ môi trường sẽ góp phần thúc đẩy cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, giáo dục môi trường thường được thực hiện theo 3 cách tiếp cận:

Thứ nhất, xem môi trường là một đối tượng khoa học, người dạy truyền đạt cho người học các kiến thức của bộ môn khoa học về môi trường, cũng như phương pháp nghiên cứu về đối tượng đó.

Thứ hai, xem môi trường thiên nhiên hoặc nhân tạo như một địa bàn, một phương tiện để giảng dạy, học tập, nghiên cứu.

Thứ ba, truyền đạt kiến thức về bản chất, đặc trưng của môi trường nhằm hình thành thái độ, ứng xử, ý thức trách nhiệm, quan niệm giá trị nhân cách, đạo đức đúng đắn về môi trường, cung cấp tri thức kỹ năng, phương pháp cần thiết cho những quyết định, hành động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Ông Trình cho rằng, giáo dục môi trường có hiệu quả nhất khi kết hợp cả 3 cách tiếp cận trên. Đây là một quá trình đòi hỏi sự bền bỉ, thời gian dài và đặc biệt là sự kết hợp hài hòa và tổng hợp các giải pháp.

Nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường cho hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam - Ảnh 3
GS.TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam.

Trong khi đó, TS. Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, cán bộ muốn hoàn thành nhiệm vụ được giao, điều quan trọng là phải có nhận thức đầy đủ và có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Do vậy, tăng cường công tác truyền thông, phổ biến kiến thức cho đội ngũ cán bộ thuộc các hội thành viên trong hệ thống VUSTA là rất cần thiết và cấp thiết.

VUSTA cần tăng cường các lớp bồi dưỡng, đào tạo giảng viên cho các hội thành viên. Cùng với đó, cần thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên đề với các hội thành viên; xây dựng đề tài phản biện và giám định xã hội về phổ biến kiến thức bảo vệ môi trường; tổ chức các diễn đàn thường niên về bảo vệ môi trường.

Ngọc Thiện

Bạn đang đọc bài viết Nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường cho hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới