Chủ nhật, 24/11/2024 07:28 (GMT+7)
Thứ tư, 22/09/2021 08:00 (GMT+7)

Giãn cách xã hội khiến nhu cầu mua sắm qua mạng ở Hà Nội tăng 50%

Theo dõi KTMT trên

Theo Sở Công Thương Hà Nội, mức tiêu thụ hàng hóa của người dân Thủ Đô trên thương mại điện tử trong đợt giãn cách tăng từ 30-50% so với những ngày bình thường.

Theo ghi nhận của Tổ Công tác Đặc biệt khu vực phía Bắc (Bộ Công Thương), ngày 20/9, thị trường hàng hóa trên địa bàn Hà Nội tương đối ổn định. Nguồn cung hàng hóa đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của người dân mặc dù có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa (gồm 38/449 chợ và 7/1.800 cửa hàng tiện ích). 

Trên địa bàn Thành phố đã triển khai nhiều mô hình cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân như: tổ chức 73 điểm bán hàng lưu động tại 11 quận, huyện; 21 điểm siêu thị 0 đồng thuộc Chương trình “Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội Trái tim hồng”.

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, qua 4 lần giãn cách, ngành Công Thương vẫn đảm bảo công tác cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn.

Giãn cách xã hội khiến nhu cầu mua sắm qua mạng ở Hà Nội tăng 50% - Ảnh 1
Mức tiêu thụ hàng hóa trên thương mại điện tử ở Hà Nội tăng từ 30-50% so với những ngày bình thường. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt, trong đợt giãn cách thứ 4, khi Thành phố phân làm 3 vùng chống dịch, Sở Công Thương đã xây dựng phương án cụ thể điều phối hàng hóa giữa 3 vùng, đảm bảo hàng hóa được vận chuyển, lưu thông bình thường, không để thiếu hàng, tăng giá.

Bên cạnh việc đảm bảo tiêu thụ nông sản cho các huyện của Hà Nội, Sở Công thương còn hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho 22 tỉnh, thành phố lân cận Hà Nội. Tính riêng 10 ngày qua, Hà Nội đã tiêu thụ trên 200 nghìn tấn nông sản, thủy hải sản của các tỉnh.

Ngoài việc tạo mọi điều kiện cho phương tiện vận chuyển hàng hóa được lưu thông bình thường, Hà Nội cũng quan tâm xét nghiệm, tiêm vaccine cho lao động trong hệ thống phân phối hàng hóa, đến nay đều được tiêm ít nhất 1 mũi.

Sở Công Thương cũng đã chỉ đạo đa dạng hóa các hình thức bán hàng, nhất là thương mại điện tử. Theo thống kê, mức tiêu thụ trên thương mại điện tử tăng từ 30-50% so với những ngày bình thường. 

Nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Sở Công Thương cho biết sẽ tham mưu, ban hành tiêu chí an toàn sản xuất kinh doanh. Hướng dẫn các đơn vị xây dựng phương án đảm bảo sản xuất an toàn; nắm bắt đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp để tham mưu với Thành phố và Trung ương hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc,...

Khi tình hình dịch được kiểm soát, Sở sẽ tham mưu Thành phố cho triển khai các đợt kích cầu thương mại, giúp các doanh nghiệp xúc tiến tiêu thị sản phẩm, nhất là các làng nghề.

Về việc quản lý hoạt động vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân sau ngày 21/9, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã tham mưu Thành phố tiếp tục duy trì các chốt ở cửa ngõ Thủ đô để kiểm soát việc ra vào Thành phố, đảm bảo giữ gìn thành quả phòng, chống dịch trong thời gian qua.

Đối với vận tải nội đô, Sở tham mưu Thành phố tiếp tục tạm dừng các hoạt động vận tải hành khách công cộng đi và đến Hà Nội cũng như trên địa bàn Thành phố. Vận chuyển hàng hóa nội đô sẽ tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT, tạo thuận lợi tối đa cho vận chuyển hàng hóa,...

Đối với hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe 2 bánh, Sở nghiên cứu cho phép mở lại 1 số hoạt động shipper công nghệ với lượng phù hợp để vận chuyển hàng hóa cũng như đồ ăn mang về, phục vụ nhu cầu nhân dân, vừa đảm bảo đời sống, công ăn việc làm cho nhóm đối tượng này. 

Nguyễn Luận

Bạn đang đọc bài viết Giãn cách xã hội khiến nhu cầu mua sắm qua mạng ở Hà Nội tăng 50%. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới