Chủ nhật, 24/11/2024 07:00 (GMT+7)
Thứ tư, 21/04/2021 06:30 (GMT+7)

Gỡ 'nút thắt' để khai mở tài nguyên

Theo dõi KTMT trên

Trước những khó khăn trong công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản trong năm qua, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã đề ra những chính sách cụ thể để khắc phục, đồng thời tạo cơ chế xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội.

Theo đó, Tổng cục đã đề ra các giải pháp cụ thể như: Phát huy truyền thống đoàn kết, kiên cường, dũng cảm, chịu gian khổ vượt mọi khó khăn trong mọi giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển; tuyên truyền giải thích kết hợp với tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi để CBCNV và người lao động của Tổng cục lao động và phát huy hết sức lực và tài năng của mình trong thực hiện các đề án địa chất và có được thu nhập đảm bảo cuộc sống; tranh thủ mọi sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo trong việc đầu tư nâng cao cơ sở vật chất, thiết bị và mạnh dạn ứng dụng công nghệ hiện đại trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, nhất là khoáng sản ẩn sâu và nghiên cứu địa chất và khoáng sản trên biển.

Gỡ 'nút thắt' để khai mở tài nguyên - Ảnh 1
Moong khai thác đá vôi xi măng mỏ Ninh Dân tại xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.

Ngoài ra, quyết liệt trong việc sắp xếp tinh giản một số đầu mối trong các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm lao động gián tiếp đến mức tối đa; giảm thời gian xem xét dự toán và kế hoạch thi công hàng năm và sớm bố trí vốn và giao kế hoạch cho các đơn vị; có những hình thức khen thưởng kịp thời với những cá nhân và tập thể có những thành tích trong lao động sản xuất, nhất là có những nghiên cứu và phát hiện mới về địa chất và khoáng sản.

Đặc biệt, việc tiến hành các đề án điều tra cơ bản địa chất bằng nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân đóng góp mới thực hiện từ năm 2014 đến nay với khoảng gần 150 tỉ VNĐ/30 đề án và việc thực hiện tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 61/2014/TTLT- BTNMT-BTC-BKHĐT ngày 14/11/2014 về việc hướng dẫn thủ tục góp vốn, quản lý vốn góp của tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản. Kết quả đã góp phần đẩy nhanh tiến độ điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, làm rõ được tài nguyên khoáng sản để bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến khoáng sản, giảm được một số tồn tại khai thác khoáng sản trái phép như khoáng sản vàng, đá khối làm đá ốp lát và đá cảnh, khoáng chất công nghiệp, nước nóng, nước khoáng, đất hiếm kiểu ion hấp thụ...

Tích cực mở rộng hợp tác quốc tế với các nước có trình độ phát triển về khoa học địa chất và khoáng sản như: Anh, Úc, Nga và Trung Quốc; đào tạo và đào tạo lại lực lượng khoa học công nghệ thông qua hình thức tại chỗ như giao nhiệm vụ cụ thể, gắn trách nhiệm trong các đề án có sự hướng dẫn của các chuyên gia; hoàn thiện cơ bản các quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản phù hợp với trình độ phát triển và năng lực công nghệ tiên tiến của các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã cho thấy vẫn còn những hạn chế như số đề án chủ yếu là các đề án đánh giá khoáng sản, không có đề án điều tra địa chất khác như tai biến, môi trường địa chất, di sản địa chất và công viên địa chất, các đề án điều tra địa chất, địa chất công trình ngoài biển và ven biển....

Trước thực trạng đó, cần xem xét nội dung giảm rủi ro, tăng quyền lợi của tổ chức cá nhân góp vốn vào các đề án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản để đưa vào Thông tư sửa đổi thay thế Thông tư 61; xem xét việc lựa chọn đối tượng, diện tích điều tra, khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phải có những số liệu khá tin cậy về địa chất và khoáng sản, triển vọng về tài nguyên với quy mô lớn cần được cụ thể trong quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; xem xét quyền lợi cụ thể rõ ràng với việc sử dụng những số liệu về địa chất và khoáng sản khi các tổ chức cá nhân khác muốn sử dụng cho mục tiêu nghiên cứu trong đề án địa chất khác để thể hiện trong thông tư; xem xét tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng nhất giúp tổ chức, cá nhân góp vốn tiếp tục các đề án thăm dò và khai thác và các dự án khác liên quan theo kết quả điều tra ghi nhận được...  

Gỡ 'nút thắt' để khai mở tài nguyên - Ảnh 2
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP.Đà Nẵng.

Chủ mỏ phải cược tiền trước khi được cấp phép

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và hoạt động khai thác khoáng sản, đặc biệt là đối với khoáng sản nhỏ, lẻ, UBND TP.Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu, trước khi cấp phép mới, gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản (đất đồi, đá, đất sét, cát), các đơn vị, cá nhân được khai thác phải nộp số tiền cược tối thiểu là 500 triệu đồng, tùy thuộc vào quy mô, công suất, khối lượng được phép khai thác. Số tiền cược này không kể số tiền ký quỹ, cải tạo phục hồi môi trường theo quy định.

Số tiền cược này sẽ được sử dụng để bảo đảm việc hoàn thổ nơi khai thác hoặc xử phạt nếu sau quá trình khai thác, đơn vị không thực hiện việc hoàn thổ hoặc chưa thực hiện các xử phạt vi phạm khác. Trường hợp kinh phí hoàn thổ và nộp phạt không đủ, đơn vị sẽ phải bổ sung thêm kinh phí để làm; nếu đơn vị hoàn thành việc hoàn thổ, UBND thành phố sẽ kiểm tra và hoàn trả số tiền cược nêu trên cho đơn vị, cá nhân liên quan. Sở đang phối hợp với liên ngành tổng kiểm tra, rà soát, tính toán lại các phương án cải tạo, phục hồi môi trường, số tiền ký quỹ của các đơn vị khai thác khoáng sản phải phù hợp với thực tế để sau khi kết thúc khai thác, hoàn thổ đảm bảo an toàn, cảnh quan phủ cây xanh và môi trường.

Cục Thuế thành phố thường xuyên rà soát, kiểm tra việc chấp hành nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và các nghĩa vụ về tài chính liên quan khác của các doanh nghiệp, đơn vị được UBND thành phố cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố (đặc biệt là các đơn vị khai thác với công suất lớn, các đơn vị khai thác khoáng sản trái phép,…); có biện pháp truy thu đối với các nguồn thuế và các khoản ngân sách bị thất thu; đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định đối với các doanh nghiệp, đơn vị có hành vi chây ì, không chấp hành đầy đủ việc nộp thuế, trốn thuế. Đơn vị nào không chấp hành, báo cáo UBND thành phố dừng ngay việc cấp phép khai thác và không cho phép tham gia các dự án, công trình trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, Sở TN&MT TP.Đà Nẵng đang phối hợp với Công an thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan định kỳ 1 quý/1 lần (không kể đột xuất) kiểm tra việc khai thác theo đúng các nội dung được quy định tại Giấy phép tránh tình trạng khai thác trái phép, khai thác ngoài khu vực cấp phép khai thác... và việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động khai thác tại các mỏ khoáng sản trên địa bàn thành phố.

Gỡ 'nút thắt' để khai mở tài nguyên - Ảnh 3
Ông Nông Văn Chiêm, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Cao Bằng.

Tăng cường quản lý khoáng sản phân tán nhỏ, lẻ

Tính đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 4 Quyết định về việc phê duyệt kết quả khoanh định các khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ, lẻ có liên quan đến các khu vực trên địa bàn tỉnh Cao Bằng với 13 khu vực, trong đó, có 11 khu vực khoáng sản mangan, 1 khu vực khoáng sản vàng và 1 khu vực khoáng sản sắt.

Trong đó, có 6 khu vực khoáng sản mangan đã được UBND tỉnh Cao Bằng quản lý, cấp phép trong giai đoạn trước Luật Khoáng sản 2010 nên không còn giá trị tài nguyên, không có nhà đầu tư có nhu cầu tiếp tục khai thác khoáng sản, đã đóng cửa mỏ khoáng sản theo quy định; có 4 khu vực đã được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản, đang hoạt động và chuẩn bị hoạt động; có 3 khu vực đang lập thủ tục cấp Giấy phép hoạt động khoáng sản, nhưng trong đó có 2 khu vực đang tạm dừng do liên quan đến đất quy hoạch rừng phòng hộ, khu vực biên giới và 1 khu vực còn vướng mắc về cấp Quyết định chủ trương đầu tư.

Vậy, có thể thấy thực trạng các khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ, lẻ đã được Bộ TN&MT phê duyệt, công bố mà có thể huy động vào khai thác, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương là không đáng kể. Tuy nhiên, các khu vực khoáng sản có thể khoanh định, phê duyệt, công bố là khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ, lẻ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vẫn còn có giá trị, có thể huy động sớm khai thác để đáp ứng nhu cầu sử dụng trên địa bàn. Ngày 29/12/2017, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định số 2665/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Cao Bằng giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030. Theo đó, có 79 điểm mỏ được quy hoạch thăm dò mỏ khoáng sản đã được cơ quan Trung ương bàn giao cho tỉnh Cao Bằng quản lý, đáp ứng đủ tiêu chí khoanh định là khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ, lẻ.

Tuy vậy, công tác phê duyệt, công bố khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ còn chậm, dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ và định hướng hoạt động của các cơ sở chế biến, sử dụng khoáng sản đã được đầu tư trên địa bàn.

Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước và khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản phân tán nhỏ, lẻ trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, Sở đã rà soát, khoanh định, hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND tỉnh nhiều lần kiến nghị Bộ TN&MT phê duyệt, công bố các khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ, lẻ. Xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, không để xảy ra hiện tượng khai thác khoáng sản trái phép trong các khu vực đề nghị phê duyệt là khu vực có khoáng sản nhỏ lẻ, phân tán.

Đề nghị UBND tỉnh cho phép tạm ứng kinh phí để lập Đề án; kiến nghị Bộ TN&MT và được chấp thuận cho phép lập, thi công các đề án điều tra, đánh giá khoáng sản bằng nguồn vốn góp của các doanh nghiệp. Đối với các khu vực đã được Bộ TN&MT phê duyệt, công bố là khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ, lẻ, Sở đã chủ động, khẩn trương tham mưu để UBND tỉnh quyết định các nội dung theo đúng trình tự, quy định của pháp luật về khoáng sản. Hoạt động khai thác khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ, lẻ được tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật về khoáng sản, góp phần tăng thu ngân sách, đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng khoáng sản trên địa bàn.

Lan Chi - Xuân Lam - Nguyễn Hùng

Bạn đang đọc bài viết Gỡ 'nút thắt' để khai mở tài nguyên. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Dự kiến có 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo 6 Tiêu chuẩn quốc gia về môi trường, bao gồm các phương pháp quan trắc, phân tích môi trường không khí, nước, đất và trầm tích...

Tin mới