Chủ nhật, 24/11/2024 01:21 (GMT+7)
Thứ hai, 07/10/2024 15:19 (GMT+7)

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Suy ngẫm về các nguồn vốn phát triển của Hà Nội

Theo dõi KTMT trên

Tạp chí Kinh tế Môi trường xin đăng tải bài viết "Suy ngẫm về các nguồn vốn phát triển của Hà Nội, định hướng sử dụng và bảo vệ" của GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng ban Khoa học VIASEE để hiểu kỹ hơn về những lợi thế, hạn chế Thủ đô Hà Nội.

Mở đầu

Hà Nội những ngày tháng Mười năm 2024 tưng bừng với nhiều hoạt động chào mừng 70 năm Giải phóng Thủ đô. Mọi người dân đều nhận ra những đổi thay to lớn của Hà Nội trong những năm qua, với các công trình xây dựng hoành tráng, những điểm check-in tuyệt đẹp và không khí lao động, không khí sống với đầy năng lượng, nhiệt huyết. Không vui sao được khi tăng trưởng kinh tế của Hà Nội luôn đạt mức khá cao, bình quân 6,83%/năm; GRDP/người năm 2020 đạt 5.325 USD, gấp 2,3 lần năm 2010. Bộ mặt Thủ đô ngày một thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn, xã hội ổn định, an ninh được giữ vững, được nhân dân các tỉnh bạn và khách nước ngoài ghi nhận, đánh giá cao.

Trong những ngày này, báo chí, truyền hình và các phương tiện đại chúng đã đăng tải, trình chiếu nhiều hình ảnh, thông tin về những đổi mới rất đáng tự hào của Thủ đô và tin tưởng, dự báo những thành tựu mà chắc chắn Hà Nội sẽ gặt hái được trong thời gian tới. Nhất là khi Hà Nội vừa tiếp nhận một loạt văn bản luật, chính sách, quy hoạch được ban hành nhằm thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của Thủ đô Hà Nội. Đó là: (1).  Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 05 tháng 5 năm 2022 về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây viết tắt là Nghị quyết 15-NQ/TW); (2). Luật Thủ đô - Luật số 39/2024/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 28 tháng 6 năm 2024 (sau đây gọi tắt là Luật Thủ đô) và (3). Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây viết tắt là Quy hoạch Thủ đô) đã được Bộ Chính trị, Quốc hội cho ý kiến, được Hội đồng Nhân dân Hà Nội thông qua.

Cả ba văn bản này đều nêu bật những thành tựu mà chính quyền và nhân dân Hà Nội đã thu được trong thời gian qua, nhưng điều chúng tôi ấn tượng hơn là các văn bản này cũng đã chỉ ra nhiều hạn chế, thách thức và cả yếu kém của Hà Nội để chính quyền và nhân dân Thủ đô cần sớm khắc phục để giúp tăng trưởng của Hà Nội nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Chúng tôi rất quan tâm đến những điều nêu trong Nghị quyết 15-NQ/TW, đặc biệt là: “Bên cạnh những kết quả và thành tích đã đạt được, Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Nhiều tiềm năng, lợi thế của Thủ đô vẫn chưa được đánh giá, khai thác, phát huy đầy đủ. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững”.

Quả thật, đánh giá hạn chế, yếu kém này có phần nghiêm khắc và tổng quát nên không phải ai cũng hiểu hết để khắc phục. Vì vậy, chúng tôi vẫn muốn có thêm những giải mã, tìm hiểu kỹ hơn, chi tiết hơn đánh giá về hạn chế, yếu kém thông qua suy ngẫm và nhận dạng các vốn/nguồn lực/tiềm năng/lợi thế phục vụ phát triển của Hà Nội.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Suy ngẫm về các nguồn vốn phát triển của Hà Nội - Ảnh 1
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Trưởng ban Khoa học, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

I. Các loại vốn phát triển và kết quả tính cho Việt Nam của Ngân hàng Thế giới thời gian qua

Trong đánh giá của Bộ chính trị có nêu: “Nhiều tiềm năng, lợi thế của Thủ đô vẫn chưa được đánh giá, khai thác, phát huy đầy đủ” nên chắc chắn Hà Nội phải làm rõ các tiềm năng, lợi thế của mình là gì, định lượng được không, mức độ bao nhiêu và liệu có thể nâng cao giá trị trong suốt quá trình phát triển không?

Thật ra, tiềm năng và lợi thế của Hà Nội đã có đánh giá nhưng mới ở mức tương đối, có phần định tính như vị trí của Hà Nội có lợi thế cao cho phát triển (là Thủ đô, ở trung tâm vùng Đồng bằng Sông Hồng, thuộc tam giác kinh tế lớn nhất miền Bắc…); Có nguồn nhân lực chất lượng cao (tập trung nhiều nhà khoa học, nhiều thợ lành nghề, nhiều doanh nhân…); Nguồn lực cơ sở vật từng bước hiện đại (hệ thống nhà máy, khu công nghiệp, hệ thống giao thông, hệ thống đô thị…)… Tuy nhiên, vấn đề định lượng hóa các tiềm năng, lợi thế vẫn cần được nghiên cứu, xác định để có thể dễ nhận dạng, theo dõi và kiểm soát trong quá trình phát triển. Trong thời đại kinh tế số, kỹ thuật số thì định lượng các lợi thế, tiềm năng thành các giá trị theo một phương pháp hợp lý là bước quan trọng đầu tiên và chỉ có định lượng được thì mới có thể xem xét, đánh giá chi tiết cụ thể. Trước khi tiến hành tính toán cho Hà Nội, cần tìm hiểu rộng hơn về những tính toán chung cho cả nước để hiểu về phương pháp tính và có thêm kết quả so sánh.

Hiện nay, đánh giá tiềm năng phát triển kinh tế của một quốc gia, vùng lãnh thổ được thực hiện thông qua tính toán các tài sản/nguồn vốn phát triển. Ngân hàng Thế giới (WB) đã tiến hành xây dựng phương pháp và tính toán các vốn này cho nhiều quốc gia từ năm 1995. Đã có 4 lần WB công bố kết quả tính toán nhưng rất tiếc lần tính đầu tiên không có kết quả cho Việt Nam, có thể do WB không có đủ số liệu về Việt Nam.

Theo WB, cả giá trị GDP và giá trị nguồn lực/tài sản/vốn phát triển đều là những chỉ thị số cung cấp bức tranh đầy đủ hơn về phúc lợi kinh tế. Toàn bộ Tài sản của một quốc gia bao gồm: vốn sản xuất như nhà máy và đường sá; vốn tự nhiên như rừng, đất đai, khoáng sản…; vốn con người được dùng để tạo thu nhập; và tài sản nước ngoài ròng. Chỉ khi hiểu rõ về tài sản của mình chúng ta mới có thể lập kế hoạch phát triển cho một tương lai bền vững hơn. Tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn đòi hỏi phải đầu tư và quản lý danh mục tài sản to lớn này, bởi vì GDP chỉ đo lường thu nhập và sản xuất mà không phản ánh được những thay đổi trong cơ sở tài sản cơ bản.

Trong các ấn phẩm của WB đều trình bày các phương pháp tính toán các giá trị tài sản cùng nguồn số liệu tính toán. Trong trường hợp thiếu số liệu của các quốc gia, phải sử dụng số liệu từ nguồn số liệu toàn cầu hoặc ước tính nên chắc chắn kết quả sẽ mắc sai số lớn hơn. Việt Nam cũng được coi là nước có số liệu đầu vào hạn chế nên nếu các nhà khoa học trong nước tính toán lại kết quả dựa trên nguồn số liệu đáng tin cậy thì sẽ có kết quả cao hơn. Mặc dù vậy, các kết quả do WB tính toán vẫn giúp hình dung được mức tài sản hiện có và khả năng sử dụng để tìm cách không ngừng làm gia tăng các nguồn vốn cho tương lai.

Theo WB, các ước tính về tổng vốn/ tài sản (total wealth) được cung cấp theo bốn loại tài sản:

- Vốn sản xuất và đất đô thị (produced capital) - máy móc, tòa nhà, thiết bị và đất đô thị (dân cư và phi dân cư), được đo lường theo giá thị trường. Để ngắn gọn, thuật ngữ vốn sản xuất bao gồm cả vốn sản xuất và đất đô thị.

- Vốn tự nhiên (natural capital) - năng lượng (dầu, khí đốt, than cứng và than mềm) và khoáng sản (10 loại), đất nông nghiệp (đất trồng trọt và đất chăn thả), rừng (gỗ và một số sản phẩm rừng không phải gỗ) và các khu bảo tồn. Vốn tự nhiên được đo lường là tổng chiết khấu của giá trị tiền thuê (tô) tạo ra trong suốt vòng đời của tài sản.

- Vốn con người (human capital) - giá trị kỹ năng, kinh nghiệm và nỗ lực của dân số lao động trong suốt cuộc đời của họ được phân tách theo giới tính và tình trạng việc làm (có việc làm, tự kinh doanh). Vốn con người được đo lường là giá trị chiết khấu của thu nhập trong suốt cuộc đời của một người.

- Tài sản nước ngoài ròng (net foreign assets) - tổng tài sản và nợ phải trả bên ngoài của một quốc gia; cả đầu tư trực tiếp nước ngoài và tài sản dự trữ.

Để dễ so sánh các vốn này được xác định theo đơn vị đô la Mỹ, tỷ giá hối đoái thị trường trên đầu người nhưng cũng có thể tính theo đồng tiền quốc gia hoặc đồng Đô la quốc tế tính theo sức mua tương đương.

Các giá trị vốn/tài sản này được tính cho từng quốc gia, từng nhóm quốc gia giúp hiểu rõ hơn bức tranh chung về phân bố tổng tài sản trên thế giới, về mức đóng góp của các thành phần trong tổng tài sản và khả năng thay đổi tổng tài sản cũng như của từng thành phần theo thời gian. Nếu kết quả ước tính đủ độ tin cậy, được xây dựng dưới dạng cơ sở dữ liệu thì giúp việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đạt hiệu quả cao. WB cũng chỉ ra rằng: đối với một quốc gia, GDP và thay đổi của nó nêu mức độ phát triển nhưng không chỉ rõ khả năng phát triển bền vững, trong khi có các giá trị vốn phát triển và thay đổi của nó sẽ là chỉ thị cho phát triển bền vững. Chỉ khi phát triển với GDP tăng nhưng các vốn tài nguyên cũng tăng thì phát triển mới có khả năng ổn định, bền vững.

Để thấy rõ điều này, xin dẫn ra và phân tích kết quả tính toán giá trị tổng vốn và các thành phần cho Việt Nam được trình bày trong các công trình của WB. Chúng tôi đã tiếp cận phương pháp tính toán các nguồn vốn phát triển của WB từ hơn 10 năm trước và đã cùng nhóm nghiên cứu triển khai tính thử cho một số địa phương như Thanh Hóa, Quảng Trị và Hà Nội, qua đó nhận ra rằng: có thể triển khai tính toán trong điều kiện Việt Nam.

Chúng tôi cũng lấy làm tiếc khi chưa thấy các cơ quan, nhà khoa học đề cập nhiều về vấn đề này nên trong loạt bài viết mới đây trên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã giới thiệu và phân tích các kết quả mà WB đã tính toán cho Việt Nam có so sánh với kết quả của một số nước khác. Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc thiết lập dự án tiến hành tính toán các nguồn vốn phát triển theo phương pháp của WB cho Việt Nam theo số liệu thực của Việt Nam và xây dựng thành cơ sở dữ liệu để có thể luôn cập nhật và trích rút phục vụ nhiệm vụ lập quy hoạch, kế hoạch phát triển cũng như đánh giá hiệu quả thực hiện các quy hoạch, kế hoạch này.

Trong bài viết này chỉ xin cập nhật kết quả tính toán mới nhất của WB (xuất bản năm 2021, tính cho năm 2018 ) có so sánh với các kết quả trước đó và kết quả tính đối với một số quốc gia khác.

Bảng 1. Tỷ lệ đóng góp (%) của các vốn trong tổng vốn phát triển của một số quốc gia, cột cuối cùng là tổng tài sản quốc gia tính bằng USD/người (tính theo USD 2018) [2].

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Suy ngẫm về các nguồn vốn phát triển của Hà Nội - Ảnh 2

Xét về tổng tài sản, Việt Nam vẫn xếp sau các nước trong bảng 1, nhưng xét chung thì cao hơn nhiều nước châu Phi và châu Á. Nếu so với Thái Lan thì tốc độ tăng trưởng tổng vốn quốc gia của Việt Nam cao hơn chút ít, trong khi dân số Việt Nam cũng tăng nhanh hơn nên khoảng cách giữa hai quốc gia có thay đổi nhưng không nhiều. Nếu muốn đuổi kịp Thái Lan thì Việt Nam còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Xét về tỷ lệ vốn tài nguyên thiên nhiên thì Việt Nam có tỷ lệ cao nhất, tới 21,06%, nghĩa là nền kinh tế Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tài nguyên thiên nhiên. Có lẽ vì cơ sở hạ tầng và đô thị hóa ở Việt Nam vẫn đang phát triển mạnh nên vốn sản xuất còn ở mức thấp chỉ đóng góp 16,17% vào tổng vốn phát triển. Nhìn vào tỷ lệ đóng góp của vốn con người chúng ta có thể yên tâm với mức đóng góp khá cao, lên tới 67,1%, đây là điều cần xem xét, đánh giá thêm để phát huy. Hiện tại, Việt Nam vẫn huy động vốn ODA và vốn vay từ nước ngoài nên tỷ trọng vốn tài sản nước ngoài ròng trong tổng vốn còn khá cao, mang dấu âm (có thể coi là nợ) với mức trên 4%.

Để so sánh, xin dẫn ra kết quả tính lần trước đó của WB (công bố năm 2018, tính cho 2014) ở bảng 2 dưới đây.

Bảng 2. Tỷ lệ đóng góp (%) của các vốn trong tổng vốn phát triển của một số quốc gia, cột cuối cùng là tổng tài sản quốc gia tính bằng USD/người (tính theo USD 2014) [1].

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Suy ngẫm về các nguồn vốn phát triển của Hà Nội - Ảnh 3

So sánh số liệu từ 2 bảng trên có thể thấy, ngay rằng Malaysia có sự thay đổi rất lớn, đặc biệt là tổng vốn quốc gia giảm và tổng vốn con người cũng giảm từ 180.782 USD/người theo tính toán cho 2014, xuống 118.362 USD/người, theo tính toán cho 2018. Chúng tôi đã phải xem đi xem lại và thấy mức giảm này khó giải thích, chắc chỉ có những nhà khoa học, nhà quản lý Malaysia kiểm tra lại mới giải thích được.

Từ so sánh số liệu 2 bảng có thể thấy, tỷ lệ đóng góp của vốn con người của Việt Nam tăng đáng kể, từ khoảng 50% năm 2014, lên 67.1% năm 2018. Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng cũng rất cần kiểm tra lại, làm rõ nguyên nhân nào, những yếu tố nào quyết định sự tăng này, để duy trì và tìm cách để tiếp tục tăng thêm trong tương lai. Về lý thuyết thì khi mức GDP càng cao, mức phát triển càng cao thì tỷ lệ đóng góp của vốn con người càng tăng cao, và tỷ lệ đóng góp của vốn tài nguyên thiên nhiên càng giảm. Các nước phát triển cao thuộc OECD có tỷ lệ đóng góp của vốn con người có thể lên tới trên 70%, còn tỷ lệ đóng góp của vốn tài nguyên thiên nhiên chỉ còn ở mức vài %, thậm chí dưới 3% [3], [4].

Xét về giá trị từng nguồn vốn theo các kết quả tính của WB (bảng 3) cho thấy, vốn sản xuất và vốn tài nguyên thiên nhiên có phần suy giảm sau hai lần tính, đây là điểm đáng phải suy nghĩ và Việt Nam phải kiểm tra lại, tính lại. Mặc dù vốn con người tăng lên rất nhiều, từ 13.740 USD/người năm 2014, lên 22.870 USD/người năm 2018 là tín hiệu đáng mừng nhưng vẫn phải kiểm tra lại nguồn số liệu đầu vào có thật sự chính xác không, tính toán có đúng không để hiểu đúng xu thế tăng trưởng của nguồn vốn này.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Suy ngẫm về các nguồn vốn phát triển của Hà Nội - Ảnh 4
Bảng 3. Giá trị vốn phát triển của Việt Nam tính bằng USD/người.

Rõ ràng, khi nhận dạng được các loại nguồn vốn, đưa ra được cách tính toán định lượng giá trị từng loại nguồn vốn và tổng vốn quốc gia giúp xây dựng được cơ sở dữ liệu để cập nhật liên tục. Nhưng cũng phải liên tục kiểm tra nguồn số liệu đầu vào thì mới đảm bảo độ chính xác, độ tin cậy cao của kết quả tính toán. Hy vọng công việc này sớm được thực hiện tại Việt Nam để có câu trả lời xác đáng.

II. Nhận dạng vốn phát triển của Thành phố Hà Nội

Phần trên đã trình bày cách nhận dạng, tính toán đánh giá và những kết quả xác định tổng vốn quốc gia cùng các thành phần cho nhiều quốc gia. Vấn đề đặt ra là liệu các cách thức tiếp cận, các phương pháp nêu trên có áp dụng được cho quy mô nhỏ hơn như cho các tỉnh, các thành phố hay không. Tham khảo các tài liệu và tìm hiểu kỹ chúng tôi cho rằng, về nguyên lý hoàn toàn có thể áp dụng cách tiếp cận và phương pháp tính toán nguồn vốn phát triển cho quy mô nhỏ hơn.

Theo nhận xét của nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz được nêu lại trong [1] thì một doanh nghiệp luôn được đánh giá bằng cả báo cáo thu nhập và bảng cân đối kế toán (tài sản và nợ phải trả, hoặc của cải). Tương tự như vậy, một lãnh đạo, một ông chủ tương lai có thể thế chấp bằng cách chứng minh cả thu nhập và tài sản ròng của mình - bức tranh thực sự về độ lớn kinh tế đòi hỏi phải xem xét cả thu nhập và của cải/tài sản mình có. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều khi hiệu quả kinh tế của các quốc gia chỉ được đánh giá dựa trên thu nhập quốc dân, của cải/tài sản thường bị bỏ qua.

Việc mở rộng các biện pháp mà các nhà kinh tế, nhà hoạch định chính sách, khu vực tư nhân và xã hội dân sự sử dụng sẽ giúp đánh giá được tiến trình kinh tế. Nếu không có các chỉ số hướng tới tương lai hoặc xem xét trong giai đoạn đủ dài, chúng ta khó có thể đo lường chính xác tiến trình kinh tế. Về bản chất, sự giàu có/tài sản liên quan đến tương lai – quyết định dòng thu nhập mà mỗi tài sản có thể tạo ra trong suốt vòng đời của nó. Đo lường được những thay đổi về sự giàu có hay vốn/tài sản cho phép chúng ta theo dõi tính bền vững của sự phát triển, một mối quan tâm cấp bách hiện nay và là một chỉ số quan trọng định hướng Mục tiêu Phát triển Bền vững. GDP cho biết, thu nhập có tăng hay không; sự giàu có cho biết, triển vọng duy trì thu nhập đó và sự tăng trưởng của nó trong dài hạn. Chúng là các chỉ số bổ sung cho nhau. Đây là một chiến lược có chủ đích để xây dựng cầu nối giữa các ngành bằng cách chứng minh, cách tiếp cận toàn diện về sự giàu có, cung cấp một góc nhìn hữu ích, thực sự cần thiết, để xem xét một loạt các mối quan tâm về phát triển - tính bền vững của sự phát triển. Điều này có thể đúng đối với nhiều đối tượng ở nhiều quy mô khác nhau nên phải tìm mọi cách định lượng các vốn/tài sản của các đối tượng/chủ thể.

Các văn bản pháp luật đã nêu ở phần mở đầu nhiều lợi thế, nguồn lực, cơ hội phát triển của Hà Nội. Trong quy hoạch Thủ đô đã trình bày khá chi tiết những tiềm năng lợi thế của Hà Nội. Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài báo chỉ xin khái quát lại những lợi thế, tiềm năng, nguồn lực sau:

- Về vị trí, Hà Nội là trung tâm phát triển kinh tế của cả nước, là đầu não chính trị, trung tâm phát triển văn hóa, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của vùng Đồng bằng Sông Hồng và cả nước; là nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ qua đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế

- Hà Nội được Quốc hội ban hành Luật riêng, Luật Thủ đô, trao nhiều quyền hạn và tạo cơ chế đặc thù để phát triển.

- Hà Nội là thành phố có diện tích khá lớn, 3.359,84 km2 là 1 trong 17 Thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới. Vì vậy, quy mô diện tích Hà Nội đủ lớn để phát triển toàn diện và có thể coi là chỉnh thể tương đối độc lập.

- Hà Nội có dân số đứng hàng thứ hai cả nước (chỉ sau TP.HCM). Năm 2022 đạt 8.435,65 nghìn người, trong đó dân số khu vực thành thị chiếm 49,1%. Lực lượng lao động (LLLĐ) của Hà Nội khá dồi dào, đạt khoảng 4.125 nghìn người năm 2020 và đạt 4.012 nghìn người năm 2022, trong đó bao gồm cả lao động nhập cư. Chất lượng lao động thuộc loại khá cao so với mặt bằng chung của cả nước, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên 70,25% năm 2020 và 72,23% năm 2022. Tỷ lệ LLLĐ qua đào tạo có bằng/chứng chỉ bao gồm các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học đạt 48,5% năm 2020 và 50,31% năm 2022, cao hơn so với mặt bằng cả nước; cao hơn so với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả TP.HCM. Năm 2022, năng suất lao động của Hà Nội đạt 304,76 triệu đồng/lao động/năm, cao hơn khoảng 1,6 lần so với năng suất lao động cả nước, cao hơn 1,2 lần bình quân chung vùng ĐBSH nhưng chỉ bằng 0,85 lần Hải Phòng (357,59 triệu đồng) và bằng 0,92% TP.HCM (328,17 triệu đồng). Tuy nhiên, khi so với một số quốc gia thì chỉ bằng 19,78% Singapore; 39,58% Hàn Quốc. Đây là điều quan trọng cần tính đến khi tính toán vốn con người của Hà Nội.

- Hà Nội có điều kiện địa lý đa dạng, có cả vùng đồi núi với đỉnh Ba Vì cao trên 1200m, có vùng đồng bằng rộng lớn (khoảng ¾ tổng diện tích tự nhiên), địa hình bằng phẳng, đất đai màu mỡ, trù phú thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Hà Nội có khí hậu nhiệt đới với mùa đông lạnh, có thể phát triển được cả một số cây trồng vùng ôn đới.

- Hà Nội có hệ thống giao thông khá hiện đại, là đầu mối giao thông có thể đi lại giao thương thuận lợi, nhanh chóng qua hệ thống đa dạng, bao gồm: đường bộ, sắt, thủy và hàng không. Cơ sở hạ tầng phát triển nhanh, từng bước hiện đại với cảng hàng không lớn, hệ thống đường bộ nối với các địa phương bằng đường cao tốc nhiều làn xe, đường sắt đi nhiều tỉnh thành cả nước.

- Hà Nội có quá trình đô thị hóa nhanh, mạnh với tỷ lệ đô thị ở mức 49,1% (năm 2022) và vẫn trên đà tăng trưởng. Cơ sở hạ tầng đô thị đã được cải thiện và đang được đầu tư phát triển.

- Mặc dù Hà Nội không cho phép xây dựng cơ sở công nghiệp lớn phát thải nhiều chất ô nhiễm trên địa bàn thành phố nhưng vẫn hình thành nhiều khu công nghiệp (KCN) khá lớn, hiện có 10 khu công nghiệp đã thành lập, đang hoạt động hoặc trong quá trình triển khai hạ tầng với tổng diện tích 1.728,4 ha. Ngoài ra, còn có nhiều cụm công nghiệp (CCN) và nhiều làng nghề với sản phẩm đa dạng.

- Hệ thống dịch vụ Hà Nội đã được nâng cấp nhiều mặt, cả cơ sở hạ tầng, cả đầu tư con người và tạo cơ chế tốt để phát triển. Dịch vụ đào tạo với nhiều trường đại học, cao đẳng, dạy nghề (cả công lập, dân lập, tư thục, có vốn nước ngoài) đang hoạt động và còn tiếp tục xây dựng. Tương tự như vậy, hệ thống Y tế đã được nâng cấp, đã trang bị nhiều thiết bị hiện đại, có thể điều trị nhiều loại bệnh nguy hiểm. Hệ thống này đã thu hút nhiều cơ sở ngoài công lập, cơ sở quốc tế, có vốn, nhân lực từ nước ngoài nên chất lượng khám chữa bệnh không ngừng tăng lên. Hà Nội có nhiều phong cảnh đẹp, có nhiều di tích lịch sử, là thành phố vì hòa bình và thân thiện, có nền ẩm thực phong phú nên đã thu hút lượng khách du lịch lớn, cả khách trong và ngoài nước.

Và còn nhiều lợi thế khác nữa chứng tỏ Hà Nội có tiềm năng lợi thế phát triển cao nhưng những nhận định trên vẫn mang tính định tính, chưa có giá trị định lượng hướng tới tạo GRDP cho thành phố.

Vì vậy, trong quá trình lập báo cáo môi trường chiến lược (ĐMC) cho Chiến lược và Quy hoạch tổng thể Phát triển Kinh tế - Xã hội của Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (đã được thẩm định năm 2011), chúng tôi đã tiến hành tính toán các vốn phát triển cho Hà Nội. Quả thật, ý tưởng tính toán này đưa ra nhưng nhiều người vẫn không tin tưởng là liệu có làm được không và làm được thì kết quả có sử dụng được không. May mắn là trước đó nhóm nghiên cứu ở Khoa Môi trường đã thử nghiệm tính toán các vốn phát triển cho Thanh Hóa qua Khóa luận tốt nghiệp của một sinh viên hệ chất lượng cao và cho tỉnh Quảng Trị trong một đề tài nghiên cứu khoa học “Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường bền vững tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2009 – 2015” nên đã rút ra được kinh nghiệm để thực hiện cho Hà Nội. Có lẽ khó khăn nhất khi tính toán định lượng vốn phát triển cho một vùng lãnh thổ không phải là thiếu phương pháp mà là số liệu thô đầu vào. Ở Hà Nội giai đoạn 2010-2011 rất khó tìm kiếm số liệu phục vụ tính toán, nhưng nhờ sự giúp đỡ của Cơ quan xây dựng Chiến lược và Quy hoạch, cùng sự năng động của cán bộ trẻ nên đã thu thập được đủ số liệu cho việc ước tính các vốn tài nguyên cho Hà Nội. Đến năm 2010, WB mới có báo cáo thứ nhất với tiêu đề: “Where is the Wealth of Nations? -  Measuring Capital for the 21st Century” công bố năm 2006 và trong công trình này chưa tính các vốn phát triển cho Việt Nam.

Ngoài tổng tài sản các vốn thành phần được tính toán chỉ bao gồm: Vốn tài sản dưới lòng đất (khoáng sản); Tài nguyên gỗ; Tài nguyên rừng ngoài gỗ; Vốn vùng bảo vệ; Vốn Đất trồng trọt; Vốn Đất chăn nuôi; Vốn tự nhiên; Vốn sản xuất + đất đô thị, Vốn vô hình (chủ yếu là vốn con người). Vì vậy, chúng tôi chủ yếu dựa vào phương pháp được trình bày trong công trình này của WB và một tài liệu tập huấn do Nhóm nghiên cứu của Đại học Tổng hợp Copenhagen, Đan Mạch đưa đến trình bày ở Bộ Kế hoạch đầu tư năm 2008. Sau đó mới có công bố của WB năm 2011 tính các nguồn vốn cho các quốc gia vào năm 2005, trong đó có Việt Nam.

Hầu hết các tài nguyên thiên nhiên đã được định lượng, số hóa thành các số liệu cơ bản để ước lượng nguồn lợi hiện tại là: khối lượng/sản lượng tài nguyên được sản xuất hoặc khai thác, giá tài nguyên và chi phí sản xuất/khai thác. Trong tính toán đã sử dụng giá thu mua tại địa phương nếu có số liệu, còn lại giá thu mua trung bình sản phẩm ở Việt Nam được sử dụng, số liệu của FAO cũng được xem xét nhưng mang tính chất so sánh chênh lệch nhiều hơn là cho tính toán, vì trên thực tế, giá xuất khẩu khác khá xa so với giá địa phương. Số liệu chi phí sản xuất là số liệu trong nước nếu có số liệu. Trong trường hợp không có số liệu chi phí sản xuất trong nước đối với một tài nguyên cụ thể thì sử dụng số liệu chi phí sản xuất tham chiếu lấy từ các nghiên cứu khác của một nước tương tự Việt Nam, đặc biệt là các nước trong khu vực.

Vì là báo cáo ĐMC cho Chiến lược và Quy hoạnh nên các kịch bản phát triển được lấy theo kịch bản được đề xuất trong đó, cụ thể trình bày trong bảng 4.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Suy ngẫm về các nguồn vốn phát triển của Hà Nội - Ảnh 5
Bảng 4. Các phương án tăng trưởng GDP theo đề xuất của Chiến lược và Quy hoạch tổng thể Phát triển Kinh tế - Xã hội của Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Kết quả tính toán cho Hà Nội đã được trình bày trong báo cáo ĐMC nên chỉ xin trích kết quả và một số nhận xét.

Tổng vốn/tài sản phát triển tính theo USD/người của Hà Nội tính theo phương án 1,2,3 lần lượt là 22.838, 24607, 26.535 USD/người. Mức đóng góp của 3 thành phần vào tổng vốn phát triển được chỉ ra trên hình 1 và tỷ lệ đóng góp của từng thành phần chỉ ra trên hình 2.

Hình 1. Mức đóng góp (USD/người) của các nguồn vốn thành phần vào tổng nguồn vôn phát triển của Hà Nội.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Suy ngẫm về các nguồn vốn phát triển của Hà Nội - Ảnh 6

Hình 2. Mức đóng góp (%) của các nguồn vốn thành phần vào tổng nguồn vôn phát triển của Hà Nội.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Suy ngẫm về các nguồn vốn phát triển của Hà Nội - Ảnh 7

Từ hình 2 cho thấy, mức đóng góp của vốn tài sản vô hình mà thành phần chủ yếu là vốn con người luôn chiếm tỷ lệ cao, trên 70% trong khi vốn tài nguyên thiên nhiên chỉ trong khoảng 3%. Tỷ lệ vốn tài nguyên giảm ở một số phương án đi cùng tăng trưởng vốn sản xuất là do thay đổi quá trình đô thị hóa, chuyển đổi đất ở các phương án khác nhau.

Riêng vốn tài nguyên thiên nhiên, trong báo cáo ĐMC cũng trình bày rõ các loại thành phần đóng góp (xem bảng 5).

Bảng 5. Giá trị các vốn thiên nhiên thành phần (USD/người) của Hà Nội.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Suy ngẫm về các nguồn vốn phát triển của Hà Nội - Ảnh 8

Từ bảng 5 cho thấy, vốn tài nguyên thiên nhiên của Hà Nội chủ yếu từ đất trồng trọt và đất chăn nuôi. Hiện tại, diện tích đất nông lâm nghiệp vẫn còn nhiều nhưng có thể giảm dần khi thực hiện Quy hoạch Thủ đô để tăng quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Vì vậy, cần tính toán định kỳ các giá trị vốn này để biết xu thế thay đổi và tìm cách giảm thiểu tác hại (nếu xảy ra).

Trong các ấn phẩm tiếp theo của WB, vốn thiên nhiên còn được tách thành các vốn thành phần như: tài nguyên tái tạo và tài nguyên không tái tạo. Trong đó, vốn tự nhiên tái tạo bao gồm tài nguyên rừng (gỗ + dịch vụ hệ sinh thái), rừng ngập mặn, thủy sản, khu bảo tồn, đất nông nghiệp (đất trồng trọt + đất nông nghiệp). Vì vậy, thời gian tới Việt Nam cũng phải tiếp cận cách tính toán mới này, giúp chỉ rõ thêm từng thành phần của vốn tài nguyên thiên nhiên.

Vốn tài nguyên thiên nhiên phụ thuộc nhiều vào điều kiện địa lý khu vực và vấn đề quản lý, sử dụng nên nếu quản lý tốt, sử dụng hợp lý thì tài nguyên này sẽ tăng lên. Chẳng hạn, đất trồng trọt nếu chọn đúng loại cây trồng và áp dụng các kỹ thuật canh tác hợp lý sẽ tăng năng suất và đồng thời cũng tăng vốn tài nguyên. Đây là điều mà Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang hướng tới, đặc biệt là thay đổi giống/loại cây trồng và áp dụng kỹ thuật canh tác hiện đại. Tuy nhiên vẫn cần tính toán hiệu quả qua tính toán mức tăng vốn tài nguyên để theo dõi đánh giá hiệu quả sử dụng đất.

Kết luận

Đã đến lúc cần tính toán định lượng các nguồn lực/vốn/tài sản/sự giàu có của Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành phố nói riêng, trong đó có Hà Nội để định hướng cho việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển. Đặc biệt là xác định mức tăng trưởng GDP hợp lý trong một giai đoạn. Nếu bắt tay ngay từ bây giờ bằng cách lập dự án, thu thập số liệu, tiến hành tính toán, hiệu chỉnh kết quả tính thì đến khoảng năm 2030 chúng ta sẽ có được cơ sở dữ liệu về giá trị các nguồn vốn của Việt Nam và các tỉnh, thành trong cả nước.

Kết quả trình bày tính nguồn lực/vốn/tài sản/sự giàu có của Hà Nội là minh chứng cho khả năng áp dụng, cách tính toán các giá trị này ở Việt Nam. Những phân tích các giá trị tính được của nguồn vốn cho Việt Nam và Hà Nội chỉ ra khả năng sử dụng kết quả này trong đánh giá mức đóng góp của các loại vốn cho quá trình phát triển. Khi đó, chúng ta mới lý giải rõ được tăng trưởng (mà chủ yếu là tăng trưởng GDP hoặc GRDP) dựa chủ yếu vào những nguồn vốn nào và làm thế nào để tăng các nguồn vốn này để đảm bảo phát triển bền vững.

GS.TS Hoàng Xuân Cơ
Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam

Tài liệu tham khảo

[1]. WB, 2018, The Changing Wealth of Nations 2018-Building a Sustainable Future
[2]. WB, 2021, The Changing Wealth of Nations 2021- Managing Assets for the Future
[3]. Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 2)
https://kinhtemoitruong.vn/nhan-dang-tong-muc-giau-co-cua-viet-nam-ky-2-58214.html
[4]. Nhận dạng tổng mức giàu có của Việt Nam (Kỳ 3) (kinhtemoitruong.vn)
https://kinhtemoitruong.vn/nhan-dang-tong-muc-giau-co-cua-viet-nam-ky-3-58255.html

Bạn đang đọc bài viết GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Suy ngẫm về các nguồn vốn phát triển của Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới